(SGGPO).- Ngày 7-12, kỳ họp thứ ba HĐND TPHCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ hai với buổi thảo luận tại hội trường.
Ông Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Việt Dũng
Một trong các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là mỗi năm TPHCM lập mới 50.000 doanh nghiệp (DN) để đến năm 2020, TP có 500.000 DN mới (chiếm 50% tổng số DN mới của cả nước).
So với mọi năm, đây là chỉ tiêu mới xuất hiện trong kế hoạch kinh tế - xã hội. Một mặt làm sao có được con số trên, mặt khác là “nuôi” con số trên - chăm chút cho các DN phát triển, như thế nào?
Lập mới DN sao cho hiệu quả
Đại biểu Cao Anh Minh đặt vấn đề, năm nay TP có 36.000 DN mới thành lập. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, còn số DN đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, có ứng dụng KHCN mới chiếm tỉ lệ rất thấp, chỉ 10,6%. Điều đó cho thấy định hướng đầu tư của TP chưa phù hợp lắm. Mặc dù TP đã có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào những sản phẩm có sức sáng tạo, có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao, song tỉ lệ trên cho thấy chính sách đó thực sự chưa đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2016, TP thu hút được 3,7 tỷ USD và nhìn vào cơ cấu, có sự thay đổi so với 2015 theo hướng rất cực đoan.
Ông Cao Anh Minh dẫn chứng, số DN đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm 77%, bán buôn bán lẻ tăng 70%, vào công nghiệp chế tạo giảm 86%. “Đó là những thay đổi rất đột biến, mang tính cực đoan. TP cần phân tích thêm tại sao cơ cấu thay đổi lớn như vậy?” – ông Minh lo ngại. Ông Minh đặt giả thiết, phải chăng có sự bất cập nào đó.
Trong kế hoạch năm 2017, TP bổ sung chỉ tiêu mới so với mọi năm là có 50.000 DN đăng ký mới.
Theo ông Cao Anh Minh, đây là chỉ tiêu cần thiết, đảm bảo hệ thống DN phát triển. Tuy nhiên, cần xét lại trên 2 yếu tố: số lượng DN mới cần phải đặt trên tổng số lượng DN còn hoạt động và tỉ lệ DN đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ.
Yếu tố thứ nhất rất đáng quan tâm bởi, 9 tháng đầu năm 2016, TP có 16.000 DN được thành lập mới. Bên cạnh đó, có 12.000 DN đóng cửa. Nếu lấy số DN “mới đẻ” trừ đi số DN “chết” thì không còn nhiều DN hoạt động. Nếu chỉ đặt mục tiêu 50.0000 DN thành lập mới mà không đặt chỉ tiêu tổng DN đang hoạt động thì… không thực tế.
Ở yếu tố thứ hai, theo ông Cao Anh Minh, nên chăng TP định hướng DN được thành lập mới vào các lĩnh vực TP đang khuyến khích đầu tư, như công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư vào sản phẩm có hàm lượng giá trị tri thức cao…
Theo ông Cao Anh Minh, nếu điều chỉnh chỉ tiêu phát triển DN mới bằng 2 yếu tố trên, sẽ giúp các cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể, có chính sách tháo gỡ, thông thoáng, tạo cho DN ở TP nói riêng và cả nước phát triển.
Đồng ý với đề xuất trên, đại biểu Cao Thanh Bình cũng nhìn nhận, TP hướng tới năm 2020 sẽ thành lập 500.000 DN (chiếm ½ DN mới của cả nước). Mỗi năm TP phải thành lập 50.000 DN mới là chỉ tiêu rất cao, rất khó thực hiện. Con số đối chiếu là năm 2016, TP chỉ thành lập mới 36.000 DN.
Trong việc phát triển DN mới thì chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN là một giải pháp. Tuy nhiên, khó khăn cũng ở đây.
Ông Cao Thanh Bình phản ánh, quận 1 có 15.266 hộ kinh doanh cá thể, qua làm việc, chỉ vận động được 10 hộ lên DN. Quận Tân Bình có 17.300 hộ, trước mắt chỉ có 43 hộ lên công ty, trong đó 15 hộ có trên 10 lao động và 28 hộ có doanh thu cao. Tương tự, quận 9 có 10.000 hộ và có thể chỉ có 12 hộ lên công ty.
Càng lo hơn khi hiện nay TP có gần 300.000 DN nhưng số DN hoạt động chỉ là 175.000 DN. Số DN có sử dụng hóa đơn còn ít hơn nữa, chỉ đạt 110.000 DN; số DN có thuế thu nhập chỉ đạt 45%. Trong khi số DN ngưng và chuyển địa bàn hoạt động khỏi TPHCM ngày càng tăng. “Sức khỏe” của các hộ cá thể cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Toàn TP có 250.000 hộ kinh doanh cá thể song chỉ có 132.000 hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn; 160.000 hộ có doanh thu (trong đó 45.000 hộ chỉ đăng ký cho tuê tài sản và nhà)…
“TP có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, có thể nói là đi đầu trong cả nước, nhưng số chính sách đến với DN rất ít. Để đạt chỉ tiêu thành lập mới DN, TP phải có giải pháp như cần rà soát số liệu, tính hiệu quả của DN cũng như công tác quản lý, điều hành, thực hiện các chương trình...” – đại biểu Cao Thanh Bình góp ý.
“Chăm” DN mới ra đời
Đại biểu Trần Thị Tuyết Hoa nêu vấn đề, TP khuyến khích hộ cá thể chuyển sang DN, vậy các nhân tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi là gì? Bà Hoa cho rằng, TP cần nghiên cứu, tìm ra nhân tố chủ đạo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Theo bà Trần Thị Tuyết Hoa, khó khăn của việc chuyển đổi có thể là hệ thống kế toán, khi chuyển sang DN, các cơ sở phải mất một khoản chi phí cho việc kế toán. Nếu giải quyết được vấn đề này, họ sẽ chuyển lên DN.
Hiện nay, lượng DN hoạt động gần 300.000 DN và số DN có hóa đơn chỉ là 110.000 đơn vị. “Ngành thuế TP hiện có trên 4.000 công chức mà vẫn chưa đủ. Nếu tăng một số lượng lớn DN nữa thì TP phải có hạ tầng, có nguồn lực để phục vụ cho sự ra đời, phát triển… Nên rất cần TP có kế hoạch, nguồn lực cụ thể không phải chỉ với ngành thuế” – bà Trần Thị Tuyết Hoa đề nghị.
Đại biểu Cao Thanh Bình nêu hiện trạng, 1 cán bộ thuế đang quản lý 200 DN và không thể nào kiểm soát hết được. Ngành thuế đang thiếu 2.800 biên chế.
Theo ông Bình, TP cần nghiên cứu quan tâm, tháo gỡ kịp thời, đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ sự gia tăng của DN.
Tán thành với các ý kiến của các đại biểu “không chỉ là con số DN phát triển bao nhiêu mà là giải pháp gì, nguồn lực gì để thực hiện được điều đó”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu lãnh đạo ngành thuế trao đổi cụ thể về giải pháp giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi thế nào để các hộ kinh doanh cá thể chuyển lên DN.
Cục trưởng Cục thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm cho biết, cơ bản nhất là ngành tiếp tục thực hiện cải cách hành chính. Cụ thể là củng cố chất lượng kê khai thuế qua mạng, giúp giảm chi phí DN. Hiện nay, 99% DN đã kê khai thuế qua mạng. Ngành thuế đang xây dựng cơ sở dữ liệu và tiến tới sẽ thực hiện hoàn thuế qua mạng. Song song đó, ngành thuế có giải pháp quản trị nội bộ của mình, giảm phiền hà DN.
Ông Tâm cũng lo ngại, mỗi năm TP tăng 50.0000 DN, con số này đặt ra yêu cầu không chỉ riêng với ngành thuế mà với công tác tổ chức quản lý, kiểm tra ra sao chứ không khéo sẽ làm khó DN.
Về trở ngại của hộ cá thể là không có kế toán, ông Tâm cho biết, chỉ có khoảng 190.000 hộ kinh doanh cá thể có nộp thuế. Trong đó, chỉ có khoảng 20.000 hộ nộp thuế từ 20 triệu đồng trở lên/năm. Trong quá trình vận động hộ kinh doanh chuyển sang DN, một thuận lợi là ngành thuế có rất nhiều đại lý thực hiện dịch vụ kế toán với các cơ sở. Nếu các hộ không có kế toán, thì có thể sử dụng dịch vụ này.
Về việc hỗ trợ DN phát triển, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cho biết, TP có gói 2.000 tỷ đồng kích cầu và gói 1.000 tỷ đồng hỗ trợ DN chuyển đổi. Có rất nhiều hình thức để đạt được con số 50.000 DN mới: thành lập mới, chuyển đổi từ hộ cá thể sang DN...
Ông Sử Ngọc Anh hy vọng, với các giải pháp tổng lực của TP, sẽ tạo ra nhiều DN để sản xuất của cải vật chất cho TP và cả nước.
VÂN ANH – ĐƯỜNG LOAN