Nghịch lý thừa - thiếu

Mỗi khi cầm remote bấm chọn các kênh truyền hình thời nay, với số lượng phải nói là chọn bấm mỏi tay, từ đài trung ương, đài tỉnh, đài xã hội hóa, đài ban, ngành, đài công ty đến đài huyện xã, người xem - đặc biệt là các bậc phụ huynh - cứ giật mình thon thót ngộ nhỡ con cháu mình lỡ xem phải thì sao, ngộ nhỡ chúng…

Mỗi khi cầm remote bấm chọn các kênh truyền hình thời nay, với số lượng phải nói là chọn bấm mỏi tay, từ đài trung ương, đài tỉnh, đài xã hội hóa, đài ban, ngành, đài công ty đến đài huyện xã, người xem - đặc biệt là các bậc phụ huynh - cứ giật mình thon thót ngộ nhỡ con cháu mình lỡ xem phải thì sao, ngộ nhỡ chúng…

Và cảm giác bất an đó hoàn toàn không mang tính cá biệt, mà đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của phần đông chúng ta trước  câu hỏi về lượng và chất, về tính giải trí và tính giáo dục, về tính định hướng chân - thiện - mỹ của một trong những vũ khí tuyên truyền mạnh nhất như truyền hình và internet trực tuyến.

Rõ ràng, không thể “quẳng gánh lo đi để vui sống” như lời khuyên của học giả Nguyễn Hiến Lê khi chứng kiến đủ loại “truyền hình thực tế” nở rộ như nấm sau cơn mưa với phương châm thật như đời thật và thậm chí còn thật hơn cả đời thật. Đời thật có đủ thứ hỷ-ái-nộ, có cướp bóc, có đâm chém, có cảnh đời nghèo đói đến nỗi phải buộc xác người thân bằng manh chiếu chở về nhà trên chiếc xe máy cà tàng, nhưng cũng có không biết bao nhiêu tấm gương đẹp về lòng tốt, nghĩa hiệp, sự sẻ chia, đùm bọc, và không nói ra ai cũng thấy sống là phải biết tiết chế “gạn đục, khơi trong” để cái tốt, sự tử tế trở thành khuynh hướng chủ đạo trong các trào lưu sống. Song dường như đâu đó trên sóng truyền hình, người ta quên mất đạo lý sống này.

Mới nhất, trong cuộc thi “Vietnam Idol 2016” đêm Gala 9, phát sóng vào tối 16-9, một giám khảo là nhạc sĩ khá tên tuổi thay vì bắt tay, chia sẻ với thí sinh kết thúc khá tốt bài hát của mình đã tỏ thái độ không giống ai bằng cách thẳng tay… tát “thần tượng Việt” tương lai. Cũng có thể là “tát yêu” và vì “thương cho roi, cho vọt”. Cũng có thể là chất hu-mua cho thêm phần sôi động, giảm xì-trét. Tuy nhiên, hành động bột phát đó đã gây phản cảm cho đông đảo người xem vì sự tùy tiện, cổ xúy cho bạo lực, có tác động không nhỏ tới giáo dục lối sống cho các thế hệ tương lai. Chuyện tương tự vậy cũng xảy ra tại cuộc thi “Vietnam Next Top Model 2016” phát sóng vào tháng 7 khi một thí sinh biểu diễn đã tiến tới nữ giám khảo Thanh Hằng khóc lóc van xin: “Tình yêu của tôi, chúng ta đã đến với nhau 3 năm. Tại sao cô bỏ tôi về đây làm chi?” và kết cục các bạn chắc cũng đã biết: Thanh Hằng thẳng tay tát mạnh vào mặt thí sinh trước sự ngỡ ngàng của hàng vạn khán giả màn hình nhỏ. Và có cần sự lỗ mãng, thiếu văn hóa đến vậy trong giới “sâu bít” Việt không?

Cũng dễ có câu trả lời, đó là chất thương mại đã lấn át sóng truyền hình. Như đã biết, điều cốt lõi của bất kỳ nhà sản xuất chương trình truyền hình nào cũng là phải đẻ ra lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận càng cao thì càng tốt. Muốn vậy, muốn có tiền ra vô tất yếu phải có rating (lượng người xem) cao và tương ứng với nó là chất giải trí với đủ chiêu trò khai thác đời tư, mua nước mắt người xem, giật gân, câu khách. Có thể so sánh 2 mảng chương trình giáo dục và chương trình giải trí để nhận rõ trắng - đen trên sóng truyền hình. Trước đây, chúng ta còn một số chương trình mang tính giáo dục, định hướng sống khá tốt như “Theo dòng lịch sử”, “Rung chuông vàng”… nhưng sau một thời gian ra mắt ngắn ngủi đã biến mất tăm. Đến nay chỉ còn tồn tại vài chương trình như “Chiếc nón kỳ diệu”, “Đường lên đỉnh Olympia”, “Ai là triệu phú”… Người ta lý giải tuổi thọ ngắn là do không thu hút khán giả, không tìm được nhà tài trợ để duy trì hoạt động tiếp theo. Điều đó cũng đúng nhưng là cái đúng trong sự mất cân bằng đáng lo. Thử làm phép tính về phần thưởng cho người chiến thắng cho 2 mảng mới thấy rõ sự mất cân đối thu-chi: Cách nay 4-5 năm, các chương trình game show “Đi tìm ẩn số”, “Ai là triệu phú”… có giải thưởng 100-200 triệu đồng được coi đã quá to so với người chơi thì nay số tiền đó chỉ là “muỗi” so với các chương trình giải trí có giá trị lên tới cả tỷ đồng. Cần biết nữa là hầu hết các chương trình giải trí đều mua bản quyền nước ngoài với sự đầu tư khủng theo yêu cầu từ phiên bản gốc nên tiền thưởng cũng phải to theo. Tất nhiên, trong cơ chế thị trường, nhà đài cũng hưởng lợi từ các nhà tài trợ muốn quảng bá thương hiệu sản phẩm như giá 1 lần quảng cáo cài trong chương trình truyền hình “hot” hiện nay trên VTV3 thường cao gấp 2-3 lần so với mức trung bình (theo nhiều nguồn tin 1 lần phát sóng từ 160-180 triệu đồng). Đến mức, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được phát sóng trực tiếp 4 giờ có tới 41 nhãn hàng tài trợ, với đủ loại từ thẩm mỹ, áo dài, spa, thực phẩm chức năng đến bánh tê-tê (chỉ thiếu có phòng khám răng), và phải đến 1 giờ đêm mới tổ chức họp báo giới thiệu tân hoa hậu, các á hậu… Lý do là phải chụp hình với các nhãn hàng. Nói thế để thấy “thời thế, thế thời phải thế” và tất yếu là tính thương mại đang dần bóp chết tính nghệ thuật, tính giáo dục, tính định hướng.

Đáng lo ngại hơn nữa, tình trạng người lớn có gì, trẻ em có nấy đang trên đà lạm phát, không thể kiểm soát. Nào là “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí”… Và ở khắp nơi, trẻ nhỏ được cha mẹ, nhà sản xuất ồ ạt đưa lên truyền hình như một con đường tiến thân, làm giàu nhanh nhất, dễ nhất. Nhưng đằng sau nó là những hệ lụy của “cỗ máy kiếm tiền nhí” mà đáng lo nhất là đánh mất tuổi thơ, đánh mất sự hồn nhiên và ai sẽ mua cho chúng “một vé về tuổi thơ” như mơ ước của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh? Và không phải ngẫu nhiên, nhiều nước phương Tây, cả một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc đã kiểm duyệt rất kỹ nội dung, không khuyến khích nở rộ các chương trình giải trí dành cho trẻ em và tăng cường đầu tư cho các kênh giáo dục kiến thức, kỹ năng sống. Đối với chúng ta, các cơ quan chức năng, nhất là ngành văn hóa cũng cần phải có những biện pháp chế tài cụ thể, không thể để nở rộ các chương trình truyền hình nặng tính thương mại như vậy.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục