Hôm qua, 11-6, Quốc hội bước sang ngày thứ hai chất vấn các thành viên Chính phủ. Những vấn đề thời sự như cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng, quản lý game online, mặt trái lễ hội… đã làm phiên họp “nóng” lên khi Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
- Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Tôi không thể làm trái thẩm quyền
Mở màn phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) hỏi đến bao giờ việc rà soát vấn đề cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài thuê đất trồng rừng mới làm xong và tiếp đó sẽ có chủ trương như thế nào? ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt vấn đề: “Cho DN nước ngoài thuê đất trồng rừng đúng pháp luật về đầu tư, nhưng có đúng pháp luật về quốc phòng - an ninh không? Việc cho thuê đất là do các địa phương tự phát hay chủ trương của bộ?”.
Dẫn số liệu từ báo cáo, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay có 11 DN nước ngoài vào Việt Nam để khảo sát và đầu tư trồng rừng ở 10 tỉnh. Và UBND 10 tỉnh này đã chấp thuận chủ trương cho nước ngoài đầu tư trên diện tích 305.353,4 ha. Tuy nhiên, hiện các tỉnh mới ra văn bản quyết định chính thức cho 15.664,45 ha, được thuê 50 năm và diện tích cấp phép liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha.
“Thông tin Chính phủ đã cho thuê 305.000 ha là không chính xác” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Ông cho biết, theo Luật Đầu tư, việc xem xét cho thuê đất trồng rừng thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Các bộ chỉ có ý kiến khi địa phương yêu cầu. Sau khi có dư luận về vấn đề này, Bộ NN-PTNT đã tổ chức kiểm tra ở một số tỉnh. “Chúng tôi nhận thấy họ đều làm đúng pháp luật, có xem xét trên các khía cạnh về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh; không chỉ xem xét riêng khía cạnh kinh tế”.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục hỏi, nhiều tỉnh đã cấp phép đầu tư với quy mô, diện tích vượt quá khả năng thực tế. Vậy, diện tích cấp phép vượt quá là bao nhiêu? ĐB Lê Như Tiến cũng thắc mắc: “Báo cáo ghi rõ là cấp giấy chứng nhận đầu tư trên 305.000 ha - nghĩa là đã cấp phép rồi chứ không chỉ là chủ trương. Các tỉnh có thẩm quyền cấp phép, nhưng bộ trưởng là tư lệnh ngành, có trách nhiệm như thế nào?”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích: “Có giấy chứng nhận đầu tư, nhưng không có nghĩa là toàn bộ diện tích đất đó đã được giao. Hiện còn đang làm rõ từng khu đất cụ thể, chỉ được giao khi có đủ điều kiện”. Bộ trưởng thừa nhận các địa phương “có thiếu sót” là cấp giấy chứng nhận khi chỉ khảo sát sơ bộ, nên có nơi đã cho thuê cả phần đất đã giao cho dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình, hiện đang có 19 dự án cho thuê đất trồng rừng được cấp phép tại 18 tỉnh, trong khi Bộ NN-PTNT cho biết chỉ có 10 tỉnh. Về diện tích đất rừng đã cho thuê, ông Bình đưa ra con số 398.374 ha (trong khi số của Bộ NN-PTNT là 305.352 ha). Điều quan trọng, theo ông Bình, là các dự án này “nằm ở khu vực trọng yếu về quốc phòng - an ninh, có nơi là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn”.
Lắng nghe ý kiến chất vấn của ĐBQH và trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt câu hỏi: “Cho nước ngoài thuê tới gần 400.000 ha đất, bằng diện tích tỉnh Tây Ninh, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu?”. Chưa hết, ông Xuân nói: “Tôi đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này”.
Trước sự gay gắt của đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát có phần ngập ngừng, ông nói: “Bộ NN-PTNT được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, Bộ Tài nguyên quản lý về đất, trường hợp này các địa phương được phân cấp cho thuê đất, chứ không thuê rừng, nên không hỏi ý kiến bộ. Chỉ khi có ý kiến của dư luận, chúng tôi mới điều tra và báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Nói có trách nhiệm không, rõ rằng phải có trách nhiệm cùng các bộ khác trước vấn đề của đất nước. Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm những việc không đúng thẩm quyền”.
Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát là giải pháp để nông dân trồng lúa lãi ít nhất 30%. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phối hợp với các bộ liên quan để có thêm nhiều giải pháp thực hiện chủ trương này của Chính phủ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Khe hở lớn đối với việc cấp giấy phép cho thuê đất trồng rừng là cho đầu tư vào các địa bàn nhạy cảm về quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó là cấp cho một nhà đầu tư quá nhiều đất, chỉ riêng một công ty của Đài Loan - Trung Quốc (Công ty InnovGreen của chủ doanh nghiệp đến từ Đài Loan, đăng ký ở Hồng Công - PV), đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với quy mô lớn nhất, trên 200.000ha (con số chính xác: 264.848ha, chiếm 87% tổng diện tích đã cấp GCN), tức là hơn 2.000km², một nhà đầu tư không thể thực hiện được dự án có diện tích như thế. Chính sự phân cấp đã khiến các địa phương không có cái nhìn tổng thể. Diện tích cho DN nước ngoài thuê đất trồng rừng là trên 380.000 ha. Quan điểm của chúng tôi, dự án nào không hợp lý, vượt quá quy mô, có ý đồ chiếm dụng đất đai, nhạy cảm về quốc phòng an ninh sẽ cương quyết rút giấy phép.
Theo chúng tôi bây giờ phải điều tra lại, những dự án nào có thể không ảnh hưởng nhiều đến quốc phòng an ninh và đã trót giao cho các công ty nước ngoài mà cần giữ quan hệ lâu dài thì mới cho tiếp tục làm. Dự án nào liên quan tới an ninh quốc phòng thì kiên quyết rút giấy phép đầu tư. Nhưng trước mắt cần kiểm tra, ngăn chặn ngay việc các tỉnh tiếp tục cho thuê đất rừng. Quan điểm riêng của tôi là không nên giao. Vì sao? Vì các doanh nghiệp của chúng ta đang cần đất trồng rừng lại không giao? Doanh nghiệp ta còn phải đi thuê đất rừng ở Campuchia và Lào để trồng rừng. Rồi người dân đang rất cần diện tích để trồng rừng, họ sống bằng rừng, sao lại không giao cho dân mà giao cho nước ngoài? Trước hết phải giao đất cho người dân trồng rừng, sau đó ưu tiên doanh nghiệp trong nước. A.Phương ghi |
- Bộ trưởng Bộ VH-TT- DL Hoàng Tuấn Anh: Trái thuần phong mỹ tục, xử lý ngay
Người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, ĐB Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh) đi thẳng vào vấn đề nhức nhối: sự xuống cấp, tha hóa về đạo đức của giới trẻ hiện nay là nguyên nhân gây nên nhiều bạo lực trong xã hội, trong đó có tác động không nhỏ từ game online, từ sách báo, điện ảnh bạo lực.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời, cần tăng cường kiểm duyệt các ấn phẩm độc hại, thông qua đó tự nâng cao “sức đề kháng” cho mỗi người. Chưa hài lòng với phần trả lời “chung chung” này, ĐB Nguyễn Phụ Đông vặn lại: Bộ trưởng chưa nói trách nhiệm quản lý của ngành ra sao, giải pháp cũng chưa rõ? “Báo cáo với ĐB Đông, kênh truyền hình có tới 70% phim nước ngoài. Việc duyệt phim này do TGĐ đài truyền hình quyết định. Bộ VH-TT-DL chịu trách nhiệm về quảng cáo. Nếu trái thuần phong mỹ tục, chúng tôi xử lý ngay” - Bộ trưởng nói.
Về game online, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vừa qua xã hội rất bức xúc hiện tượng bạo lực học đường, trong đó có nhiều hành vi bắt chước ở game online. Bộ GD-ĐT đã khảo sát tình trạng học sinh chơi game online ở 5 tỉnh thành, phát hiện 77% trò chơi trên mạng hiện nay là bạo lực; 9% có tính cờ bạc, 14% là bóng đá, đua xe.
Gần cuối buổi chất vấn, trở lại vấn đề này ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) cho rằng, tác hại của nó thế nào, ai cũng đã rõ. Nhất là tác hại đối với các em học sinh, không kém rượu, thuốc lá, một số mặt tương đương ma túy: “Trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý Nhà nước?”.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trần tình: “Sau này tôi và anh Lê Doãn Hợp phải bàn lại, quản lý thế nào, xử phạt phải tăng lên”.
Bức xúc về sự lãng phí, thương mại hóa... trong việc tổ chức lễ hội, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chất vấn: “Tổng chi phí cho lễ hội là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu trong nguồn chi của Nhà nước, địa phương”. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng hỏi, lễ hội do Bộ quản lý cũng bị lãng phí, có xu hướng mê tín? “Lễ hội đền Hùng dự định đặt trên bàn thờ quốc tổ chai rượu to nhất? Bộ trưởng có biết không?” - ĐB Đáng bức xúc.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, tổng chi phí lễ hội phải làm việc với Bộ Tài chính để thống kê. “Dĩ nhiên là chúng ta phê phán việc buôn thần bán thánh. Lễ hội chùa Hương vừa rồi đã xử lý 3 việc: làm chùa giả trong chùa Hương, phong thánh con, ban phát lộc trị giá 20-30 ngàn đồng”.
Theo ông, quan điểm của bộ là xã hội hóa lễ hội, nhưng không buông lỏng quản lý, điều này vừa qua ở một số địa phương làm chưa tốt. “Khi biết ý định đặt lên bàn thờ Tổ chai rượu khổng lồ, chúng tôi kiên quyết dẹp ngay, điều đó vừa vi phạm quy định cấm quảng cáo rượu, vừa có biểu hiện chạy theo thành tích. Lễ hội biến tướng, lãng phí, xã hội kêu nhiều, chúng tôi sốt ruột lắm. Chúng tôi đang kiểm kê, phân loại các lễ hội, tháng 6 này sẽ tổng kết, báo cáo Thủ tướng” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.
ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) tiếp tục truy: Chùa thì ít, hòm công đức thì nhiều. Có ông sư nói có tuần thu hàng tỷ tiền công đức? Vậy quản lý tiền này ra sao, vì đây chính là tiền mồ hôi nước mắt của người dân? Có hay không sự móc ngoặt để đặt hòm công đức? Có quy định nào về đặt hòm công đức? Bộ trưởng nêu quan điểm: Việc nhét tiền vào mọi nơi ở chùa, vứt tiền xuống giếng chùa là rất vô văn hóa, mong bà con hãy chấm dứt tình trạng này.
Hàm Yên - Phan Thảo