Nhiều năm qua, người cựu chiến binh Nguyễn Cao Xiểm, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đã thực hiện hành trình thầm lặng đi tìm đồng đội hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ đó, hàng trăm gia đình đã đưa được người thân trở về quê hương đoàn tụ…
Chuyện ghi ở nghĩa trang
Buổi chiều, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, mùi nhang trầm thoang thoảng trong gió như mời gọi anh linh các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ nơi đây chứng kiến ngày đoàn tụ của gia đình với liệt sĩ Đinh Văn Biểu, quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Liệt sĩ Đinh Văn Biểu, thượng sĩ, Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, hy sinh trong trận chống càn tại xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang năm 1973. Không giấu niềm xúc động, anh Đinh Văn Mạnh, em liệt sĩ Đinh Văn Biểu, nghẹn ngào cảm ơn anh Nguyễn Cao Xiểm và những đồng chí, đồng đội đã giúp gia đình tìm kiếm và làm mọi thủ tục, tổ chức nghi thức để đưa liệt sĩ Đinh Văn Biểu về với gia đình, quê hương.
Hành trình kiếm tìm liệt sĩ Đinh Văn Biểu cũng nhiều gian truân. Trước kia, dù kinh tế còn khó khăn, gia đình đã gom góp tiền bạc để lặn lội vào miền Nam dò tìm nhưng dòng thông tin ngắn trên giấy báo tử không giúp được gì. Trở về, gia đình chỉ còn hy vọng cuối cùng là viết thư và gửi giấy báo tử cho Phòng Chính sách Quân khu 9 để nhờ khi nào có thông tin thì liên lạc. Biết anh Nguyễn Cao Xiểm là người có rất nhiều thông tin về mộ liệt sĩ, Phòng Chính sách Quân khu 9 đã gửi thư và giấy báo tử để anh giúp đỡ gia đình thân nhân liệt sĩ.
Sau khi xem xét, nhận định liệt sĩ có thể được chôn cất ở các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn hy sinh, anh Nguyễn Cao Xiểm đến nghĩa trang huyện Cái Bè để nắm thông tin. Sau cùng, anh gặp được tấm bia đề tên liệt sĩ Đinh Văn Biền. So với các thông tin trên giấy báo tử đều trùng khớp quê quán, thời gian hy sinh, đơn vị, chỉ khác mỗi tên. Để đảm bảo chính xác, anh tìm gặp các cựu chiến binh Trung đoàn 24 hiện sinh sống gần đó. Rất may, qua người đồng đội cũ của liệt sĩ Đinh Văn Biểu, cựu chiến binh Lê Thanh Tân, ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết đó chính là anh Đinh Văn Biểu, trước hy sinh ở xã Hậu Mỹ Bắc và về sau được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cái Bè…
Lời hứa của lương tâm
Quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, năm 1965, anh Nguyễn Cao Xiểm nhập ngũ và cùng hàng ngàn thanh niên ở các miền quê khác vượt Trường Sơn cứu nước trong đội hình Trung đoàn 24. Biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 đã đồng cam cộng khổ, hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân để làm nên những chiến công hiển hách. Trong cơ thể anh giờ đây vẫn còn lưu dấu vài mảnh đạn. Nơi các chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ mà Trung đoàn 24 đã đi qua, hàng trăm, hàng ngàn đồng chí, đồng đội anh vẫn còn nằm lại. Hòa bình lập lại, anh được điều về làm việc và trải qua nhiều vị trí khác nhau trong lực lượng vũ trang Quân khu 9. Thời gian này, rất nhiều gia đình đã gặp và hỏi anh những thông tin về liệt sĩ.
Anh tâm sự: “Khi giúp mọi người tìm được những thông tin về liệt sĩ, tôi rất vui. Những trường hợp không tìm được thông tin gì về mộ chí và nhiều khi bắt gặp sự khát khao của người mẹ liệt sĩ muốn ôm hôn dù là một kỷ vật của con, hay nhiều gia đình tuy nghèo khó nhưng vẫn lặn lội đi tìm kiếm, cất bốc đưa liệt sĩ về quê nhà thực hiện ước nguyện và di nguyện của cha, mẹ… là điều làm tôi day dứt, trăn trở”.
Điều ấy đã thôi thúc anh Nguyễn Cao Xiểm thực hiện hành trình tìm kiếm liệt sĩ. Ban đầu, anh xin sao chép lại danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 24 rồi gửi các địa phương nhờ giúp đỡ, phối hợp tìm kiếm. Đồng thời, anh cùng các cựu chiến binh trung đoàn tự tổ chức đến từng nghĩa trang nơi trung đoàn đã từng đóng quân và chiến đấu để tìm. Thế nhưng, khi đến nghĩa trang, anh lại bắt gặp hàng trăm, hàng ngàn bia mộ đầy đủ thông tin về liệt sĩ tuy khác quê quán và đơn vị. Nghĩ rằng, người thân của họ đang héo hon, mong mỏi giây phút đoàn tụ… nên từ đó, hàng ngàn lá thư về thông tin liệt sĩ đã được anh Nguyễn Cao Xiểm viết và gửi đi khắp mọi miền Tổ quốc. Trên mỗi lá thư, anh cẩn thận ghi dòng chữ “đây là địa chỉ cũ, nếu có thay đổi về địa chỉ, kính mong mọi người chuyển thư cho gia đình”.
Mỗi chuyến đi, mỗi hành trình tìm đồng đội là một lần trên vai anh thêm trĩu nặng thông tin về mộ chí liệt sĩ và giúp anh đúc rút được nhiều kinh nghiệm về xác định lai lịch chính xác và có căn cứ của liệt sĩ. Không chỉ giúp đỡ về mặt thông tin, anh và gia đình còn tự bỏ kinh phí đón tiếp, lo nơi ăn, chốn ở cho thân nhân đi tìm liệt sĩ. Chứng kiến những phút giây mừng vui, hạnh phúc của ngày đoàn tụ giữa liệt sĩ và gia đình, đó cũng là một niềm hạnh phúc với anh. Anh mong muốn sẽ ngày càng có thêm nhiều người chung tay góp sức để giúp đỡ được nhiều gia đình liệt sĩ hơn nữa
Ngọc Giang