Nghịch lý cung cầu

Thị trường nhà đất TPHCM lại thêm những tháng lặng sóng. Không khí ảm đạm băng giá trùm lên các sàn giao dịch bất động sản và các công ty môi giới nhà đất. Theo những thống kê chưa đầy đủ, hiện các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh nhà đất còn tồn đọng hàng chục ngàn căn hộ, nhà liên kế và biệt thự. Chưa kể hàng ngàn nền nhà dự án cỏ mọc lút đầu chờ người mua. Lại thêm một nghịch lý nữa: trong khi người dân TPHCM đang hàng ngày phải đối mặt với “bão giá” và thị trường hàng hóa - nhất là thị trường lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng - đang hình thành một mặt bằng giá mới cao hơn trước khoảng 15% - 30%, thì nhiều dự án căn hộ lại đang được chủ đầu tư hạ giá bán! Giá giảm nhưng vẫn ế ẩm! Phải chăng người dân TPHCM quá dư thừa nhà ở nên không cần mua nữa?

Thực tế không phải như vậy. Người dân TPHCM vẫn thiếu nhà ở trầm trọng, cho nên việc xây dựng nhà ở vẫn là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền thành phố hàng năm. Nếu tính cả những người ở các tỉnh thành đến sinh sống, làm việc và học tập cần có nhà ở tại TPHCM thì nhu cầu này còn rất lớn. Vậy tại sao hàng chục ngàn căn hộ kia vẫn không bán được?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng tồn đọng, ế thừa căn hộ và nền đất tại TPHCM là do giá cả quá đắt, ngoài sức mua và khả năng thanh toán của số đông người dân cần có nhà. Ở đây có lỗi của việc dự báo cơ cấu nhu cầu: trong khi số đông người dân có thu nhập thấp cần loại nhà rẻ tiền thì các doanh nghiệp lại đua nhau làm căn hộ cao cấp, nhà liên kế và biệt thự mà người mua phải có tiền tỷ mới được sở hữu. Bởi vậy, một số doanh nghiệp làm dự án căn hộ loại trung bình và thấp thì bán hết ngay, còn hàng trăm doanh nghiệp khác phải ngậm đắng nuốt cay khi hàng chục ngàn tỷ đồng bị chôn chặt, hàng tháng phải trả lãi ngân hàng cao ngất, thậm chí nhiều doanh nghiệp chờ ngày phá sản, lãng phí một nguồn của cải lớn của xã hội.

Có ý kiến cho rằng cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án bất động sản cũng phải chịu trách nhiệm về nghịch lý cung cầu nhà đất của TPHCM hiện nay. Tuy nhiên, lỗi chính và hậu quả của nó vẫn thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh nhà đất. Khi nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp phải chấp nhận những rủi ro. Song đã có nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển và làm giàu được trong cơ chế ấy. Nhưng muốn thế phải nắm được nhu cầu thực của thị trường để hoạch định chiến lược kinh doanh đúng đắn cho mình, nếu không sẽ rơi vào vòng xoáy đầy khắc nghiệt mà hậu quả của nó không chỉ doanh nghiệp mà xã hội cũng phải gánh chịu.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục