Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam, sáng 14-5, Sở KH-CN TPHCM đã tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy phát triển hoạt động chuyển giao công nghệ giữa TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Nhiều ý kiến tại tọa đàm lại nêu ra bất cập trong hoạt động chuyển giao công nghệ.
Thiếu công nghệ “tinh”
TS Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ KH-CN, thẳng thắn thừa nhận, từ lâu các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam đã ý thức việc đổi mới công nghệ là chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ. Dù vậy, do gặp nhiều khó khăn nên số DN đầu tư đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đa phần không theo đuổi hoạt động nghiên cứu phát triển hay đổi mới công nghệ nào. Một thống kê gần đây cho thấy 82% máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất ở nước ta thuộc loại trung bình và lạc hậu. Riêng ngành nông nghiệp tại ĐBSCL, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa nông sản đang giảm nghiêm trọng do chất lượng thấp, chi phí đầu vào và giá lao động không còn là ưu thế nữa, tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nhức nhối. Để giải quyết bài toán khó này, các địa phương phải tăng cường tỷ lệ ứng dụng công nghệ và giải pháp kỹ thuật tiên tiến.
Tuy nhiên, thực trạng giải pháp trên địa phương nào cũng thấy, chỉ khi triển khai thực hiện, nhiều vướng mắc mới phát sinh. Th.S Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP Cần Thơ, chia sẻ: “Nét chung của nhiều địa phương hiện nay hướng nhiều đến nghiên cứu giống cây, vậy nuôi cho vùng mà quên đi những nhu cầu thiết thực từ các DN sản xuất, chế biến”.
Còn ông Võ Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bến Tre, cho biết, quanh năm chỉ thấy những sản phẩm quen thuộc chế biến từ dừa như kẹo, bánh tráng, đồ mỹ nghệ… Nếu có đơn vị nào có công nghệ, đề tài nghiên cứu nâng cao được giá trị của cây dừa và sản phẩm từ dừa, địa phương ông sẵn sàng nhận chuyển giao bằng mọi giá.
Giải pháp “13+1”
Việc thiếu các công nghệ nguồn, công nghệ có giá trị hoặc có công nghệ mà chưa phù hợp với nhu cầu của DN không còn là vấn đề mới. Trong khi đó, qua công tác chuyển giao công nghệ tại các địa phương, khó khăn còn đến từ chính lòng tin của DN đối với công nghệ, thiết bị do Việt Nam sản xuất. Ông Lê Phước Thiện, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Bạc Liêu dẫn chứng: “Sau gần 2 năm nghiên cứu thành công, chế phẩm sinh học EM vẫn không được người dân tin dùng. Quyết không để sản phẩm chết oan, chúng tôi triển khai lồng ghép chế phẩm EM vào dự án nuôi tôm sạch tại một xã thuộc vùng rừng ven biển.
Đến mùa thu hoạch, các ao tôm cho năng suất cao, chúng tôi tiếp tục mở rộng dự án trên nhiều huyện của tỉnh và các khu vực lân cận có diện tích nuôi tôm của tỉnh bạn. Từ thành công này, người dân mới dám tin và sử dụng sản phẩm của đơn vị”. Cùng cách làm đó, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch KH-CN Tiền Giang đã đưa được kỹ thuật trồng nấm ăn và nấm dược liệu vào từng hộ dân. Doanh thu sau 5 năm triển khai đã đạt gần 13 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Vinh Dự, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ TPHCM, cho biết các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam không thiếu những thiết bị, công nghệ tốt. Bằng chứng thông qua cơ sở dữ liệu về hoạt động R&D - Dataweb do Sở KH-CN TPHCM thu thập được trong những năm gần đây, một số tỉnh thuộc ĐBSCL đã liên hệ và chuyển giao thành công. Như vậy, cần thiết phải xây dựng Dataweb chung vùng cho 13 tỉnh ĐBSCL và TPHCM (tạm gọi là vùng 13+1) nhằm tăng cường thu thập công nghệ, thiết bị tiên tiến; đây cũng là nơi để các nhà khoa học chia sẻ những công nghệ đang có để hỗ trợ các DN khi có nhu cầu đổi mới, cải tiến công nghệ.
Chuyển giao nhiều công nghệ mới Chiều 14-5, Sở KH-CN TPHCM đã tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu của 24 đề tài, dự án cho 16 đơn vị là sở ngành, bệnh viện, DN tư nhân. Hình thức chuyển giao dưới dạng bàn giao kết quả hoặc ký kết hợp tác triển khai ứng dụng kết quả khoa học. Trong số này, hầu hết đều có tính mới và doanh thu chuyển giao cao như: Ứng dụng thiết bị tổng đài IP và Video Conference Bách khoa phục vụ hội chẩn y tế tại Bệnh viện Nhân dân 115; Sản xuất thử thịt heo an toàn tại TPHCM; Nghiên cứu chế tạo bộ kít ELISA phát hiện nhanh dư lượng Melamine trong sữa và thức ăn chăn nuôi... |
TƯỜNG HÂN