- Thí sinh hoang mang trước tin đồn lộ đề
- Nhiều giám thị và thí sinh bị tai nạn giao thông
Báo cáo đánh giá về ngày thi đầu tiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, ngày thi đầu tiên diễn ra bình thường, an toàn và đúng quy chế. “Nhiều địa phương có địa bàn phức tạp, điều kiện giáo dục còn khó khăn cũng đã tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực để tổ chức tốt kỳ thi. Các trường phối hợp với các lực lượng đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước và đồi núi hiểm trở; đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thí sinh tham gia kỳ thi”, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết.
Kết thúc ngày thi đầu tiên, cả nước có 3.450 thí sinh bỏ thi, chiếm 0,6%. Số thí sinh đến chậm không được dự thi là 19; số thí sinh bị tai nạn giao thông 42; 3 giám thị chết vì tai nạn giao thông; 15 thí sinh bị đình chỉ thi; 4 giám thị bị đình chỉ thi, 3 giám thị bị cảnh cáo vì vi phạm quy chế thi.
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại các điểm thi trên cả nước, thí sinh và dư luận xã hội biểu lộ thái độ tích cực với đề thi. Nhiều giáo viên dạy văn tại TPHCM và Hà Nội cho rằng, đề thi môn Văn hợp lý và thú vị, đề thi môn Lý có tính phân hóa cao hơn mọi năm. Nhìn chung, thí sinh dễ đạt điểm trung bình.
Trước khi thi môn Văn 1 ngày, học sinh ở Thanh Hóa truyền tai nhau tin nhắn về đề thi tốt nghiệp môn Văn được cho là chắc chắn đến 65%, trong đó có tác phẩm Rừng xà nu, Việt Bắc và Tây Tiến. Dù đã được các cơ quan chức năng khẳng định là tin đồn, nhưng trong đề Văn sáng qua, câu 3a theo chương trình chuẩn là “Phân tích đoạn thơ trong bài Tây Tiến của Quang Dũng”. Sự trùng hợp này đã gây xôn xao dư luận.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trước khi thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh cũng nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ, cho rằng đề thi tốt nghiệp môn Văn và môn Địa lý bị lộ.
Chưa hết, chiều qua nhiều học sinh tại tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục truyền nhau tin nhắn về đề thi môn Sinh và môn Địa. Cụ thể, môn Địa được các sĩ tử truyền nhau về nội dung: “Khái quát biển Đông. Dựa vào Atlat nêu một số loại cây công nghiệp hàng năm ở nước ta, tình hình phát triển và phân bố. Biểu đồ hình đường” và “câu hỏi Địa trong cuốn ôn thi tốt nghiệp, trang 12 câu 2, trang 38, 39 câu 6,9. Ôn kỹ” . Song song đó, học sinh tiếp tục truyền nhau đề thi môn Sinh với nội dung tin nhắn: “Đề 3, đề 6, câu 30, 40, 41 của đề 2, câu 29, 32, 33, 35 đề 5 trong quyển ôn thi tốt nghiệp”.
Nhìn chung đề thi môn Văn khá hợp lý và thú vị, phù hợp với trình độ học sinh, có sự kết hợp cao giữa yêu cầu tái hiện và vận dụng kiến thức. Điểm nhấn của đề thi năm nay là nằm ở phần chung, so với năm ngoái, cả hai câu ở phần chung có hình thức mới mẻ, thú vị hơn nhưng cũng có phần khó hơn. Ở câu tái hiện kiến thức, những học sinh không có thói quen tư duy nhiều khả năng sẽ không trả lời trọn vẹn được câu này. Câu hỏi nghị luận mang đến bất ngờ thú vị vì không hỏi những vấn đề quá quen thuộc mà học sinh vẫn thường luyện tập trên lớp như bàn về tình yêu thương, tính trung thực… Ở phần riêng, đề thi vừa sức, hình thức câu hỏi không mới, học sinh có học lực trung bình có thể hoàn thành tốt. Điểm thi tốt nghiệp môn Văn năm nay sẽ không có nhiều điểm giỏi bởi nhiều học sinh không thể trả lời trọn vẹn câu hỏi tái hiện kiến thức. Th.S Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng môn Văn
Đề thi môn Lý hoàn toàn trong chương trình lớp 12. Đề thi đảm bảo cấu trúc. Yêu cầu của đề đặt ra là thí sinh phải nhớ, hiểu và vận dụng kiến thức. Số lượng câu chỉ yêu cầu nhớ kiến thức thuộc lòng là rất ít, chỉ khoảng vài câu. Do đó, những thí sinh chỉ thuộc bài một cách máy móc sẽ không làm được bài thi. Khá nhiều những câu tính toán đòi hỏi thí sinh phải biết cách đổi đơn vị cho phù hợp. Đây là một yêu cầu có thể làm nhiều thí sinh lúng túng và tính toán sai. Tóm lại, đây là một đề thi có tính phân hóa cao, những thí sinh ôn luyện đều đặn trong suốt năm học, nhớ, hiểu và vận dụng được kiến thức cơ bản có thể đạt điểm trung bình và khá. Ông Phạm Ngọc Tiến, chuyên viên Phòng Giáo dục |
Nhóm phóng viên
- Bên lề
* Tại Hội đồng thi Trường THCS Colette quận 3 (hệ giáo dục thường xuyên) có 9 thí sinh là người khuyết tật nên được bố trí thi ở các phòng tầng trệt. Các em đều viết được bằng tay. Đây là những học sinh của Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật.
* Tại Hội đồng thi THPT Bắc Yên Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), em Nguyễn Minh Phú, học sinh lớp 12A, Trường THPT Trần Đình Phong viết bài thi bằng chân. Từ khi sinh ra, Phú đã bị dị tật không có tay.
* Do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, trong ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, nhiều nơi ở ĐBSCL xảy ra mưa lớn, ảnh hưởng đến việc đi lại của thí sinh. Tại Cà Mau, nhiều trường hợp thí sinh ở xa, gia đình phải thuê phòng trọ cho các em ở gần điểm thi trước vài ngày. Ở một số điểm thi khác, nhiều thí sinh hùn tiền bao nguyên chuyến đò chở các em đi thi, nhằm chủ động thời gian và an toàn.
* Em Trần Hoàng Ân sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp
Em Trần Hoàng Ân, học sinh lớp 12A11 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa - một trong số những học sinh vừa bị bảo vệ tại tòa nhà Lotte Mart (quận 11) đánh trọng thương - không thể dự kỳ thi tốt nghiệp do vẫn phải nằm viện.
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Với những trường hợp thí sinh bị ốm trong vòng 10 ngày trước kỳ thi sẽ được đặc cách tốt nghiệp nếu thí sinh này có hạnh kiểm và học lực năm học lớp 12 đạt loại khá trở lên. Trường hợp học sinh Trần Hoàng Ân có học lực khá và hạnh kiểm tốt nên chắc chắn sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp.
Nhóm phóng viên