
Đến giờ, không ai có thể biết chính xác được nghề chưng mâm quả – kết trái cây hình thú (CMQ-KTCHT) có từ bao giờ và ông tổ là ai? Chỉ biết, mỗi dịp lễ tết, cúng đình hay đám hỏi, đám cưới… nhiều người thường thích bày trí chưng mâm quả, kết trái cây hình thú để dâng cúng ông bà, tổ tiên, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng nghệ nhân giỏi nghề này đang hiếm dần…
- Ngoại thành có những nghệ nhân...

Nghệ nhân Huỳnh Văn Được với tác phẩm “Việt Nam điểm đến an toàn” - giải nhì hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây 2006”.
Hiện nay, những nghệ nhân CMQ-KTCHT giỏi nghề, được nhiều người biết tiếng đa phần ở các quận ven, huyện ngoại thành như: quận 6, Thủ Đức, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh…
Ở quận 6 có nghệ nhân Trần Văn Làm; Củ Chi nghệ nhân Huỳnh Văn Được; Hóc Môn có các nghệ nhân: Đào Văn Dúp, Nguyễn Văn Ngà, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Tròn… Các nghệ nhân đến với nghề này bằng niềm say mê mãnh liệt và số đông là “cha truyền con nối”, rất ít khi có “người ngoại đạo”.
Nghệ nhân Đào Văn Dúp (số 2/1 ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn – người có 30 năm kinh nghiệm CMQ-KTCHT, được xem là “lão làng” của nghề này có truyền thống mấy đời theo nghề (ông ngoại là nghệ nhân Dương Tấn Trực; ba là nghệ nhân Đào Tôi).
Năm nay, nghệ nhân Đào Văn Dúp 55 tuổi, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông đã mang về nhiều giải thưởng trong các kỳ hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” do Sở Du lịch TPHCM và Công ty Du lịch Văn hóa Suối Tiên tổ chức.
Trong 10 lần diễn ra hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” ở Suối Tiên, nghệ nhân Đào Văn Dúp đã xuất sắc “rinh” gọn 4 giải nhất vào các năm 1997 với tác phẩm “Tứ linh”; 1999 với tác phẩm “Công nghiệp hóa”; 2000 với “Cửu Long hội Đức Phật”; 2002 với “Tìm về cội nguồn”; 2003 với “Hồn tiên đất nước”…
Với nhiều thành tích đạt được, nghệ nhân Đào Văn Dúp đã được Sở VHTT TPHCM tặng bằng khen và hiện các cơ quan đang làm hồ sơ đề nghị phong tặng ông danh hiệu: nghệ nhân dân gian. Cùng ở huyện Hóc Môn, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Ngà với 20 năm kinh nghiệm.
Trước đây, anh thấy nhiều nghệ nhân CMQ-KTCHT sao đẹp quá, ước gì mình cùng làm được như thế, vậy là anh đi theo các nghệ nhân học hỏi kinh nghiệm và từ đó dấn thân theo nghiệp CMQ-KTCHT.
Với 20 năm theo nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngà cũng đoạt được nhiều giải thưởng như: năm 2003 đoạt giải ba, năm 2004 đoạt giải khuyến khích ở Hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” ở Suối Tiên. Đặc biệt, năm 2006, ở Hội thi “Chưng bày mâm quả” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức, anh đoạt giải nhì với tác phẩm “Tứ linh chào mừng đất Việt”.
Ở Củ Chi, nghệ nhân Huỳnh Văn Được, con trai của nghệ nhân Huỳnh Văn Bù, tuy vào nghề mới hơn 10 năm, nhưng anh cũng tạo được nhiều dấu ấn riêng của mình tại các kỳ hội thi với nhiều giải thưởng. Trong đó, năm 2006 là năm đáng nhớ nhất đối với anh.
Ở Hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây 2006” tại Suối Tiên, anh xuất sắc vượt qua nhiều nghệ nhân khác, đoạt giải nhì với tác phẩm “Việt Nam điểm đến an toàn” và hội thi “Chưng bày mâm quả chào mừng ngày gia đình Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức, anh đã “ẵm” giải nhất với tác phẩm “Gia đình ba thế hệ”.
Mặc dù thành tích là vậy nhưng khi được hỏi “Làm nghề CMQ-KTCHT có sống được với nghề?”, ai nấy đều cười và lắc đầu “chơi nghệ thuật là chính”. Chính vì thế mà các nghệ nhân CMQ-KTCHT đều chọn cho mình một nghề khác làm kế sinh nhai như: chạy xe lôi, nuôi bò, chạy xe ôm, đi vẽ – đắp phù điêu…
- Lạ, đẹp là thành công, nhưng rất cực

Đông đảo người dân đến xem các tác phẩm Chưng mâm quả - kết trái cây hình thú đang trưng bày tại Hội Xuân huyện Bình Chánh 2007.
Theo các nghệ nhân, những mẫu mã CMQ-KTCHT thường là: “Long Phụng hòa minh, Sắc cầm hảo hiệp”, “Tùng lộc”, “Tứ linh”, “Phước lộc thọ”, “Long lân”, “Đào viên kết nghĩa”, “Long hổ”, “Tam tạng thỉnh kinh”… tùy theo chủ đề lễ tết, cưới hỏi, cúng đình, chúc thọ hay các hội thi, với nhiều kích thước khác nhau mà các nghệ nhân sẽ chọn cách chưng sao cho đẹp nhất.
Cho nên, các nghệ nhân “thi thố” tay nghề hơn thua nhau là sự tìm tòi cách thể hiện sao cho lạ, đẹp. Nhưng muốn thế, đòi hỏi nghệ nhân phải động não và chịu cực đi tìm “nguyên vật liệu” ở khắp nơi.
Có những loại trái cây, các nghệ nhân phải đi xe hàng mấy chục đến cả trăm cây số đến Cần Giờ hoặc Long An, Tiền Giang hay về Bình Dương, Tây Ninh… “săn lùng” tìm hái, mua về. Đó là các loại trái cây: thốt nốt, bằng lăng, trái cám, dứa biển, trái dái ngựa, bông vẹt, trái trôm…
Tuy nhiên, hiện nay, các loại “nguyên vật liệu” dùng để chưng này cũng đang ngày càng hiếm đi bởi tốc độ đô thị hóa nhanh. Vì thế, nhiều nghệ nhân đã tìm giống mang về nhà trồng để chủ động nguyên liệu, nhưng tất cả không phải đơn giản vì có nhiều lúc “cần không có, có không cần”.
Cho nên, nghề này là luôn mãi đi tìm. Tìm để xem có loại trái cây nào lạ, đẹp, có thể chưng lâu không hư là hái, mua về… chưng thử! Nghệ nhân Huỳnh Văn Được cho biết, có những tác phẩm hơn thua nhau chỉ vì một loại trái cây lạ. Nếu thân con công mà kết bằng vỏ thơm là thường mà kết bằng bông vẹt là nổi trội hẳn, đẹp hơn nhiều…
- Giữ gìn và phát huy

Nghệ nhân Huỳnh Văn Được với tác phẩm “Gia đình ba thế hệ”.
Từ nhiều năm nay, để tạo điều kiện cho các nghệ nhân thi thố tài năng và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong chương trình Lễ hội trái cây Nam bộ diễn ra tại Suối Tiên do Sở Du lịch TPHCM và Công ty Du lịch Văn hóa Suối Tiên tổ chức luôn có hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây”.
Đây là hội thi thu hút rất nhiều nghệ nhân của TPHCM và các tỉnh thành lân cận tham gia. Tuy nhiên, số lượng nghệ nhân, quanh đi quẩn lại cũng chỉ bao nhiêu con người ấy, nếu có tăng thêm cũng chỉ thêm một vài người kế nghiệp gia đình.
Hiện nay, bên cạnh hội thi do Sở Du lịch TPHCM và Công ty Du lịch Văn hóa Suối Tiên tổ chức, vào những dịp lễ tết, một số quận huyện đều tổ chức “Chưng mâm quả – kết trái cây hình thú”.
Tuy nhiên, các địa phương tổ chức hội thi này và số nghệ nhân tham gia cũng chưa nhiều. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngà cho biết: “Nghệ thuật CMQ-KTCHT của ông bà để lại rất hay và độc đáo. Nếu không có cách giữ gìn và phát huy thì sau này sẽ dần mai một. Hiện nay, thỉnh thoảng cũng có một vài bạn trẻ mê, xin theo học nghề.
Muốn nhân rộng và nâng cao nghệ thuật CMQ-KTCHT, chúng ta cần thành lập các câu lạc bộ nghệ nhân CMQ-KTCHT. Qua đó, các nghệ nhân có thể trao đổi kinh nghiệm và cả chuyện tổ chức đi thi, giới thiệu nghệ thuật này ra nhiều tỉnh thành khác nữa. Đó cũng là cách quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam và thu hút giới trẻ quan tâm… học nghề”.
ĐỖ HẠNH