Nghịch lý ngành cơ khí: Trải thảm vẫn thiếu người - Đừng để sinh viên tiếp tục quay lưng

Nghịch lý ngành cơ khí: Trải thảm vẫn thiếu người - Đừng để sinh viên tiếp tục quay lưng

Sau khi Báo SGGP số ra ngày 10-10 đăng bài “Nghịch lý ngành cơ khí: Trải thảm vẫn thiếu người”, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà giáo, trong đó bàn nhiều đến các giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến nêu trên.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Cơ-Điện-Điện tử, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM: Học sinh phổ thông mất cơ hội

Rất ít sinh viên ngành cơ khí - kỹ thuật tham gia những ngày hội việc làm do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.
Rất ít sinh viên ngành cơ khí - kỹ thuật tham gia những ngày hội việc làm do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.

Học sinh phổ thông hiện nay có khuynh hướng chọn nghề theo tâm lý số đông hoặc chịu sự chi phối của gia đình dù nghề nghiệp lựa chọn có thể không phù hợp với bản thân. Đó là lý do vì sao các em ồ ạt đổ dồn về nhóm ngành kinh tế chỉ vì ngành này đang được xem là hấp dẫn. Trong khi đó, khối ngành cơ khí kỹ thuật dù khan hiếm đầu vào vẫn bị ngoảnh mặt bởi định kiến “rớt kinh tế mới vào kỹ thuật”. Mặc dù hàng năm, trước mỗi mùa tuyển sinh, các trường đều tổ chức những buổi tư vấn, giới thiệu về chương trình, điều kiện học tập của từng ngành cụ thể song điều đó là chưa đủ nếu các em chưa được định hướng rõ ràng về sở thích và năng lực của bản thân.

Trong khi đó, ở bậc phổ thông, khoa học công nghệ hiện nay lại được xem là môn học phụ, thậm chí là môn sinh hoạt ngoại khóa. Số lượng giờ lên lớp đã ít ỏi, từ 1 - 2 tiết/tuần, thay vì được giảng dạy theo đúng phân bổ chương trình, nhiều nơi lại dành để giải bài tập, học tăng cường các môn Toán, Lý, Hóa. Điều đó khiến học sinh mất đi các cơ hội hiểu biết và khám phá năng lực bản thân. Thêm vào đó, việc dạy và thi nghề ở phổ thông hiện nay còn mang tính đối phó, thi chỉ để “bọc lót” nếu rớt tốt nghiệp. Tùy vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường mà môn này được dạy, môn kia không. Trong khi đó, ở các nước phát triển, học sinh được định hướng nghề ngay từ cấp 2. Thay vì học lên cấp 3 như một quy luật tất yếu, nhiều em đã chọn trường nghề và thành công với điều đó. Do đó, để chấm dứt tình trạng “bên trọng, bên khinh” như đã nói, vai trò hướng nghiệp ở trường phổ thông là hết sức quan trọng.

Thạc sĩ Võ Tuyển, Trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM: Nên liên kết nhà trường với doanh nghiệp

Từ 2 năm nay, chúng tôi chọn mô hình mở rộng liên kết với hơn 10 doanh nghiệp, ký kết biên bản đưa sinh viên đi thực tập từ năm thứ 2. Việc làm này vừa giúp sinh viên có thêm cơ hội thực tập với máy móc, trang thiết bị hiện đại vừa tạo mối gắn kết giữa sinh viên và doanh nghiệp. Kết quả ghi nhận ban đầu khá tốt: 100% sinh viên ra trường được nhận công tác lâu dài ngay tại các đơn vị đã từng thực tập. Nhiều em thậm chí được ký hợp đồng dài hạn ngay từ giữa năm thứ 3 với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Sau 1 - 2 năm công tác, nhiều em được cất nhắc lên nhiều vị trí quản lý quan trọng.

Qua đó cho thấy, thành công với nghề cơ khí không khó, quan trọng là các em được tạo môi trường học tập thuận lợi, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để bài toán chuẩn đầu ra được đảm bảo. Một khi sinh viên ngành cơ khí kỹ thuật ra trường làm việc tốt, lương cao thì dần dần xã hội sẽ thay đổi quan niệm về ngành lao động đặc thù này.

Ông Trần Thanh Phong, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Không chỉ chờ sự đam mê

Hiện nước ta đang nhập khẩu rất nhiều máy móc, linh kiện nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản, Trung Quốc... Từ đó dẫn đến việc kỹ sư Việt Nam không phát huy được hết năng lực, trở thành người thợ đứng bên các cổ máy hiện đại. Do đó, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí kỹ thuật là việc làm cần thiết ngay từ bây giờ, song nếu không có sự đầu tư và hỗ trợ hợp lý, sinh viên sẽ dễ dàng quay lưng với nhóm ngành mang tính chất đặc thù này. Đơn cử như ở các trường có thế mạnh đào tạo kỹ thuật như ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Nông Lâm TPHCM, phần lớn sinh viên đăng ký nhập học là người ở tỉnh, thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Cho dù có đam mê với ngành cơ khí hay các ngành công nghệ chế biến nông sản, các em cũng không dám chọn vì kinh tế hứa hẹn thu nhập tốt hơn. Do đó, đã đến lúc Nhà nước cần có các chính sách miễn, giảm học phí nhằm “kéo” nhân lực trở lại cho các ngành cơ khí giống như chúng ta đã từng làm đối với ngành sư phạm. Bên cạnh đó, cần xác định mục tiêu phát triển cơ khí là một trong những chiến lược quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước để từ đó có thêm những chính sách đầu tư, phát triển hợp lý. Chỉ khi làm được như vậy, khối ngành kinh tế một thời được xem là mũi nhọn mới được đặt trở lại vị trí đích thực của nó.


THU TÂM – TƯỜNG HÂN ghi

Tin cùng chuyên mục