(SGGPO).- Sáng 11-8, tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
UBTVQH lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn
Tại phiên họp, về chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở nước ta và phù hợp với quy định tại Điều 80 của Hiến pháp, quy định như dự thảo luật (lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn theo hướng UBTVQH, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét trên cơ sở cân nhắc một cách toàn diện các vấn đề có liên quan) là phù hợp. Dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp, nếu đại biểu chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn thì tiếp tục chất vấn lại về nội dung đã chất vấn; người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.
Đáng lưu ý, về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, hiện vẫn còn hai loại ý kiến. Trong đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về vấn đề này. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo Luật một số quy định về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (như đã thể hiện trong dự thảo Luật). Còn các vấn đề cụ thể về trình tự, thủ tục được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Ai có thẩm quyền kiến nghị xem xét văn bản có dấu hiệu trái luật?
Về xem xét văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, do qua thảo luận vẫn có hai loại ý kiến, Thường trực Ủy ban Pháp luật trình xin ý kiến UBTVQH.
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định chung một quy trình về việc Quốc hội xem xét văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị của UBTVQH và Chủ tịch nước.
Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định riêng việc Quốc hội xem xét văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp và việc Quốc hội xem xét văn bản có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội như dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Theo đó, Quốc hội xem xét văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp theo đề nghị UBTVQH, Chủ tịch nước; Quốc hội xem xét văn bản có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội theo đề nghị, kiến nghị của UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên Mặt trận, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện văn bản trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội thì có quyền trực tiếp trình Quốc hội xem xét.
ANH PHƯƠNG