Trong 6 tháng đầu năm 2012, TPHCM đã tổ chức 3 đoàn văn nghệ sĩ đi thăm và giao lưu cùng cán bộ chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa. Từ nguồn cảm hứng ở những chuyến đi thực tế trên, các văn nghệ sĩ đã tạo nên một cơn sóng sáng tác, mang đến một mùa bội thu tác phẩm về đề tài biển đảo.
Mùa bội thu
Đó là nhận xét của bất cứ ai khi nhìn vào danh mục tác phẩm của văn nghệ sĩ TPHCM sáng tác về biển đảo tính đến giữa tháng 6- 2012. Chỉ riêng về thơ đã có 20 tác phẩm, văn có 6, âm nhạc có đến 51 tác phẩm, trong đó có 5 ca khúc thiếu nhi và 2 tác phẩm là của tác giả dù không đi Trường Sa nhưng phổ nhạc từ thơ của người từ Trường Sa về. Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên lập một kỷ lục khi có đến 21 tác phẩm. Ngoài ra, còn có 1 bản giao hưởng của nhạc sĩ Lê Quang Vũ, 1 kịch bản sân khấu Cây bàng vuông, 1 kịch bản múa Chúng tôi là lính nhà giàn của NSƯT Phi Yến. Phần mỹ thuật có đến 135 bức ký họa chân dung chiến sĩ và đời sống biển đảo, hầu hết được trao tặng ngay cho các chiến sĩ biển đảo.
Thực tế, các sáng tác về biển đảo đã có từ trước như ca khúc Hành khúc Trường Sa của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến sáng tác từ những năm 1980 đang là ca khúc thịnh hành nhất ở đảo; hay có những bài thơ, bản nhạc của các nghệ sĩ Thập Nhất, Phan Hồng Sơn, Huệ Triệu… cũng quen thuộc với lính đảo. Thế nhưng, từ chuyến đi này, những tác giả, các tác phẩm mới có dịp tập trung, gom lại tạo thành một danh mục phong phú, ấn tượng sâu đậm với bạn đọc.
Xúc cảm Trường Sa
Tận mắt chứng kiến hình ảnh những hòn đảo giữa biển khơi, ý thơ mới xuất hiện. Bài thơ Hòn đảo hình mũi giáo của nhà thơ Lê Tú Lệ ra đời là từ xúc cảm như thế. Và khi được đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, sống trong không khí hào hùng của đất trời, những tứ thơ chợt bật ra: Có phải ý trời mà Trường Sa Lớn mang hình mũi giáo/Mũi giáo cha Lạc Long Quân cưỡi sóng dữ khuất phục thuồng luồng, cá kình, cá mập…/Có phải lòng người mà dải đất Việt mang hình lưỡi sóng/Khát khao nhoài phía biển Đông…
Nhạc sĩ Thế Hiển ngay trên boong tàu chao đảo theo sóng biển trong khi chờ cập bến đã viết liền ca khúc Vỏ ốc biển với những lời ca đầy tha thiết: “Anh gửi về em những vỏ ốc biển từ Trường Sa đảo xa… Khi em nhận em hãy áp tai vào lòng ốc biển. Em hãy lắng nghe, em hãy lắng nghe tiếng sóng gió dạt dào. Là ngàn nỗi nhớ anh gửi về em…”.
Trong các chuyến đi, lính đảo yêu thích nhất là những bức ký họa chân dung chiến sĩ. Cũng chính trong những lúc ký họa như vậy đã để lại một kỷ niệm khó quên trong lòng các nghệ sĩ đến với Trường Sa. Đó là lúc trên đảo Sơn Ca, anh em văn nghệ sĩ đang giao lưu với các chiến sĩ, nghệ sĩ Quỳnh Nhi đang biểu diễn bài hát Bầu trời bình yên, bỗng vang lên tiếng kẻng báo động. Tất cả những người lính đều khẩn trương vào vị trí, bỏ lại các văn nghệ sĩ đang ngơ ngác. Hình ảnh những người lính đang thẹn thùng chờ vẽ chân dung hay tươi cười nghe hát và hát cùng khách ở đất liền ra bỗng hoàn toàn thay đổi, vẻ tươi cười thay bằng chất mạnh mẽ sẵn sàng chiến đấu.
Lúc đó, họa sĩ Trần Phước Vinh tình cờ đang ngồi gần một chốt phòng không. Hình ảnh người lính nhảy qua vai anh lao vào mâm pháo, những khuôn mặt sắc lạnh hướng nòng súng lên trời cao ngay trước cặp mắt ngỡ ngàng của họa sĩ. Ở giây phút đó, một động lực bất chợt thôi thúc anh vẽ liền tay, những bức phác họa liên tục hình thành. Chỉ trong vài phút báo động đó, họa sĩ đã vẽ 5 bức ký họa và bức được chính tác giả đánh giá là đẹp nhất đã được trân trọng trao tặng lại những người lính đảo như một kỷ niệm về giây phút xuất thần của người nghệ sĩ.
| |
Tường Vy