Nghĩ về văn hóa hưởng thụ

1. Trong dịp tết, bên cạnh những hành vi chưa hay như bẻ cành cây (để hái lộc?), xả rác, đốt pháo… thì năm nay còn xuất hiện hành vi “cướp hoa”, “bắt heo” trưng bày ở các hội chợ và các điểm công cộng. Tuyệt đại đa số những người có hành vi không đẹp này lại là giới trẻ, những người thường xuyên được giáo dục, định hướng các chuẩn mực đạo đức, các hành vi ứng xử. Vì vậy, dù bất kỳ động cơ nào, hành vi này cũng đáng bị lên án và phải được uốn nắn nghiêm túc từ trong gia đình, nhà trường, các đoàn thể…

Xét sâu xa, hành vi nói trên có một phần xuất phát từ những hiện tượng chưa lành mạnh trong xã hội. Đó là sự thiếu công bằng trong việc chiếm hữu và hưởng thụ các thành quả lao động của một bộ phận người dân. Những điều đó khiến cho một bộ phận thanh thiếu niên cho rằng cứ chiếm hữu được, sử dụng được là điều đáng làm, còn thiệt hại cho ai, gây hậu quả cho ai là không đáng bận tâm. Điều này nếu không sớm ngăn chặn sẽ sinh ra một bộ phận người sống ích kỷ và nhẫn tâm.

2. Xã hội càng văn minh, càng tiến bộ, cơ hội được thụ hưởng càng nhiều thì càng phải nâng cao văn hóa hưởng thụ. Nghĩa là, mỗi cá nhân khi thụ hưởng những cái hay, cái đẹp từ những sản phẩm của tự nhiên hay từ thành quả lao động của người khác thì đều phải có nghĩa vụ giữ gìn và làm đẹp thêm sản phẩm hay thành quả đó, để nhiều người khác có cơ hội được thụ hưởng cái hay, cái đẹp đó.

Mỗi cá nhân thể hiện văn hóa hưởng thụ thế nào cũng đồng thời thể hiện được phẩm cách của mình thế ấy. Vì vậy, xã hội cần có sự điều chỉnh đúng hướng đối với văn hóa hưởng thụ để góp phần định hướng nhân cách sống. Đó là cổ vũ, động viên những hình thức hưởng thụ “vì mọi người”; góp ý, lên án với những hình thức hưởng thụ “vì mình”. Nói một cách khác, mỗi cá nhân bên cạnh tự trau dồi văn hóa hưởng thụ của mình thì cũng phải quan tâm, tác động theo hướng tích cực đến văn hóa hưởng thụ của người khác. Vì một lẽ đơn giản, có thể đến lúc nào đó, bản thân mình sẽ không có cơ hội thụ hưởng những cái hay, cái đẹp vì sự ích kỷ trong cách thụ hưởng của người khác.

Vấn đề văn hóa hưởng thụ xem ra không dừng lại ở việc thưởng lãm mùa xuân mà còn tạo nên một bức tranh xuân đẹp đẽ trong tất cả các hoạt động ở xã hội ta hiện nay.

TRỊNH MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục