Ngày thứ bảy tuần này 2-3, lớp sơ bộ chuyên khoa VII ra trường năm 1983 chúng tôi họp mặt kỷ niệm 30 năm ngày ra trường. Nhiều anh chị em lớn tuổi là bộ đội và cán bộ đi học đã về hưu. Còn chúng tôi, những học trò phổ thông năm ấy chập chững bước vào giảng đường Đại học Y khoa Sài Gòn đến giờ này tóc cũng đã nhuốm bạc và cũng chỉ còn vài năm nữa sẽ lui về ở ẩn.
30 năm hành nghề, cứ đến ngày 27-2 lại càng bùi ngùi vì mình đã thêm một tuổi nhưng thấy rằng vẫn chưa làm được gì cả cho người bệnh và cho xã hội. Đành rằng quy luật của cuộc đời là: Thầy thuốc già, con hát trẻ. Ngẫm lại đời mình thành công cũng lắm mà thất bại cũng nhiều và cũng đã đến lúc phải ngồi lại rút kinh nghiệm và ngẫm nghĩ về những thất bại trong quá trình hành nghề của mình để truyền lại cho thế hệ mai sau không đi theo vết xe đổ ấy nữa.
Gần 20 năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in buổi chiều hôm đó đang trực cấp cứu ngoại khoa tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Rất đông bệnh nhân làm chúng tôi quay cuồng và không kịp ăn tối. 7 giờ tối một người tuổi trung niên được đưa vào phòng cấp cứu, bệnh nhân đang nôn ra máu rất nhiều, đi cùng chiếc băng ca là bác tôi, nhà thơ Hải Như, tác giả của bài hát Thành phố Hoa Phượng đỏ một thời lẫy lừng và từng là bài hát tiêu biểu cho thành phố cảng Hải Phòng.
Bệnh nhân chính là anh Vũ Kỳ Anh, phóng viên báo Tiền Phong, bị xuất huyết tiêu hóa trên do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản. Suốt đêm hôm đó, mặc dù bệnh viện đã dùng đến giọt máu cuối cùng với hơn 30 đơn vị máu, chúng tôi cũng không thể cứu được anh. Có những lúc tôi đỡ anh trên tay, anh thều thào nói: “Nam ơi cứu anh với”. Tôi lặng lẽ gạt nước mắt thầm nói: Anh à, em đã làm hết sức, bệnh viện cũng đã làm hết sức. Có những cái mà sức người đều có hạn, chỉ có tấm lòng con người là vô hạn mà thôi. Thế là anh cứ lịm dần trong vòng tay của tôi, tôi đã bật khóc, tự dằn vặt mình vì không cứu nổi anh.
Nhân vật nữ chính trong bài viết Những linh hồn sau cánh cửa trong cuốn sách Nửa đêm xuống phố của tôi do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2010 là một cô gái nhảy. Cô đã gặp tai nạn giao thông thảm khốc khi trên đường về lúc 2 giờ sáng. Được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch và tôi cũng là người phẫu thuật cho cô trong tình trạng chấn thương nặng, mạch không đếm được, huyết áp bằng không. Một số đồng nghiệp khuyên tôi thôi vì mọi việc đã an bài, không nên phẫu thuật nữa, nhiều khi thân bại danh liệt. Nhưng tôi vẫn nghĩ: Thà rằng bật lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, hãy tạo nên một cơ hội sống dù chỉ là một phần trăm vì cuộc sống là cái quý nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.
Và thế là tôi quyết định phẫu thuật, máu chảy khắp giường mổ. Bên trên các bác sĩ gây mê hồi sức đang xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đang bơm máu liên tục cho bệnh nhân. Tuy nhiên không phải chỉ có thành công, ngành y còn có nhiều thất bại, đó là mặt trái của tấm huy chương mà ít người muốn nhắc đến. Cô gái không sống được, linh hồn cô bay lơ lửng trên bầu trời. Lúc đầu cô có phần oán hận những người thầy thuốc nhưng sau đó cô đã chứng kiến cảnh những thầy thuốc đau khổ đến tột bậc vì không làm tròn sứ mệnh của mình và cô đã tha thứ cho họ, tha thứ cho người có nghĩa là tha thứ cho mình để mình được thảnh thơi siêu thoát.
Vâng đúng như vậy, chúng tôi những người thầy thuốc một khi đã bước vào sự nghiệp dấn thân vì sức khỏe và sự sống của mọi người tuy có những lúc chưa được đúng như mong muốn của mọi người, cũng đều rất cố gắng làm tròn thiên chức của mình, làm tròn nghĩa vụ với cuộc sống theo đúng lời thề Hipocrates mà tất cả các thầy thuốc đã thề khi bước chân khỏi trường đại học và bắt đầu cuộc đời dấn thân vì mọi người.
PGS-TS NGUYỄN HOÀI NAM
Đại học Y Dược TPHCM