Được đánh giá “thiện chiến” ở những ngư trường xa bờ trong nhiều thập kỷ qua, những ngư dân ở làng biển Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) đã tận dụng lợi thế để ra nước ngoài đánh cá thuê, làm giàu. Làng biển Bình Minh đã thay da đổi thịt, trở nên sung túc khi lượng tiền từ nước ngoài “chảy về” ngày một lớn.
Cả làng xuất ngoại
Trở lại làng biển Bình Minh những ngày cuối năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi sự thay đổi quá nhanh của một làng quê nghèo ven biển. Khắp các ngõ xóm, nhà nhà, người người hối hả chuẩn bị sơn phết nhà cửa, mua sắm các vật dụng đắt tiền để chuẩn bị đón năm mới.
Chỉ vài năm trước thôi, cả vùng Bình Minh vẫn còn hoang sơ, ảm đạm khi hậu quả của cơn bão Chanchu hồi năm 2006 đã làm hàng trăm ngư dân vùi thây dưới biển sâu. Cả làng cùng chịu một “đại tang” mà có khi hàng trăm năm sau mọi người vẫn còn nhắc đến. Thế rồi, cuộc đời của những ngư dân thoát nạn trong cơn bão dữ Chanchu cũng được “bẻ lái” sang hướng khác khi xuất ngoại để đánh cá thuê.
Chủ tịch UBND xã Bình Minh Trần Công Minh đầy vẻ tự hào, nói: “Giàu có hết rồi, nhiều người đã là tỷ phú. Một số anh về, làm nhà to đẹp thuộc loại nhất nhì của huyện, mua cả ô tô đời mới. Số còn lại vẫn tiếp tục gửi tiền về đều đều. Đây là thành quả của việc sang Hàn Quốc, Malaysia làm nghề đánh cá thuê của ngư dân quê tôi đấy”.
Theo ông Minh, phong trào xuất ngoại sang Hàn Quốc, Malaysia của ngư dân Bình Minh manh nha từ sau cơn bão Chanchu. Tuy nhiên, đến đầu năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 mới thực sự rầm rộ, khi nhiều ngư dân vay mượn ngân hàng, người thân để sang Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó, thôn Tân An và thôn Hà Bình chiếm đại đa số, nhiều nhà có 3 - 4 anh em trai đều sang Hàn Quốc. Theo thống kê, toàn xã có hơn 100 người xuất ngoại đánh cá thuê. “Đây là diện đi chính ngạch vì Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh đến xã tuyển người đàng hoàng” - ông Minh cho biết.
Cả xã Bình Minh ai cũng biết ông Nguyễn Đức Thanh (thôn Hà Bình), một lão ngư dày dạn kinh nghiệm, hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa. Cơn bão Chanchu khiến cha con ông suýt bỏ mạng ngoài biển khơi. Sau đó, con trai cả Nguyễn Đức Minh đi làm bạn cho một tàu ở Đà Nẵng được 2 năm thì lên đường sang Hàn Quốc. Trước đó 3 năm, con trai thứ Nguyễn Đức Mẫn cũng đã sang Hàn Quốc đánh cá thuê. Người em sau cùng là Nguyễn Đức Tiến cũng xuất ngoại được 4 năm nay. Như vậy, trai tráng cả nhà ông Thanh đã xuất ngoại hết. Bây giờ, trong nhà chỉ còn 2 vợ chồng già và đứa con gái sống cảnh điền viên với một dãy cửa hàng tạp hóa thuộc loại lớn nhất trong xã. Ông Thanh ngày ngày lái ô tô ra Đà Nẵng, vào Tam Kỳ chu du, kết hợp làm dịch vụ du lịch.
Tỷ phú tha hương
Bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Thanh, nói: “Ô tô của thằng út đấy. Cháu Tiến đi được 2 năm thì gửi 500 triệu đồng về nhà, bảo mua ô tô mà đi. Hai đứa lớn thì gửi tiền bảo vợ chồng tôi mở sổ tiết kiệm giữ đó, khi nào chúng về hẳn thì có vốn làm ăn, xây nhà. Tui không biết mỗi đứa được bao nhiêu, nhưng mỗi năm chúng cứ gửi về từ 300 - 400 triệu đồng. Chúng nói đi làm xa vợ chồng tôi lo lắm, nhưng nhìn những gì chúng gửi về thì quả thật trước đây nằm mơ tôi cũng không dám”. Như vậy, tính sơ sơ mỗi ngư dân ở Bình Minh nếu sang Hàn Quốc, Malaysia đánh cá 3 - 5 năm, giờ đây trong tài khoản ở quê nhà đã có trên tỷ đồng.
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Bình Minh, chúng tôi tìm đến căn nhà 2 tầng khang trang, bề thế của anh Trần Công Khuyên (thôn Tân An). Anh Khuyên thuộc lớp người đầu tiên của xã xuất ngoại đánh cá thuê ở Hàn Quốc. Anh trở về quê đã gần 3 năm nay và đang làm dịch vụ du lịch. Chị Trần Thị Mai, em gái anh Khuyên, cho biết: “Ảnh chạy xe đưa khách du lịch suốt cả ngày, hiếm khi ở nhà lắm. Lúc đầu sang Hàn Quốc làm ngư dân cho tàu nước bạn. Nhờ có tay nghề sửa máy nên chỉ vài tháng sau, ảnh chuyển sang nghề cơ khí, xin được vào lắp ráp ô tô. Lương mỗi tháng được hơn 2.000 USD. Làm được 3 năm, anh trở về, dứt khoát không nối lại nghiệp biển”.
Trở về với số tiền hơn tỷ đồng trong tay, anh giúp cha cất ngôi nhà bề thế nhất xã Bình Minh hồi đó. Đến giờ, cơ ngơi của anh Khuyên cũng chưa người nào sánh kịp. Xây nhà được 2 năm, vẫn còn dư tiền, anh Khuyên mua ô tô 4 chỗ, chọn nghề chạy xe, hưởng an nhàn.
Hay trường hợp của anh Trần Công Vương, sau 5 năm quần quật nơi xứ người, tằn tiện anh trở về với số vốn hơn 2 tỷ đồng. Ngoài việc xây ngôi nhà 3 tầng bề thế, anh đang cho xây dựng quán cà phê mà theo anh sẽ to nhất ở huyện này.
Âu lo miền biển
Tiền nhiều, cả xã giàu lên trông thấy, nhưng đâu đó vẫn tồn tại những âu lo ở miệt biển này. Khắp các thôn xóm, trai tráng trong làng hầu như vắng bóng; trong những ngôi nhà bề thế, khang trang ấy chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.
Ông Trần Công Tân (cha của 3 người con đang đánh cá thuê ở Hàn Quốc) thở dài: “Ngày chúng nó đi, vợ chồng tôi ra sức ngăn cản nhưng bất lực. Bởi chúng nó có vợ con, gia đình riêng nên tự quyết định. Hơn nữa, thấy người ta gửi tiền về nhiều nên cả 3 quyết tâm đi cho bằng được. Đến bây giờ, thấy chúng nó có tiền tôi cũng vui, nhưng đang lo chiếc tàu đánh cá xa bờ của gia đình rồi đây không ai tiếp quản, nối nghiệp. Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi rồi, không đi biển được nữa. Từ ngày cả 3 đứa con sang Hàn Quốc, tôi phải tìm thuê người làm thuyền trưởng đưa tàu ra khơi, nếu không bỏ nằm bờ cũng rệu rã theo mưa gió”. Bà Thắm, vợ ông Tân, thêm vào: “Thường ngày chúng nó đi biển tháng về một lần, mưa bão có khi ở nhà dài dài. Lúc nào cũng vui vầy đông đúc nhưng giờ trống vắng. Không biết khi trái gió trở trời, vợ chồng già có mệnh hệ gì thì không biết nhờ vã ai nữa”.
Hơn 6 năm về trước, khi ông Lương Hữu Trúc, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tỏ ra vui mừng, khoe với chúng tôi rằng đã giải quyết được bài toán lao động cho đội tàu đánh bắt xa bờ mấy chục chiếc của quận. Bởi sau cơn bão Chanchu, hàng trăm ngư dân bỏ xác ngoài biển khơi, còn những ngư dân trẻ, những người thoát nạn thì đồng loạt bỏ biển, hàng chục chủ tàu ở Đà Nẵng đã quýnh lên vì không biết đào đâu ra nguồn lao động. Chính vì vậy, ngay sau đó, một hợp đồng cung ứng lao động giữa chính quyền quận Thanh Khê và xã Bình Minh được ký kết. Hai địa phương cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhau phát triển nghề biển xa bờ. Bẵng đi một thời gian, gặp lại ông Trúc, tôi hỏi thăm, ông lắc đầu ngao ngán: Bể rồi. Không khả thi, thôi đành chấp nhận, phần chủ tàu nào người đó lo. Phải thừa nhận rằng, lao động biển ở Bình Minh là nơi tinh nhuệ nhất, ít nơi nào ở miền Trung bì kịp. Chính vì vậy, khi họ sang Hàn Quốc, Malaysia, lao động Bình Minh càng được ưa chuộng.
Còn anh Lê Văn Chiến, chủ tàu ĐNA 90251 (Xuân Hà, Thanh Khê), kể: “Đãi ngộ cho bạn thuyền ngày càng tốt, lương nâng liên tục, cho ứng tiền trước mấy triệu đồng. Nói chung lên thuyền không thiếu thứ gì. Vậy mà lao động ngày càng rời xa biển mình. Nghe nói họ xuất ngoại, giờ mới biết”.
Nỗi lo ở thì hiện tại là vậy, nhưng chúng tôi thật sự ấm lòng bởi câu nói của Chủ tịch UBND xã Trần Công Minh đã hứa hẹn một tương lai xán lạn cho vùng biển này: “Lớp trẻ đi lao động nước ngoài, đó là cách tốt nhất để chúng tự tạo nguồn vốn. Khi trở về, có tiền sẽ đóng tàu, ra khơi bám biển, giữ ngư trường. Đó là cách tốt nhất để phát triển đội tàu xa bờ. Bởi hiện nay, sự hỗ trợ để đóng tàu mới cho ngư dân đang gặp nhiều khó khăn”.
NGUYỄN HÙNG