Nghề cao quý

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam có từ xa xưa và là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Kể từ năm 1982, khi Chính phủ quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam thì toàn thể nhân dân ta thực sự có thêm một ngày hội của mình, ngày tri ân các thầy cô giáo - những kỹ sư tâm hồn của lớp lớp thế hệ người Việt Nam.

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam có từ xa xưa và là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Kể từ năm 1982, khi Chính phủ quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam thì toàn thể nhân dân ta thực sự có thêm một ngày hội của mình, ngày tri ân các thầy cô giáo - những kỹ sư tâm hồn của lớp lớp thế hệ người Việt Nam.

Thế nhưng trong cơ chế thị trường hiện nay, bên những lời tri ân và vinh danh, vẫn có những ý kiến cho rằng, nói nghề giáo cao quý vì đào tạo con người, sản phẩm là con người là sai, bởi nhân cách và kiến thức là cái không thể lấy được chỉ trong trường học, mà nó ở trường đời; rằng giáo dục xuất hiện ở tất cả mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống thường nhật, giáo dục không của riêng ai. Họ cho rằng thầy cô giáo là người được trả tiền để bán kiến thức... Hẳn nhiên, đây không phải là suy nghĩ của số đông người Việt, nhưng dù chỉ là suy nghĩ của một bộ phận nhỏ trong xã hội thôi, thì cũng thật đau lòng.

Nghề giáo cũng như bất cứ nghề nào khác, có nhiều người tốt, nhưng cũng có người chưa tốt. Nhưng có thể khẳng định rằng tuyệt đại các thầy cô giáo của chúng ta là những người có lương tâm, nhân cách, lao động không chỉ vì mưu sinh cuộc sống, mà vì sự lớn lên tốt đẹp của các thế hệ học trò, vì tương lai của dân tộc.

Cũng có người so bì rằng không có nghề nào sướng như nghề giáo, vì có 3 tháng hè. Nhưng sự thật, các thầy cô không có nổi 1 tháng nghỉ ngơi để bù lại những độc hại của bụi phấn hay đủ thời gian để tái tạo sức khỏe sau 9 tháng đứng lớp. Khi học sinh nghỉ hè là họ phải hoàn tất sổ sách, giáo viên cuối cấp thì ôn luyện cho học sinh thi tốt nghiệp, rồi tuyển sinh, tập huấn, cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới. Lao động của nghề giáo vì thế nặng nhọc triền miên theo tháng ngày. Cứ mỗi lần đơn vị quản lý giáo dục bày ra cải cách, cải tiến, cải tổ, là các thầy cô giáo lại phải nài lưng ra để đáp ứng yêu cầu vẫn với đồng lương vốn còm cõi.

Trong bối cảnh yêu cầu phải đổi mới giảng dạy gay gắt hiện nay, khi ngân sách nhà nước chưa đủ đầu tư đồng bộ, nhiều thầy cô giáo phải dành dụm, thậm chí phải vay mượn để tự trang bị máy tính, máy chiếu, mua sắm dụng cụ giảng dạy trực quan để nâng cao chất lượng dạy học. Trong “trận đánh lớn” đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT lần này, các thầy cô giáo lại càng phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các yêu cầu đổi mới. 

Đã có không biết bao nhiêu ý kiến lên tiếng phải cải cách tiền lương, thu nhập, chế độ ưu đãi cho nghề giáo. Hội Cựu Giáo chức Việt Nam khi đóng góp ý kiến đối với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề nghị phải có chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, không để như hiện nay lương (thu nhập) của nhà giáo đứng cuối bảng. Chúng ta ai cũng thấy, trừ một bộ phận thầy cô giáo (chủ yếu ở các đô thị lớn) bị hút vào chuyện dạy thêm để nâng cao thu nhập, còn hàng triệu nhà giáo khác chỉ đơn thuần trông vào đồng lương eo hẹp.

Dịp kỷ niệm ngày 20-11 năm nay, khi đến thăm động viên các thầy cô giáo ở Trường THPT Cổ Loa (Hà Nội), GS-TS Nguyễn Thiện Nhân đã tâm sự rằng, trong quãng đời công tác của ông, quãng thời gian tham gia giảng dạy là hạnh phúc nhất, ấm áp nhất trong cuộc đời. Cũng như vậy, hàng triệu thầy cô giáo trên khắp dải đất hình chữ S này vẫn luôn đứng vững và hạnh phúc trên bục giảng với đồng lương eo hẹp là bởi cảm nhận được giá trị cao quý của nghề nhà giáo. 

Tri ân các thầy cô, bên cạnh việc bày tỏ những tình cảm đặc biệt, xã hội đều mong Đảng, Nhà nước sớm cải thiện chế độ đối với nghề giáo để các thầy cô toàn tâm toàn ý cho việc dạy học, không còn phải tất bật lo toan cuộc sống thường ngày sau giờ giảng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục