Nghịch lý thừa - thiếu giáo viên

Một năm học mới lại bắt đầu với bao nhiêu bộn bề. Trong số những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục trước thềm năm học mới, bài toán thừa-thiếu giáo viên lại được xới lên nóng bỏng hơn bao giờ hết, cùng với đó là những nỗi niềm đau đáu của rất nhiều sinh viên sư phạm và gia đình họ khi con em mình ra trường nhưng đang chịu cảnh thất nghiệp chỉ vì những lý do không hề thuyết phục.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2012-2013, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, cả nước còn thiếu 27.554 giáo viên đứng lớp ở tất cả các cấp học. Một số tỉnh thành còn thiếu hàng ngàn giáo viên như Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang. TPHCM năm nay thiếu 2.500 giáo viên, sau đợt tuyển vừa qua hiện còn thiếu 1.200. Đây đều là những thông tin không mới, vì điệp khúc thiếu giáo viên đã được nhiều địa phương nhắc lại ở thời điểm năm học mới bắt đầu, diễn ra nhiều năm qua.

Năm nay, nguyên nhân thiếu giáo viên mà Bộ GD-ĐT đưa ra là do phải thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nhu cầu dạy 2 buổi một ngày đẩy nhu cầu giáo viên ở cấp này tăng lên. Ngoài ra, do đổi mới giáo dục phổ thông, khuyến khích học 2 buổi một ngày và thực hiện đề án ngoại ngữ đến năm 2020 cũng đòi hỏi tăng giáo viên. Nhu cầu một số môn học cấp THCS như âm nhạc, mỹ thuật... cũng là yếu tố làm tăng nhu cầu giáo viên.

Nếu chỉ đơn thuần là thiếu thì dư luận xã hội, những gia đình có con em học sư phạm hẳn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng vì hoàn toàn có thể lấp đầy lực lượng giáo viên trong thời gian không lâu. Bởi với hàng chục cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay trên cả nước, hàng năm số sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường là rất lớn. Nhưng bất cập là ở chỗ, giáo viên thiếu thì cứ thiếu mà thừa thì lại cứ thừa. Ở một số môn, một số vùng miền đang trong trình trạng thừa nhiều do giáo viên đã đủ nhưng số lượng được đào tạo ra vẫn nhiều, dẫn đến sinh viên ra trường không thể tìm được việc. Thậm chí mới đây, ngành giáo dục đã phải thông báo tạm dừng mở ngành đào tạo sư phạm mới để tránh bão hòa. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã phải lên tiếng cảm ơn học sinh đã yêu quý ngành sư phạm nhưng mong các em cân nhắc thi vào vì ngành đang bị thừa giáo viên.

Như vậy có thể thấy nhân lực sư phạm đang bị bão hòa. Và thực tế hiện nay ở rất nhiều địa phương, nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp vẫn không xin được việc làm. Thậm chí những người tưởng chừng sẽ đứng trên bục giảng, được xã hội gọi là thầy, cô giáo lại đang phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Bởi vậy, khi Bộ GD-ĐT kêu thiếu tới hơn 27.000 giáo viên đứng lớp, nhiều người đã cảm thấy vô cùng thắc mắc. Không ít người tốt nghiệp sư phạm chưa có việc làm đã thẳng thắn chỉ ra, thiếu giáo viên đơn giản chỉ bởi 2 lý do chính: lương quá thấp; lương đã thấp rồi mà muốn xin việc cũng phải “chạy” để vào biên chế. Nên với những ai có gia cảnh nghèo khó đành bỏ cuộc. Mà đáng buồn là đa số sinh viên sư phạm là con nhà nghèo.

Có ý kiến nghi ngờ “thực tế một đằng, báo cáo một nẻo”, bởi nhìn đâu cũng thấy sinh viên sư phạm thất nghiệp, không xin được việc thì thiếu ở đâu? Vì vậy mới có nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD-ĐT công bố rõ các tỉnh, thành phố nào thiếu giáo viên, số lượng cần tuyển giáo viên ở mỗi cấp, các tiêu chuẩn tuyển chọn, chế độ ưu đãi để sinh viên sư phạm cả nước biết, từ đó họ có thể đăng ký dự tuyển sẽ giải quyết ngay được chuyện thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra.

Ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản và giáo viên chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của công cuộc đổi mới đó. Trước khi làm những việc to tát, cao siêu, có lẽ điều đầu tiên ngành giáo dục cần làm là thanh lọc chính môi trường của mình. Một môi trường giáo dục lành mạnh, không tiêu cực, tham nhũng; một môi trường giáo dục mà giáo viên đứng lớp không phải bỏ tiền để “mua” chỗ dạy. Đó là điều xã hội khát khao và cũng là một trong yếu tố để giải bài toán thừa - thiếu giáo viên mà hiện nay dư luận đã quá bức xúc.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục