Nghĩ về lời xin lỗi

“Xin lỗi” nghĩa là xin được miễn thứ về lỗi lầm mà mình đã gây ra. Đây là một hành vi văn hóa, thuộc về văn hóa ứng xử. Việc một người nào đó làm sai, có lỗi với người khác - dù vô tình hay cố ý - mà biết nhận thức được lỗi lầm của mình và tỏ lòng hối tiếc, sửa sai, người đó được xem là người biết ứng xử, hướng thiện, có văn hóa, và vì thế, dễ dàng được tha thứ. Ngược lại, người có lỗi nhưng không biết mở lời xin lỗi hoặc cố tình lờ đi, bị xem là người thiếu văn hóa, thậm chí là thiếu đạo đức. Từ đó, xin lỗi còn bao hàm ý nghĩa đạo đức.

Xã hội càng văn minh, văn hóa ứng xử càng được đề cao, tôn vinh, trở thành chuẩn mực giao tiếp trong xã hội. Vậy cho nên, lâu nay từ “xin lỗi” gần như đã trở thành thói quen trong giao tiếp, không chỉ để “xin lỗi” mà còn để tỏ ý lịch sự khi muốn nhờ người khác một việc gì đó.

Không chỉ trong quan hệ cá nhân, ngày nay, hành vi ứng xử này còn được coi trọng trong các quan hệ giữa người dân với các chủ thể giao tiếp khác, đặc biệt với các cơ quan công quyền - nơi mà các “công bộc” thi hành sứ mệnh phục vụ nhân dân. Trong trường hợp này, thái độ ứng xử của người thi hành công vụ đối với nhân dân không đơn thuần là văn hóa ứng xử mà hơn thế, là đạo đức công vụ, hay còn gọi là lương tâm chức nghiệp.

Bởi, mối quan hệ giữa nhân dân và người thi hành công vụ không phải là mối quan hệ đồng đẳng mà là mối quan hệ có thứ bậc, mang tính chất “ông chủ - đầy tớ”. Chỉ có điều ngược lại với các xã hội xưa kia, “ông chủ” trong xã hội văn minh, tiến bộ ngày nay là nhân dân, còn người thi hành công vụ mới là “đầy tớ”, vì không ai khác, nhân dân chính là người đóng thuế để trả lương cho người thi hành công vụ. Chính vì vậy mà hơn ai hết, người thi hành công vụ phải luôn ý thức được sứ mệnh làm công bộc, phục vụ nhân dân của mình. Sứ mệnh này là thiêng liêng và mang tính tự nguyện. Cho nên, khi đã lãnh nhận sứ mệnh làm công bộc của dân, người thi hành công vụ phải luôn thấm nhuần lý tưởng phục vụ nhân dân, coi trọng đạo đức công vụ, coi trọng văn hóa ứng xử, hay nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải biết “trọng dân, kính dân, yêu dân”.

Đáng tiếc là hiện nay, không phải người mang danh “công bộc” nào cũng thấm nhuần được lý tưởng thiêng liêng này. Và đó chính là nguyên nhân khiến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giảm sút, thậm chí một bộ phận bị tha hóa, từ đó làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với bộ máy nhà nước, là nguyên cớ dẫn đến bao hệ lụy nguy hiểm cho xã hội, cho đất nước, cho chế độ.

Nhận thức được điều này, thời gian qua, từ Trung ương đến các địa phương, trong đó có TPHCM, đã chủ động thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chấn chỉnh đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khắc chế căn bệnh vô cảm với dân của người phục vụ nhân dân. Đáng chú ý, năm 2012 UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, địa phương, đơn vị tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác cải cách hành chính, bảo đảm thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật, đúng thời gian và phải có thư xin lỗi người dân nếu đến ngày hẹn trả mà chưa có kết quả giải quyết. Việc bắt buộc các cơ quan hành chính nhà nước phải xin lỗi nếu không thực hiện đúng lời hứa với dân đã cho thấy một sự tiến bộ trong tiến trình cải cách hành chính, thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng nền hành chính công theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và vì dân.

Tuy nhiên trên thực tế, việc làm này đến nay vẫn chưa có nhiều biến chuyển, rất ít nơi thực hiện, thậm chí thực hiện chiếu lệ. Điều đó cho thấy, đến việc dễ dàng như xin lỗi dân mà chưa làm được hoặc làm chưa đến nơi đến chốn thì khó có thể nói đến việc xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, vì dân một cách thực chất.

Lời nói, việc làm là biểu hiện ra bên ngoài của bản chất bên trong. Do đó, để việc “xin lỗi dân” không trở nên hình thức, mang tính đối phó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý, chế tài nghiêm khắc… quá trình giải quyết việc dân, cần phải đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, xây dựng một đội ngũ những người thi hành công vụ mới, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn phải có nền tảng văn hóa, đạo đức, thấm nhuần lý tưởng “phục vụ nhân dân”. Chỉ khi người thi hành công vụ thật sự biết nghĩ đến lợi ích của dân, biết đặt mình vào hoàn cảnh, vị thế của người dân để ứng xử và giải quyết việc dân một cách tận tâm giống như giải quyết việc của chính mình, mới có thể xây dựng được một nền hành chính chuyên nghiệp, thực chất, chân chính, vì dân. Và chỉ khi đó mới củng cố được niềm tin của dân, cải thiện được hình ảnh người cán bộ công chức mang danh là “công bộc” của một đất nước “của dân, do dân và vì dân”. 

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục