Bút ký

Ngựa ô vào câu lý

Ngựa ô vào câu lý

Lúc nào nhớ một ngách rừng kín đáo dẫn đường về căn cứ quân khu Trị Thiên, tôi lại muốn tạ ơn tất cả. Tất cả những người đến xem chương trình biểu diễn của chúng tôi, nhưng chẳng có phép gì để lòng cảm tạ của tôi đến hầu khắp được. Nhiều người trong số họ đã đi xa. Xa nhất là những người đã thành thiên cổ.

Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã viên tịch. Bà Tuần Chi đã quy tiên. Chính ủy quân khu Lê Chưởng qua đời và Trần Hoàn đã chết. Họ đã cùng với các sĩ quan chủ chốt cấp quân khu, các sĩ quan chỉ huy các binh đội, binh đoàn đánh trận Tết Mậu Thân ngày ấy là khán giả xem chương trình biểu diễn của chúng tôi trong rừng.

Ngựa ô vào câu lý ảnh 1

Đoàn văn công chúng tôi đã phục vụ chiến dịch phản công trong dịp Tết Mậu Thân. Xuất sắc nhất là tốp diễn viên cùng với Thuận Yến vào Huế. Chúng tôi lựa chọn và thiết kế một chương trình để hội nghị toàn quân khu tổng kết chiến dịch.

Khách mời là hai người bỏ Huế lên rừng. Một là vị hòa thượng nổi danh và một là bà vợ ông Tuần phủ Nguyễn Đình Chi nổi tiếng. Tôi không có vai diễn, vai hát nào trong chương trình. Suốt buổi diễn, tôi là người xem.

Đứng sau cánh gà xem người xem. Tôi chăm chú xem hai vị khách. Họ ngồi gần như bất động. Luôn như chờ chờ đợi đợi một điều gì. Cái điều gì ấy khiến tôi bồn chồn. Số đông khán giả đã được xem từ trước ngày nổ súng. Và trở về được căn cứ địa xem lại nên ai cũng vui mừng. Chỉ trừ hai vị khách...

***

Ba ngày sau tôi vẫn không bước ra khỏi cửa hầm. Chẳng biết ngoài rừng mưa nắng ra sao. Tôi nghĩ về hai vị khách và thái độ trầm tư của họ. Khi nghĩ về tính hiệu quả của công việc mình làm, tôi thấy buồn buồn. Cả hòa thượng Thích Đôn Hậu và bà Tuần Chi đều đã gói ghém tư trang lên rừng. Vậy sao họ lại lặng im đến khó hiểu trước một chiến công hiển hách được tái hiện bằng đàn, ca! Vậy là có điều gì đây mà tình cảm từ đáy sâu không thể nào trỗi dậy? Tôi lo lắng đến bồn chồn.

Khi phải quay trở lại rừng căn cứ, tôi nghĩ đến cuộc chiến sẽ còn nhiều bước cam go. Và từ đây đến ngày ca khúc khải hoàn liệu còn bao nhiêu người không cùng tôi tập dượt từng giai điệu? Tôi đã từng xuống Huế. Đoàn văn công của chúng tôi đã từng ca hát trước nhân dân mấy góc phố dọc hai bờ sông Hương. Trong không khí đồng tình, đồng cảm của số đông cũng chẳng thiếu những cặp môi câm lặng, những cặp mày trầm tư.

Tôi đã cố nhớ lại và thấy bình tâm hơn. Hòa thượng Thích Đôn Hậu và bà Tuần Chi trong buổi xem biểu diễn đâu có vô cảm! Họ chưa đồng cảm đấy thôi. Họ đâu có phản đối việc đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Nếu phản đối ắt đã bỏ ra ngoài. Có cấm đoán gì đâu! Nhưng súng đã lặng - dù là tiếng súng một chiến dịch! Ta với ta! Ta quanh ta, ta nói với nhau điều gì để tiếp tục cùng nhau đuổi kẻ thù xâm lược, giành giữ lấy giang sơn!

***

Đoàn văn công chúng tôi vào việc. Tôi sẽ phải là người vào việc trước hết vì tôi đã đề xuất ý tưởng và được mọi người đồng tình cổ vũ. Cản trở lớn nhất là thời gian. Công việc của chúng tôi chỉ được chuẩn bị trong ba ngày. Tôi chỉ được sử dụng một phần ba trong thời lượng ấy.

Tôi tranh thủ thời gian gặp chính ủy quân khu.

- Xin quân khu cho chúng tôi diễn lại!

Thiếu tướng Lê Chưởng nheo mắt cười “Răng mà phải diễn lại?” – “Dạ, diễn mới chứ anh!” – “Diễn như bữa trước là được rồi!” – “Được thì được nhưng không hay!”. Tôi nói rõ đầu đuôi vì tôi tin anh Chưởng sẽ đồng tình. Anh là con dân Quảng Trị và đã từng được dân nuôi bằng thứ “dinh dưỡng dân gian” trong lời ru, câu hò.

- “Gắng nghe!” - Chính ủy quân khu vừa ra lệnh vừa cổ súy. Anh tiễn tôi ra một đoạn suối vắng, cùng ngồi trên tảng đá và nói thêm: “Không được quá ba ngày đâu. Vì...”. Phải ra ngoài ngách suối để nói với tôi điều này vì... đó là một kế hoạch tuyệt mật, có liên quan đến hành trình của hòa thượng Thích Đôn Hậu và bà Tuần Chi.

Tôi lang thang hết buổi dọc con suối rừng vắng ngắt. Buột miệng hát một câu đã thuộc nằm lòng “Thề phanh thây uống máu quân thù”, lời ca ấy, giai điệu ấy trôi trôi theo dòng nước chảy trong veo. Tôi tựa lưng vào vách đá hát thêm câu hát nữa, câu hát mà các ca sĩ của chúng tôi hát trong cố đô “Anh đi trước hàng quân. Tiến về thành phố thân yêu. Tiến về giải phóng nông thôn. Đạp trên xác thù...”. Rừng lặng đi chốc lát rồi quạt gió ào lên. Những câu hát, hát đến mòn giai điệu, hát đến khí phách bỗng trào lên rồi rụng xuống, trôi vèo.

Tôi nhẩm lại hết những gì chúng tôi đã hát trong dịp Tết Mậu Thân. Bài hát nào cũng hay, bài hát nào cũng vào lòng người. Nhưng gay gắt quá. Tôi muốn hát tiễn hai vị nhân sĩ xứ Huế sắp “vào trận mới” một điều gì khác lạ hơn và thẳm sâu hơn...

***

Thu Sen thắp cây đèn có ánh sáng tỏa vừa trang giấy học trò và chờ tôi.

- Sẵn sàng chứ em?

- Dạ. Lúc nào cũng sẵn sàng.

Cái hầm chữ A chôn chìm dưới đất núi bỗng được căng rộng ra vì tiếng cười của anh em chúng tôi. Tôi chọn Thu Sen, tôi trao cái màn hát dân ca này cho Thu Sen vì Thu Sen nhạy cảm và linh lợi. Tôi nói một ý không đầu không đuôi để thăm dò “Bao câu hát ông cha mình gửi lại. Sao em thương câu lý ngựa ô này?”.

- Em biết rồi. Em hiểu ý anh rồi. Em hát nhé!

- Nhưng anh đã viết đâu!

- Em hát rồi anh sẽ viết được! – Thu Sen quả quyết.

-...

- Ngựa ô... a í a ngựa ô... ô... (1)

Cái hầm trong đất chật như rung lên và muốn bật ra ngoài! Một giờ sau đó là đến lượt tôi nói. Và Thu Sen nghe. Bắt đầu từ con ngựa làng Gióng. Rồi tôi “xua” cả bầy ngựa chiến vào trận mạc. Từ Lê tới Lý, Trần, Lê. Triều vua nào cũng chinh chiến từ Bắc vào Nam. Và vó ngựa của thời nào cũng dồn âm hưởng vào câu hát... Thu Sen ngồi nghe như bị hút hồn. Và tôi đã hình dung được hồn vía của câu hò điệu lý nay mai sẽ được truyền đi.

Đêm ấy, những ai trong Đoàn Văn công còn có đèn pin đều dồn cho công việc sáng tác mê hồn trận này. Tôi viết được đến đâu, Thu Sen đón nhận đến đấy. Và cứ vậy cứ vậy màn hát dân ca Trị Thiên lặng lẽ ra đời. Ba giờ sáng, tôi bấm đèn soi bậc núi cho Thu Sen về hầm. Tôi ghé sang hầm Thuận Yến và thức tiếp đến sáng để cùng xếp lịch phối hợp nhạc và dàn dựng lớp lang.

Buổi diễn - suốt những năm ở mặt trận, tôi quên mất cách gọi đêm diễn, vì tất cả mọi cuộc hội tụ đông người đều phải tổ chức dưới ánh sáng trời lọc qua màn lá che - vẫn diễn ra ở hội trường có mái lá rừng lợp kín.

Hòa thượng Thích Đôn Hậu và bà Tuần Chi vẫn ngồi xem ở dãy ghế mời trân trọng. Trước mặt khách xem có cái bàn ghép mặt bằng nứa tươi. Khác lần trước là có bày mấy cái ca uống nước được chế tạo rất khéo tay bằng ống pháo sáng. Các sĩ quan cấp quân khu và cấp binh đoàn vắng cả vì công việc bận rộn phía các chiến trường.

Lần này, tôi không đứng ở mép cánh gà. Tôi bước ra “... Quân khu sẽ hát câu tiễn đưa một chén quan hà... và được phép quân khu, đoàn Văn công xin hát tiễn hòa thượng và bà điệu hò, câu lý. Để rồi khi đường trường muôn dặm gập ghềnh gian lao... câu lý này điệu hò này sẽ nâng giai điệu đỡ đần... Rằng...

“Ngựa ô... a í a... ngựa ô... ô!

Ngựa ô...”.

Màn dân ca xứ Huế lay động lòng người... lay động cả cánh rừng... Hòa thượng Thích Đôn Hậu ghé nói với bà Tuần Chi một câu gì đó rồi nâng vạt áo cà sa lên mắt. Bà Tuần Chi úp sấp bàn tay lên mặt bàn ghép nứa xanh và vuốt khẽ mấy đầu ngón tay. Như vuốt theo dây đàn thập lục. Như âm điệu ấy dắt bà về tuổi đàn xa xưa...

Tôi còn có được mấy lần đàm đạo với cả hai người. Chuyện con ngựa ô trong sử sách nước nhà. Chuyện tâm thức Việt Nam trong từng câu hò điệu lý. Chuyện như không có chuyện gì cả mà sâu lắng mãi muôn đời. Hòa thượng Thích Đôn Hậu nói lời tạ từ “Rứa thì ta thắng!” và hai vị nhân sĩ được quân khu đưa đường sang tuyến 559 để ra Hà Nội.

Tôi còn được đi tiếp ngót ngàn cây số đường rừng Trường Sơn trong 7 năm. Lại còn đi tiếp hơn ngàn cây số đường trời từ Gia Lâm đến Tân Sơn Nhất và cảm hứng hào hùng mở rộng về con ngựa và câu lý về con ngựa đủ dồi lên dập xuống thành câu thơ.
“Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu” (2)

(1) Lời lý ngựa ô (dân ca).
(2) Lý ngựa ô ở hai vùng đất (1975). 

PHẠM NGỌC CẢNH

Tin cùng chuyên mục