Đồng bào cả nước đang hướng về người dân giữa thiên tai miền Trung. Trong ngấn lũ, nghĩa cưu mang thật rộng tình để vượt qua hoạn nạn cho cuộc hồi sinh giữa bùn đất bạc thếch.
Cứu người sá chi chìm thuyền
Ông Nguyễn Mậu Tâm (ở xóm 8 Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh) nói: “Lũ ở đây không bằng năm 2010, nhưng lại lên rất nhanh. Tui một mắt bị mù, một mắt bị mờ nhưng trong xóm người ta kêu cứu nhiều quá thì bơi đi dọn đồ cho bà con, khiêng heo, vác thóc, bốc chó lên gác nhà, đưa người già trẻ nhỏ lên nơi an toàn mới về nhà”. Ông Tâm sau khi giúp chừng 8 hộ dân trong xóm ngoái lại nhìn con nước đã quá cao, bơi xộc về nhà thì thóc gạo bị ướt, mấy tay lưới mưu sinh bị cuốn trôi. Lũ ngập vô nhà, vợ con không cứu được đồ mà ứa nước mắt. Lũ rút, hàng xóm đến cảm ơn, ông Tâm với đôi mắt nhìn không rõ vẫn nheo cười: “Có chi mô, có sức mà không giúp bà con trong lũ thì có sức mần chi”.
Sâu giữa sông Gianh, thôn Long Sơn, xã Phù Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình), giữa đêm tối 14-10 lũ dâng cao đột ngột, giáo dân Hoàng Văn Tâm đang dọn lại lương thực thì tiếng kêu thất thanh vang khắp xóm. Ông cùng con trai Hoàng Văn Nam chỉ kịp gỡ thuyền nổ máy, chạy ngược thác lũ dòng sông cứu người. “Cứ nghe sau bụi tre mô có tiếng kêu là tui cho thuyền tới, chỗ mô không tới được thì thằng con bơi đến cứu bà con. Nóc nhà mô có tiếng kêu cứu thì cha con tôi phá mái ngói để người dân thoát ra”, người đàn ông hiền lành bày tỏ. Cả đêm quần quật, cứu được 15 người cũng đã 3 giờ sáng, cha con ướt dầm giữa biển lũ, quay thuyền về nhưng vừa đến đoạn trước nhà thì gặp nước xoáy, thuyền chìm. “May mà cha con biết bơi nên lóp ngóp vô nhà. Chừ thuyền bị chìm chờ trục vớt cũng khổ nhưng vui vì cứu được nhiều người”, người hùng sông Gianh kể. Chị Hoàng Thị Lan được cứu giữa khốn cùng, nói: “Nhà tui 4 người kêu thất thanh vì nước ngập nhanh quá, may cha con anh Tâm cứu được, không thì chừ mần răng sống mà cám ơn”.
Người dân cùng nhau dựng lại nhà trong lũ ở Ngư Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG
Tấm lòng tình nguyện viên
Cho đến bây giờ, mọi người vẫn chưa thể nguôi ngoai hình ảnh một tình nguyện viên qua đời vì tai nạn giao thông tại xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn. Đó là bạn Đặng Thị Thu Hương, 22 tuổi ở Quán Hàu, Quảng Bình. Hương điều hành nhiều nhóm thiện nguyện về với người nghèo. “14 tuổi em vào Huế học võ và có thành tích tốt với môn thể thao này. Sau đó chuyển sang học du lịch để mưu sinh”, trên trang mạng cá nhân, Hương cũng kể về câu chuyện giúp một cụ bà nghèo, cùng đi bán rau với cụ trong nhiều ngày liền.
Khi lũ dọc sông Gianh dâng cao, Hương rời Huế trở về Quảng Bình, ngày đó 20-10. Hương gọi điện chiều tối sẽ mua hoa tặng mẹ và dặn mẹ chịu khó chờ vì phải về giúp đỡ đồng bào trước đã. Buổi trưa định mệnh, trẻ con trong xóm thiếu thuốc đau bụng và nhỏ mắt, Hương chở một người bạn đi cùng kết hợp mua đồ ăn cho cả nhóm. Đường còn loang bùn trơn trượt, xe máy bị ngã, phía sau một ô tô tải không phanh kịp đã cán qua khiến Hương tử vong, người bạn bị gãy tay. Hương không còn, bông hoa vùng lũ ấy không mua được nhánh hoa nhỏ để tặng mẹ như lời hứa, nhưng em đã truyền cảm hứng cho hàng triệu trái tim đồng cảm, rằng cống hiến tuổi trẻ cho bất cứ ai, cho bất cứ nơi nào khó khăn thì đều nhận lại rất nhiều nghĩa thương yêu. Tại đám tang của cô bé tình nguyện viên này, có hàng ngàn người xa lạ đến đưa tiễn. Đại diện chính quyền và nhân dân xã Quảng Tiên đang trong lũ lụt cũng đến viếng Hương...
Đi nhiều bản làng bị lũ vây ở Quảng Bình, Hà Tĩnh - nơi lũ sâu nhất, bất trắc nhất, tang thương nhất, thấy rõ lực lượng tình nguyện viên là bộ đội biên phòng, công an, đoàn thanh niên đã có mặt giúp dân. Giữa nước bạc xã Quảng Sơn, bà Hoàng Thị Hòa nói: “Bộ đội biên phòng đến đầu tiên phát mì gói trong lúc cần kíp. Lúc đó gói mì rất quý”. Một người lính kể với tôi, khi đơn vị đến giúp dân xong thì được cho về quê khắc phục hậu quả. Quê anh lũ quét trên diện rộng nhưng rồi bằng sức lực địa phương, cả làng đã cạo bùn non hơn cả mét để lấy đường đi và cùng dọn dẹp xóm làng.
Chữ tâm cộng đồng mạng
Bên trong trận lũ lịch sử này, cộng đồng mạng đã chung tay tiếp tế cho đồng bào vùng lũ, len lỏi đến tận những miền xa nhất, với các chuyến hàng thật ấm lòng. Vô số các kết nối đã tạo ra những phần quà lúc cần kíp trong lũ, sau lũ và dài hạn lúc nước rút. Thầy giáo Lê Quốc Châu ở Hà Tĩnh là một trong những nhà thiện nguyện có tâm và có tầm trong đợt lũ này. Mặc dù ở Hà Tĩnh lũ vẫn dâng ngập, thầy Châu không quản khó khăn đi vào vùng lũ quét sông Gianh để đến với những xóm làng khó khăn đầu tiên. Chiến lược của thầy Châu rất rõ ràng: Ban đầu trong lũ, bà con cần mì gói, gạo, nước mắm, bột canh… thì đi mua những thứ cần kíp đó để trao ngay lúc đó. Nước rút, thì trao tiền cho các hộ khó khăn nhất. Khi có các số liệu thống kê chính xác nhà sập, người chết và kiểm tra khảo sát thì đến trao tiền hỗ trợ theo nguồn lực đã kêu gọi. Giai đoạn tiếp theo là nhà cửa sập nhiều thì lên kế hoạch định hướng cho các nhóm khác cùng tham gia dựng lại nhà cho bà con bị lũ làm sập. Thầy giáo Châu đã có nhiều năm kinh nghiệm cứu trợ nên đã tạo uy tín lớn và thu hút nhiều tấm lòng hướng theo cách làm này. Thầy giáo với nhiều chuyến vào vùng lũ quét chỉ một mình đi xe máy, bởi giúp đồng bào trong thiên tai đối với thầy rất cấp bách.
Thầy giáo Lê Quốc Châu, từ Hà Tĩnh vào Mai Hóa, Tuyên Hóa trao tiền từ thiện cho hộ bị nhà sập Ảnh: MINH HOÀNG
Cộng đồng mạng đã chung tay hàng chục tỷ đồng giúp bà con vùng lũ. Cái tâm nối dài ở những chia sẻ, những nút like trên mạng xã hội trong mưa lũ, những bản tin trên trang cá nhân đã kết nối, tạo ra nguồn lực chữ tâm rộng lớn. Một người đàn ông xin giấu tên ở TPHCM đã gọi nhờ chúng tôi đưa cha con ông cùng hơn 100 triệu đồng đến nơi đồng bào cần giúp khẩn cấp. Ông đưa ra lý do trên nhằm để 2 con trai ông biết tình nghĩa cần san sẻ trong vùng lũ khốn khó. Cậu con trai đi theo nói: “Lần đầu tiên em tiêu hết tiền trong túi mà thấy không lo lắng, lại thanh thản. Trở về làm việc, em phải tiết kiệm hơn để sẻ chia với đồng bào còn khó khăn, vì họ cùng là máu đỏ da vàng”.
Minh Phong