Nghịch lý!

Thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2008 - 2020 (gọi tắt là đề án 2020), ngành giáo dục - đào tạo các địa phương đã chú trọng việc triển khai chương trình, đầu tư dạy ngoại ngữ, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho giáo viên lẫn học sinh. Thế nhưng, cái khó chung vẫn là thiếu nguồn giáo viên đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu như quy định của Bộ GD-ĐT. Riêng TPHCM, việc thí điểm dạy môn toán, các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đang gặp khó vì thiếu giáo viên giỏi chuyên môn lại có trình độ ngoại ngữ chuẩn để dạy học sinh.

Trong khi Bộ GD-ĐT hối thúc các địa phương thực hiện nhanh tiến độ của đề án 2020 và khuyến khích địa phương có điều kiện thì thí điểm dạy các môn toán, khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh nhưng chưa có động thái tác động từ cỗ máy cái - ngành sư phạm để đào tạo nguồn. Theo các trường ĐH Sư phạm, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có chủ trương và chưa chỉ đạo các trường đào tạo tích hợp - đào tạo song ngữ tiếng Anh cho sinh viên khoa toán, lý, hóa để làm quen với kỹ năng dạy các môn này bằng tiếng Anh.

Trong khi trình độ giáo viên phổ thông được khảo sát chỉ có 3% - 5% đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu thì việc bổ sung chỉ tiêu đào tạo giáo sinh chính quy chuyên ngữ Anh văn lại không nhiều. Cụ thể, năm học 2013 - 2014, Trường ĐH Sư phạm TPHCM chỉ được phân bổ 3.300 chỉ tiêu (bị cắt giảm 450 chỉ tiêu so với năm trước). Với tổng số chỉ tiêu này chia cho 20 ngành sư phạm cần đào tạo thì ngành nào được phân nhiều chỉ tiêu như khoa Sư phạm tiếng Anh cũng chỉ có 120 chỉ tiêu; ngôn ngữ tiếng Anh:120 chỉ tiêu. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng bị cắt giảm chỉ tiêu và số lượng đào tạo sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh cũng giống như ĐH Sư phạm TPHCM. Với số lượng đào tạo sinh viên chuyên sư phạm tiếng Anh ít như vậy thì lấy đâu nguồn giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn C1 đưa về các trường học?

Một vấn đề được đặt ra là việc đào tạo song ngữ tiếng Anh tại các trường ĐH Sư phạm và các trường có đào tạo ngành sư phạm chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Trước đây, các trường ĐH Sư phạm có chương trình song ngữ tiếng Pháp nên giáo sinh được đào tạo bài bản và khi ra trường dạy tiếng Pháp, các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Pháp rất tốt. Còn bây giờ nếu không sớm triển khai chương trình song ngữ cho sinh viên các khoa Sư phạm toán và các môn khoa học tự nhiên lẫn xã hội thì lấy đâu nguồn giáo viên dạy tiếng Anh như yêu cầu của đề án 2020.

Theo Th.S Tạ Quang Lâm, Trưởng khoa Đào tạo ĐH Sư phạm TPHCM, nếu các trường ĐH sư phạm triển khai ngay việc dạy chương trình song ngữ cho sinh viên cũng không dễ vì thiếu cán bộ giảng dạy đạt trình độ chuẩn về ngoại ngữ. Như thế ngay ĐH Sư phạm còn lúng túng, chưa khởi động chương trình đào tạo sinh viên các khoa toán, lý, hóa bằng tiếng Anh thì lấy đâu nguồn giáo viên vừa giỏi chuyên môn vừa có trình độ ngoại ngữ để dạy học sinh ở các trường phổ thông. Nghịch lý này bao giờ được hóa giải?

Nếu không có giải pháp đột phá đào tạo giáo viên các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại các trường ĐH Sư phạm thì làm sao có thể đạt được mục tiêu dạy học sinh làm quen với các môn toán, khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh?

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục