Đảng ta, từ sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, là một đảng thay mặt nhân dân nắm chính quyền để quản lý xã hội, để chăm lo đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân và để chống thù trong giặc ngoài.
Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề đó, Đảng phải làm công tác tư tưởng, phải có cơ quan làm tham mưu cho cấp ủy Đảng các cấp, để góp phần xây dựng tư tưởng, xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng và giành được lòng dân.
Truyền thống ngành Tuyên giáo chủ yếu là truyền thống làm tham mưu về công tác tư tưởng cho các cấp ủy Đảng. Để làm tham mưu tốt phải biết nắm tình hình tư tưởng, biết xây dựng lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, biết thuyết phục.
Muốn nắm được tình hình tư tưởng phải phát huy tự do diễn đạt tư tưởng trong Đảng, trong xã hội và phải biết nghe, biết phân tích, biết hướng dẫn tự phê bình và phê bình. Phải biết nghe cả lời nói xuôi và lời nói ngược, cả lời nói trong các cuộc họp chung, cả những gởi gắm tâm sự riêng, phải biết cảm nhận điều có khi nghe nói vậy mà không phải vậy, phân biệt được lời ca ngợi thật lòng với lời khen nịnh... Làm tham mưu còn phải kịp thời nắm bắt những luận điệu của kẻ xấu, của các thế lực thù địch trong thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Có nắm đúng tình hình tư tưởng mới báo động, báo yên đúng cho cấp ủy Đảng trong lãnh đạo công tác tư tưởng.
Làm công tác tư tưởng phải biết xây dựng lòng tin, trong đó có lòng tin trực giác, lòng tin tín nhiệm, lòng tin tín ngưỡng và lòng tin khoa học.
Lòng tin trực giác là tin khi đã nhận thấy rõ ràng các chủ trương của Đảng đã được thực hiện có kết quả tốt.
Lòng tin tín nhiệm là lòng tin vào người lãnh đạo mà mình đã hiểu đã kính phục từng nói là làm, đã làm là nêu gương, ví như lòng tin đối với Bác Hồ.
Lòng tin tín ngưỡng là lòng tin được kiên định đến mức ngưỡng mộ, “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.
Lòng tin khoa học là lòng tin do suy nghĩ hiểu ra lẽ phải được chứng minh bằng lý luận khoa học. Lòng tin khoa học còn là tin vào Đảng không chỉ lúc biết Đảng lãnh đạo đúng mà còn giữ vững lòng tin khi nhận thấy Đảng làm sai nhưng đã tự phê bình đúng đắn sâu sắc và quyết tâm sửa chữa.
Tất cả các dạng lòng tin như nêu trên đều cần được coi trọng xây dựng, nhưng xây dựng lòng tin khoa học phải được coi trọng hàng đầu.
Tư tưởng là điều suy nghĩ trong đầu óc người ta. Bằng mệnh lệnh hành chính cấm đoán, dựa vào luật pháp để xử phạt, bằng sức mạnh bạo lực cưỡng chế, có thể ngăn chặn được hành vi không đúng nhưng không thể làm thay đổi được tư tưởng sai. Giải quyết các vấn đề về tư tưởng phải bằng phương pháp thuyết phục.
Cần thực hiện 4 phục: lý phục, tâm phục, khẩu phục, đức phục.
Lý phục là vận dụng lý luận, lý lẽ đúng để phân tích bác bỏ lý luận, lý lẽ sai một cách sắc bén, có chứng cứ xác thực.
Tâm phục là làm cho sức thuyết phục về tư tưởng thấm sâu vào lòng người hình thành được “tòa án lương tâm”. Để đạt được tâm phục, người làm công tác tư tưởng phải biết về tâm lý dân tộc, giai cấp, tôn giáo, về địa vị xã hội, về giới, về tuổi tác, về giàu nghèo khác nhau... Lại còn phải biết đặc điểm về tánh người. Có người làm sai mà góp ý riêng, thẳng thắn chân tình thì cười rồi sửa, nhưng nếu đưa ra chi bộ phê bình, gọi nhau đồng chí thì không thích. Có người làm sai, góp ý phê bình thì phản ứng, nhưng vẫn âm thầm sửa lỗi. Có người có tánh tự cao tự phụ, làm sai nhưng nghe ai nói tới mình thì to tiếng cãi lại rất quyết liệt gây căng thẳng nội bộ rất khó dàn hòa. Đối với trường hợp này, nên theo kinh nghiệm sống ở đời là “dạy người có nhiều cách, không thèm dạy cũng là một cách dạy”.
Khẩu phục là “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa người nghe”. Nói đúng là không chê oan và khen oan, bình tĩnh phân tích trao đổi, không “dao to búa lớn”, không quy kết chụp mũ, nói thật mà không mất lòng. Đặc biệt không nói nặng lời, xúc phạm đến nhân cách chẳng những làm cho người được phê bình không tiếp thu mà còn căm giận. Nên nhớ rằng: “Dao đâm có lúc lành thương tích. Lời nói đâm nhau hận suốt đời”.
Đức phục là làm cho nhân dân tin phục Đảng vì thấy rõ Đảng là đạo đức, là văn minh, có lãnh tụ là Bác Hồ nêu gương sáng về đạo đức, thấy rõ những người lãnh đạo phần lớn là người có đạo đức, thấy những gương về người tốt làm việc tốt, được xã hội tôn vinh. Đạo đức người làm công tác tư tưởng của Đảng là phải trung thực, khiêm tốn, “biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”.
Trong đấu tranh tư tưởng, cần phân biệt đấu tranh trong nội bộ Đảng, nội bộ nhân dân, khác với đấu tranh chống các thế lực thù địch.
Đấu tranh tư tưởng với kẻ địch là nắm đúng các luận điệu bịa đặt, xuyên tạc lắt léo của chúng để vạch trần cho quần chúng biết để không nghe theo chúng, làm cho chúng bị cô lập. Thông tin trên mạng, ngày nay có rất nhiều điều xuyên tạc bịa đặt từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ việc chung đến đời tư. Từ đó, không phải đọc trên mạng biết có lời xuyên tạc, bịa đặt nào, ta cũng phải vạch trần cải chính, mà chỉ cần tập trung vạch trần những luận điệu dễ làm cho đông đảo người biết, bị mắc lừa tin theo. Cần thông báo cho trong Đảng, trong nhân dân biết trên mạng, kênh nào là kênh thông tin chính thống của Đảng, của Nhà nước ta. Thông tin chính thức cần đúng sự thật, kịp thời và có định hướng. Đối với các kênh thông tin khác thì yêu cầu người đọc phải suy nghĩ, đừng vội tin theo và loang ra. Cần làm cho nhân dân có ý thức tham gia vạch trần các luận điệu xuyên tạc bịa đặt của kẻ xấu, của các thế lực thù địch, coi đó là thực hiện quyền làm chủ, là thực hiện nghĩa vụ công dân, là đấu tranh vì quyền lợi của chính mình.
Trần Trọng Tân