Việc giải quyết tốt kiến nghị của cử tri góp phần làm cho người dân ngày càng tin vào cơ quan dân cử và đại biểu HĐND do mình bầu ra. Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND của 9 tỉnh, thành phố Đông Nam bộ vừa diễn ra lần đầu tiên tại TPHCM, nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị về công tác này được đại biểu các tỉnh thành chia sẻ.
Vào cuộc với bức xúc của dân
Bà Mai Thị Dung, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Để thực hiện tốt công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, ngoài việc chuyển đơn, theo dõi giải quyết đơn của các cơ quan, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đi thẩm tra, xác minh hoặc tổ chức làm việc với người dân nắm rõ sự việc, từ đó đề xuất các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết đúng quy định của pháp luật. Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã phối hợp xây dựng và ký kết quy chế phối hợp công tác trong từng nhiệm kỳ, có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện quy chế và xem xét, đề xuất, điều chỉnh nội dung quy chế cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương hàng năm. Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương giữ mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Bất cứ cuộc giám sát nào của HĐND tỉnh đều phải mời UBMTTQ tỉnh cùng tham dự và nếu… lỡ quên, MTTQ liền “nhắc nhở” ngay. Theo bà Dung, HĐND tỉnh Bình Dương rất nghiêm khắc và thẳng thắn với UBND tỉnh trên tinh thần phục vụ nhân dân.
Ở góc độ khác, ông Phạm Ngọc Tuấn, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, không chỉ HĐND tỉnh nắm bắt bức xúc của cử tri, tổ chức giám sát và yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị mà đôi khi chính quyền địa phương là cơ quan “đặt hàng” nội dung để HĐND giám sát. “Có những vụ việc lại do chính Thường vụ Tỉnh ủy đặt hàng để HĐND tỉnh phối hợp với cấp ủy Đảng, đoàn thể giám sát làm rõ, cũng có khi chính lãnh đạo UBND tỉnh đặt hàng để HĐND theo dõi, giám sát những vụ việc nổi cộm bởi bản thân lãnh đạo UBND rất ít có thời gian để theo dõi, giám sát những vụ việc nóng”, ông Tuấn nói.
“Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri chính là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước lập luận. Ông Dũng cho rằng, vai trò của Thường trực HĐND rất quan trọng ngay từ việc hướng dẫn tiếp xúc cử tri cho tổ đại biểu đến việc đôn đốc, theo dõi và giám sát việc trả lời, giải quyết của các cơ quan chức năng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh đã ban hành quy chế hoạt động, trong đó quy định trách nhiệm của đại biểu, thành viên ban phải tham gia đầy đủ các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp của HĐND tỉnh, xem đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu. Từ đó, đã giúp các vị đại biểu HĐND tỉnh ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò trách nhiệm của người đại biểu nhân dân (tỷ lệ đại biểu HĐND tỉnh đi tiếp xúc cử tri khá cao, trung bình đạt trên 95%).
Không chấp nhận trả lời qua quýt
Đối với tỉnh Lâm Đồng, có sự lãnh đạo sâu sát, thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy đối với hoạt động của HĐND - Đảng đoàn HĐND tỉnh nói chung và lĩnh vực tiếp thu, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri nói riêng. Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp nghe, tiếp xúc và chỉ đạo một số lĩnh vực trọng yếu mà cử tri phản ảnh nên hiệu quả tiếp thu, giải quyết có trọng tâm, dứt điểm và tạo được niềm tin trong cử tri toàn tỉnh. Để việc giải quyết kiến nghị của cử tri luôn đảm bảo kịp thời, tỉnh quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết và trả lời cụ thể đối với các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri.
Quyết liệt hơn là cách làm của HĐND tỉnh Tây Ninh. Nghĩa là đối với những ý kiến, kiến nghị bức xúc cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết dứt điểm hay trả lời qua loa, chiếu lệ… thì Thường trực HĐND tỉnh thành lập đoàn công tác đi thực tế để kiểm tra sự việc, sau đó kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết thực hiện, nếu không sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, đặc biệt việc thực hiện dự án…
Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh đa dạng hóa việc lắng nghe kiến nghị của cử tri bằng cách phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Tây Ninh thiết lập đường dây nóng của Chương trình “Tiếng nói cử tri” để tiếp nhận bức xúc của dân, đồng thời “đánh động” các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Mai Anh