Nếu Asiad 2019 vẫn được Chính phủ đồng ý tổ chức thì chỉ trong vòng 10 năm, thể thao Việt Nam đăng cai đến 3 đại hội lớn nhất châu lục, bao gồm Asian Indoor Games (AIG3) hồi năm 2009, Asian Beach Games (ABG5) sắp diễn ra. Nếu tổ chức được cả 3 sự kiện ấy, vị thế Việt Nam sẽ lên rất cao trên trường quốc tế bởi hiếm có một quốc gia đang phát triển nào đủ sức thực hiện trong một khoảng thời gian như vậy. Tuy nhiên, rõ ràng quyết định tạm dừng đăng cai Asiad 2019 hoàn toàn chính xác nếu nhìn từ AIG3 và những gì đang diễn ra tại ABG5.
Nếu như AIG3 là sự kiện thất bại về mặt tài chính khi chi phí bỏ ra cho tổ chức lên đến 100 triệu USD, nhưng các nguồn thu chỉ đạt 20 tỷ đồng do việc vận động tài trợ không hiệu quả, thì đến ABG5, dù không tốn nhiều chi phí do các hoạt động diễn ra ngoài trời, cơ sở vật chất có sẵn thì vẫn không đạt được mục đích về mặt quảng bá hình ảnh.
ABG vốn là sự kiện thể thao có phần đặc thù, những nơi đăng cai trước đây đều là điểm du lịch biển nổi tiếng của châu Á như Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan), Hải Dương (Trung Quốc) hay sắp đến là Goa (Ấn Độ)… điều này cho thấy việc tổ chức ABG có thiên hướng về kinh tế du lịch hơn là thể thao. Nếu ở góc nhìn này, có thể thấy việc tổ chức ABG5 của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đề ra.
Ví dụ như mảng truyền thông và tiếp thị - tài trợ đáng ra phải được làm tốt hơn AIG3 năm 2009 do những ưu thế về không gian ngoài trời, tính giải trí cao thì lại rơi vào đúng “vết xe đổ” của đại hội trước, với chỉ tiêu khá khiêm tốn là 25-30 tỷ đồng nguồn thu. ABG đang giống như việc riêng của ngành thể thao, nặng về tính chuyên môn đặc thù mà chưa thể trở thành một sự kiện tầm cỡ châu lục đa mục tiêu, có sức hút mạnh mẽ. Mọi người vẫn có cảm giác “Đại hội do Việt Nam đăng cai mà như ở đâu”, cho dù ngày khai mạc đã cận kề.
Thật ra, một sự kiện thể thao không đặt tài chính làm trọng tâm, cái chính vẫn là quảng bá hình ảnh con người - đất nước. Một sự kiện có thiên hướng giải trí cao như ABG lại càng phải đề cao khâu này, nhưng dù sẽ tiếp đón gần 10.000 người đến tham dự thì ngay tại Việt Nam, khâu quảng bá sự kiện lại rất hạn chế, tủn mủn. Không có một hệ thống tour du lịch nào được thiết kế đặc biệt dành riêng cho sự kiện đang diễn ra tại “rốn” du lịch biển và di sản miền Trung này. Ngành du lịch địa phương cũng không hề có một kế hoạch quảng bá cho sự kiện này, ngoài trang web chính thức của Tổng cục TDTT đưa tin về chuyên môn. Sự kiện lại rơi vào tháng 9, thời điểm “đón bão” tại Đà Nẵng. Trong tổng chi phí gần 400 tỷ đồng được rót xuống, hầu như không có khoản kinh phí cho công tác quảng bá. Theo kế hoạch đăng cai trước đây, ABG sẽ diễn ra thêm ở các địa điểm Nha Trang và Bình Thuận, tức là ban đầu mục đích rất rõ ràng nhưng càng làm thì càng thu hẹp, rốt cuộc thì ABG5 chỉ gói gọn trong mảng thể thao.
Điều đáng nói hơn đó là thể thao biển của Việt Nam không hề phát triển. Nhiều môn thi đấu, nước chủ nhà phải sử dụng VĐV trong nhà thi đấu để đạt mục tiêu thành tích. ABG5 đến rồi đi nhưng chưa chắc đã thúc đẩy bất kỳ điều gì cho thể thao Việt Nam. Nghĩa là dù đăng cai một sự kiện lớn của thể thao châu Á, nhưng những gì mà chúng ta nhận được vô cùng khiêm tốn, không đạt được mục đích cụ thể nào, điều này đã xảy ra cách đây 7 năm ở AIG 2009.
Một lần nữa, tư duy trong quản lý thể thao thực sự có vấn đề dù thời gian gần đây qua các thành công của thể thao Việt Nam trên đấu trường thế giới, không thể phủ nhận tiềm năng của chúng ta. Dù cố gắng hòa nhập, tìm kiếm cơ hội và nỗ lực vươn lên, nhưng phải chăng chính sự trì trệ trong cách nghĩ đã khiến cho ngành thể thao luôn chậm chân dù có cơ hội trong tay.
VIỆT QUANG