Nghệ sĩ hay tiến sĩ?

Đã cận kề mùa tuyển sinh, nhưng không khí ở các trường nghệ thuật cả nước vẫn hiu hắt, ảm đạm, và dường như còn đọng tiếng thở dài kiểu Hamlet: Tồn tại hay không tồn tại! Nguyên do không gì khác hơn là có quá nhiều ngành học không được lọt vào “Bản danh sách Schindler” (tên một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Steven Spielberg) để sống sót trong quá trình “chuẩn hóa” quy trình đào tạo mà Bộ GD-ĐT đang theo đuổi.

Với tiêu chuẩn cứng rắn là có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký, hàng loạt các trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật hàng đầu của đất nước như ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TPHCM; các Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Huế; Nhạc viện TPHCM; ĐH Mỹ thuật (Hà Nội, TPHCM), ĐH Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội, TPHCM)… đều bị dừng tuyển sinh đối với các ngành cơ bản như Chỉ huy âm nhạc, Thanh nhạc, Hội họa gốm, Thiết kế đồ họa…

Đặc biệt, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - trường duy nhất của Việt Nam là thành viên Hiệp hội Các trường điện ảnh - truyền hình thế giới và Hiệp hội Các trường đào tạo sân khấu châu Á - phải dừng tuyển sinh 15/18 ngành đào tạo cơ bản. Mà như vậy, nguy cơ đóng cửa trường đã không còn ở thì tương lai xa.

Đầu tiên phải khẳng định Bộ GD-ĐT sau khi lo xong phần “lượng” với số trường ĐH-CĐ mới mở và nâng cấp bậc đào tạo theo kiểu “lên đời” xe máy 50cc thành 100cc gần như phủ kín các địa phương thì đã rất nỗ lực chăm lo phần “chất” của hệ thống giáo dục, đào tạo. Các tiêu chí như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, chương trình giảng dạy… đều được đong đếm, cân nhắc kỹ lưỡng để “lượng” thấm vào “chất” và “chất” quyết định sự tồn tại của “lượng”.

Và yêu cầu tiên quyết là chất lượng, chất lượng và không ngoài chất lượng đào tạo đối với sự tồn vong của các cơ sở giáo dục được bộ cụ thể hóa bước đầu là ngừng tuyển sinh với 207 ngành trình độ ĐH ngay trong năm 2014 - đã được dư luận đánh giá khá tích cực. Nhưng sự mạnh tay này đôi khi làm chấn động nền móng còn quá yếu ớt, chưa được gia cố vững chắc của nền giáo dục trong quá trình tự đổi mới, hòa nhập.

Các trường nghệ thuật mếu máo rằng chuyện đào thải những ngành không có chất lượng, không đảm bảo nhu cầu của xã hội là hợp lý nhưng quyết định của Bộ GD-ĐT có gì đó hơi vội vã, cứng nhắc bởi đây là trường đào tạo những ngành rất đặc thù, không thể đem cái của khoa học tự nhiên “áp” vào các ngành nghệ thuật. Hơn nữa, khi ra quyết định ngừng tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng chỉ dựa trên báo cáo của từng trường về đội ngũ giảng viên cơ hữu chung chung mà quên… tham khảo ý kiến của Vụ Đào tạo Bộ VH-TT-DL - đơn vị quản lý ngành dọc. Mấu chốt của vấn đề - bị giới nghệ thuật phản ứng gay gắt - là quy định “tiến sĩ hóa” hoạt động của ngành.

Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, một trong những tay máy đầu tiên của Việt Nam được đưa sang CHDC Đức đào tạo về nhiếp ảnh, bức xức: “Thầy của tôi chính là những nhà nhiếp ảnh không có chữ nào của kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ - những nhà nhiếp ảnh tạo ra lịch sử đất nước. Đây là một quyết định sẽ thông minh nếu ngày mai sửa nó đi…”.

Cùng với ông Vũ Huyến, người đã vận động thành lập khoa Nhiếp ảnh tại ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cách đây hơn chục năm, PGS-TS Trần Thanh Hiệp, hiệu trưởng trường này, cũng gay gắt không kém khi cho rằng giảng dạy sáng tác là người phải có thực tiễn sáng tác, có kinh nghiệm, có tài năng chứ không chỉ là bằng cấp. Ông nói: “Có một thực tế là trước khi dự tuyển vào một ngành đào tạo nào, có những sinh viên hỏi dò trước là trường sẽ mời thầy nào làm chủ nhiệm. Nếu biết người ấy không phải là người làm nghề giỏi, nổi tiếng trong giới mà chỉ có bằng cấp cao thôi thì sinh viên ấy lại không thi nữa, đợi đến năm sau. Vì thế, chúng tôi cũng không khuyến khích việc giữ sinh viên giỏi ở lại để giảng dạy hoặc học tiếp lên cao học sau này. Bởi như thế, họ chỉ có thể truyền cho sinh viên những kiến thức cơ bản thôi chứ không có kinh nghiệm nghề”.

Rõ ràng, đặc thù chung của đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam cũng như của nhiều nước khác là đều ưu tiên tính thực tiễn với giảng viên tham gia giảng dạy đa phần là những nghệ sĩ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm và có thành tựu trong sáng tạo. Bởi vậy, việc dung hòa giữa bằng cấp và chuyên môn thực, giữa lý thuyết và nghiên cứu vẫn cần có một lộ trình thực hiện lâu dài, không thể một vài năm có ngay số lượng tiến sĩ, thạc sĩ theo định lượng của Bộ GD-ĐT.

Cũng cần nói thêm Bộ GD-ĐT có phúc đáp rằng bộ này rất linh động khi xử lý như không có tiến sĩ piano, tiến sĩ sân khấu… thì phải có tiến sĩ gần với chuyên ngành đó. Song gần là gần bao nhiêu, xa là xa bao nhiêu và chả lẽ cỡ như NSND Đặng Thái Sơn cũng không được giảng dạy ở nhạc viện vì thiếu bằng tiến sĩ piano?

Nghệ sĩ là nghệ sĩ và tiến sĩ là tiến sĩ, rất hiếm hoi có trường hợp vừa là nghệ sĩ kiêm tiến sĩ có tiếng. Âu rằng chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có quyết định cho phép hay không cho phép tuyển sinh các ngành nghệ thuật, vì có hỏi một nghệ sĩ rằng bạn có phải tiến sĩ không thì chắc chắn người đó sẽ đáp: “Xin lỗi, em chỉ là nghệ sĩ…”.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục