Hàng năm, cứ vào tháng 3 là Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam lại bay lên rộn ràng trong không khí trang trọng và được truyền hình trực tiếp trên cả nước. Thực ra, đây chỉ là một giải thưởng mà các hội chuyên ngành nghệ thuật được Nhà nước rót ngân sách hàng năm nhằm động viên những nhân tố tích cực của hội trong năm. Nhưng từ năm 2001, Hội Điện ảnh đã có sáng kiến tổ chức trao giải trang trọng với tên gọi Cánh diều. Và cũng bắt đầu từ đây, giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh đã có thêm sức sống mới với giá trị tôn vinh những nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam chứ không còn thầm lặng với các giải thưởng A, B, C như trước.
Trải qua 10 năm, giải Cánh diều đã trở thành một giải thưởng quan trọng và ghi được dấu ấn khá đậm trong lòng công chúng. Cũng bắt đầu từ năm 2010, giải Cánh diều càng được khẳng định khi bay lên trong ngày Điện ảnh Việt Nam, ngày 15-3.
Nhưng bởi vì luôn được tổ chức trong tháng 3, cùng thời điểm với giải Oscar của Mỹ, cả hai sự kiện đều được trực tiếp truyền hình, nên dù không muốn, người xem vẫn phải có những liên tưởng không lấy làm dễ chịu. Tất nhiên, với một nền điện ảnh đang khuynh đảo cả thế giới như Hollywood, không nên có bất kỳ sự so sánh nào, vì thực sự sẽ vô cùng khập khiễng. Nhưng xét cho cùng, dù là người khổng lồ, ai cũng phải trải qua giai đoạn ấu thơ, vì vậy sự lớn mạnh ấy không phải tự dưng mà có. Muốn bay lên như câu chuyện cổ thì ít nhất phải có phép màu và đôi cánh. Thời đại bây giờ không thể có ai mang đôi cánh cho ai, mà phải bằng sự nỗ lực của chính mình. Nỗ lực ấy chính là điện ảnh Việt Nam phải bước vào dòng chảy thế giới bằng giọng nói, gương mặt của chính mình chứ không phải bằng cách nói, cách thở của người khác.
Những năm trước, khi xem giải Cánh diều, nhiều người đã gọi đùa đó là giải Oscar Việt Nam. Thực vậy, từ cách thức trao giải, đến người nhận giải đều cứ mang máng như thế. Cả lời phát biểu của người nhận giải cũng cứ cùng một tông điệu với hàng tràng lời cảm ơn... Nhưng có lẽ điều bất ổn lớn nhất ở đây chính là bản sắc Việt. Bởi mấy năm gần đây, ngày Điện ảnh Việt Nam bỗng trở thành một cuộc thi thời trang dạ hội của các ngôi sao. Và tất nhiên, áo dài Việt, cái làm nên gương mặt và bản sắc dân tộc bỗng dưng biến mất. Người nước ngoài nhìn vào liên hoan phim Việt Nam hay giải Cánh diều trong ngày Điện ảnh Việt Nam làm sao họ nhận diện được chúng ta khi chính chúng ta đã tự từ khước trang phục của dân tộc mình mà cố chạy theo, bắt chước cho giống người, để tự hào là mình đang đi trên đường hội nhập?!
Nếu hiểu như thế thì sự hội nhập của Việt Nam chỉ còn là sự hòa lẫn vào dòng chảy của thế giới. Hãy nhìn về Iran, kinh phí làm phim thấp, nhưng nền điện ảnh của họ đã thành công rực rỡ ở các liên hoan phim quốc tế bởi vì họ là họ, không thể nhầm lẫn được với bất cứ đất nước nào trên thế giới. Và họ đã hội nhập vào dòng chảy thế giới ïbằng chính bản sắc dân tộc họ… Vì thế một nền điện ảnh trước khi đặt vấn đề hội nhập, việc tiên yếu nhất của nó chính là bản sắc dân tộc… Đó là con đường các đạo diễn Trung Quốc lừng danh như Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca đã đi. Họ đã đoạt được giải thưởng cao nhất ở Berlin, Cannes, Venice, ngoài tài năng đạo diễn, nội dung phim là một nhân tố không nhỏ khi được quốc tế công nhận. Đó chính là cái sắc thái đặc biệt của dân tộc Trung Hoa với những phong tục, tập quán được khai thác đến cùng. Sự cố làm cho giống nước ngoài chỉ có thể làm cho người ta dừng lại chú ý một chút, nhưng sau đó anh sẽ bị tan ra trong dòng chảy mênh mông của thế giới phẳng và không để lại dấu ấn gì, bởi thực sự những điều có thể đọng lại trong lòng người chính là cái bản thân anh có, từ nơi anh đã được sinh ra và lớn lên… Đó chính là dân tộc của anh.
Ngô Ngọc Ngũ Long