Ngày thứ hai kỳ họp thứ ba HĐND TPHCM khóa VIII - Đồng thuận vượt khó

Hầm Thủ Thiêm mang tên “Đường hầm sông Sài Gòn”
Ngày thứ hai kỳ họp thứ ba HĐND TPHCM khóa VIII - Đồng thuận vượt khó

Ngày thứ hai kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa VIII diễn ra ngày 7-12, các đại biểu đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của TP năm 2011 và nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2012 cũng như các tờ trình của UBND TPHCM.

Đại biểu Đinh Phương Duy phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Đinh Phương Duy phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Hầm Thủ Thiêm mang tên “Đường hầm sông Sài Gòn”

Tại buổi thảo luận, đại biểu (ĐB) Trần Văn Thiện không nhất trí với tên gọi đường hầm sông Sài Gòn. ĐB Trần Văn Thiện nói: “Với trình độ hiện nay thì tôi không nói nhưng tương lai 50 hay 70 năm sau, TPHCM phát triển thêm nhiều đường hầm khác qua sông Sài Gòn nữa thì sao? Lúc đó đặt tên sẽ rất phiền phức, chẳng lẽ đặt tên đường hầm sông Sài Gòn A, đường hầm sông Sài Gòn B? Theo tôi nên đặt tên gắn với vị trí của nó và tồn tại mãi cả trăm năm”.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Việt Tú cho rằng nên giữ lại tên đường hầm Thủ Thiêm như cách gọi hiện nay. “Tên hầm Thủ Thiêm vừa mang tính biểu tượng tinh thần, vừa thể hiện tình cảm của người dân TPHCM với công trình thế kỷ này” - ĐB Tú nói.

ĐB Nguyễn Đức Trí thì cho rằng các phương án tên nào cho hầm Thủ Thiêm đều có thể được. Thậm chí có thể trưng cầu ý kiến của cử tri quận 1 và quận 2 hoặc tham vấn ý kiến một số nhà sử học về đặt tên hầm nhưng như thế mất thời gian lâu và cũng không thật cần thiết. Khi triển khai dự án đã có tên dự án hầm Thủ Thiêm nên đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, nay đổi tên mới có lẽ hơi khó nhớ.

Giải thích về tờ trình đặt tên đường hầm sông Sài Gòn, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng cho rằng dự án đại lộ Đông Tây gồm 3 hạng mục: phần đường phía Tây sông Sài Gòn (từ Bình Chánh đến quận 1) đã đặt tên Võ Văn Kiệt; đường phía Đông Sài Gòn (phía quận 2 - hiện đang nghiên cứu đặt tên đường) và phần hầm vừa thi công xong, cần được đặt tên cho phù hợp.

Ông Phượng cho biết, có 3 phương án đặt tên: hầm hữu nghị Việt - Nhật; hầm Thủ Thiêm hoặc đường hầm sông Sài Gòn. Tuy nhiên qua tham khảo nhiều ý kiến và bàn kỹ, UBND TP quyết định chọn phương án đặt tên là “Đường hầm sông Sài Gòn” trình HĐND TP xem xét thông qua. Ông Phượng cho biết thêm: “Về mặt lịch sử, 300 năm qua, TPHCM phát triển gắn với hệ thống kênh rạch, đặc biệt là sông Sài Gòn, theo quy hoạch TP phát triển mạnh theo hai bờ Đông và Tây sông Sài Gòn, chúng tôi thấy rằng tên đường hầm sông Sài Gòn là hợp lý vì vừa thể hiện quá khứ, vừa có tính định hướng tương lai”.

Giải thích thêm ý nghĩa của công trình, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng: “Đặt tên “Đường hầm sông Sài Gòn”, gắn với con sông Sài Gòn có gì đó rất đặc trưng với địa danh TPHCM. Đó là chưa nói sông Sài Gòn là nơi chứng kiến quá trình đấu tranh kiên cường của người dân TP, sự phát triển của TP chúng ta. Vậy một công trình tầm cỡ, gắn với niềm tự hào của người dân TP, nếu chúng ta đặt tên gắn với dòng sông Sài Gòn, tôi nghĩ là hợp lý hơn với phương án khác”.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ ý kiến: “Việc quan tâm đến tên cho một công trình có ý nghĩa lớn của TPHCM thể hiện rõ trách nhiệm của các ĐB HĐND TP. Chúng ta bàn bạc để đi đến thống nhất, đồng thuận. Cá nhân tôi cho rằng mỗi một ý kiến của ĐB phân tích có lý lẽ riêng và thuyết phục, đều với một mong muốn công trình này của TPHCM sẽ có ý nghĩa. Các tên mà ĐB đề xuất cũng thể hiện rõ tình cảm của ĐB với TP, với nhân dân TP”. Sau ý kiến của Chủ tịch HĐND TP, đại đa số ĐB đã biểu quyết dự thảo tờ trình và thông qua tên gọi “Đường hầm sông Sài Gòn”.

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Làm rõ các chỉ tiêu

Các ĐB HĐND TPHCM tiếp tục dành thời gian thảo luận tại hội trường và lắng nghe giải trình của các sở, ngành về các vấn đề liên quan đến trợ giá xe buýt. Về vấn đề trợ giá xe buýt, theo ĐB Lâm Thiếu Quân, năm 2000 TP trợ giá 800 tỷ đồng, năm 2011 trợ giá 1.240 tỷ đồng (tăng 49%), nay trợ giá 1.500 tỷ đồng. “Nếu tăng 50% chi phí trợ giá mà lượng khách chỉ tăng 10%, vậy muốn tăng 25% khách thì thời gian tới mức trợ giá lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng nên vấn đề trợ giá cần tính toán lại sao cho hợp lý”, ĐB Lâm Thiếu Quân nêu ý kiến.

ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết góp ý: Ưu điểm xe buýt thì không bàn cãi nữa nhưng không thấy Giám đốc Sở GTVT nói đến các biện pháp thu hút người dân đi xe buýt mà chỉ vận động cán bộ công chức, e rằng không hiệu quả.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT báo cáo: “Trợ giá xe buýt tăng chủ yếu do điều chỉnh tăng giá nhiên liệu và tiền lương công nhân, 2 yếu tố này cấu thành vào đơn giá xe buýt lớn. Tiền trợ giá là chi cho giới lao động nghèo, học sinh, sinh viên thường xuyên đi xe buýt”. ĐB Hà Phước Thắng đề nghị dự án các công trình trọng điểm nói chung và các tuyến metro nên lập danh mục công bố công khai để dân và đại biểu biết theo dõi tiến độ, giám sát công trình một cách tốt nhất.

Đối với chỉ tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông xuống 10%, ĐB Nguyễn Quý Hòa cho rằng: Để làm được như vậy đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và của từng người dân. Trước mắt, có thể vận động người dân đăng ký các chỉ tiêu cụ thể như trường hợp đăng ký không tăng giá nhà trọ mà TPHCM đã tạo được làn sóng đồng thuận như thời gian qua sẽ hiệu quả hơn.

Giải thích thêm cho các tờ trình, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng: Năm 2011, TP đã có nhiều bài học rất đáng quý từ cuộc sống như các phong trào Ba tương trợ, Ba tiết kiệm của hệ thống mặt trận các cấp hoặc từ mô hình của một phường ở quận Thủ Đức đã lan tỏa toàn TPHCM cuộc vận động không tăng giá nhà trọ với sự hưởng ứng của hơn 65.000 chủ nhà trọ. Nhờ đó, TP đã có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Năm 2012 có nhiều khó khăn, thách thức hơn nhưng với sự đồng thuận của các cấp và của người dân TP, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu đặt ra. UBND TP mong muốn từng ĐB HĐND TP sẽ phát huy tối đa vai trò của mình ở cơ sở, vận động, thuyết phục nhân dân cùng đồng thuận chung tay vượt qua khó khăn. “Lãnh đạo từng quận huyện, cơ quan ban ngành liên quan rà soát và có kế hoạch chu đáo thì những chỉ tiêu chúng ta đưa ra trong năm 2012 chắc chắn sẽ đạt được. Mong các ĐB HĐND TP sẽ giám sát chặt địa bàn của mình xem UBND địa phương đó thực hiện nghị quyết nói trên như thế nào” - Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Ngày 7-12, kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa VIII đã biểu quyết thông qua 9 tờ trình của UBND TP, 2 tờ trình của thường trực HĐND TP để ban hành 13 nghị quyết. Theo đó, bảng giá đất năm 2012 vẫn giữ nguyên như năm 2011 (giá đất ở đô thị và nông thôn được có khung cao nhất là 81 triệu đồng/m² và thấp nhất là 10.000 đồng/m²), chỉ bổ sung hoặc điều chỉnh cục bộ đối với một số tuyến đường, đoạn đường được nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và các tuyến đường, đoạn đường mới hoàn thành hoặc mới được đặt tên trong năm 2011. Ô tô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả tài xế) khi đăng ký mới và chuyển từ các tỉnh về phải nộp lệ phí trước bạ 15% (tăng thêm 5% so với năm 2011), 10% trước bạ đối với đăng ký lần thứ 2 trở đi. Thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai trên địa bàn TP với mức 200.000 đồng/lần trích lục hồ sơ...


Dự kiến, hôm nay 8-12, phiên chất vấn sẽ diễn ra và được truyền hình trực tiếp, đại diện các Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Công an TPHCM sẽ trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm: vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung và các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường xen cài trong các khu dân cư; tình hình triển khai một số dự án (đã thuận địa điểm, được duyệt quy hoạch, có quyết định thu hồi và giao đất) nhưng thời gian thực hiện kéo dài hoặc chưa thực hiện; tình hình thực hiện các dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực y tế và giáo dục bằng nguồn vốn ngân sách; tình hình trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông, giải pháp kéo giảm 10% tai nạn giao thông so với năm 2011…

Vân Anh – Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục