Người biến “phế phẩm” thành “đô-la”

Người biến “phế phẩm” thành “đô-la”

Đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng người phụ nữ ấy vẫn rất minh mẫn, tinh anh, vẫn thường đi nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác, vẫn rất hăm hở, sục sôi khi bàn luận về cơ chế, chính sách và quan trọng hơn cả là vẫn luôn mang trong mình một trái tim nhân ái, luôn tìm cách mang lại đời sống tốt đẹp cho những người nghèo trên quê hương, đất nước. Bà chính là Nguyễn Thị Cúc - Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất (KP7 thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), người vừa được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trao tặng cúp vàng “Vì cộng đồng” và Organization Women of International - Los Angeles (Hội doanh nhân nữ quốc tế Los Angeles) chọn trao giải thưởng cho những nữ doanh nhân trên thế giới có đóng góp cho xã hội và giúp cho nhiều doanh nhân nữ khác thành công trong năm 2013 và được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất

Để có được những thành công ấn tượng của ngày hôm nay,  bà Cúc đã phải trải qua một con đường đầy cam go, thử thách. Ngày mới tham gia vào HTX, bà được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Niềm vui thì ít mà nỗi lo thì nhiều. Lo vì không nghề, không vốn, không lao động, không kinh nghiệm làm ăn lại thêm bối cảnh đất nước ngột ngạt trong cơ chế bao cấp. Vậy là bà chủ nhiệm đã không ít lần bầm giập, thậm chí phải xé rào tìm mua và vận chuyển nguyên liệu từ những vùng mà lúc bấy giờ còn “ngăn sông cấm chợ” hoặc mua lương thực đảm bảo cho xã viên có cái ăn để yên tâm làm việc.

Nhờ có sự can đảm, đột phá như vậy mà qua tay HTX Ba Nhất từ mây, tre, lá buông cho đến lục bình, bẹ chuối, giấy vụn... những thứ bị xem là phế phẩm bỗng lột xác trở thành những sản phẩm tiêu dùng giá trị, vượt qua những tiêu chuẩn ngặt nghèo để đàng hoàng bước vào mạng lưới siêu thị của những người khổng lồ bán lẻ như IKEA, Wal-Mart, Target…

Theo thống kê mới nhất của HTX, hiện nay sản phẩm của Ba Nhất với hàng trăm ngàn mẫu mã đã có mặt tại trên ba mươi nước trên thế giới. Mỹ và khu vực Nam Mỹ là thị trường tiêu thụ chính của HTX Ba Nhất, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên mười triệu USD, tạo việc làm cho trên 30.000 lao động nông thôn không vốn, không phương tiện sản xuất và cả những người lầm lỡ đang được cải tạo, giáo dục trong các trường, trại. Năm 2014, HTX Ba Nhất đạt doanh thu 204 tỷ đồng, nhưng lãi chỉ còn 310 triệu đồng vì HTX trả lương, lo cuộc sống cho xã viên. Người lao động ở HTX Ba Nhất hiện nhận mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, cao nhất 8 triệu đồng/người/tháng, còn nhà ở, cơm ăn, khám, chữa bệnh đều được HTX lo hết.

Sản phẩm của Ba Nhất với rất nhiều mẫu mã

Khi được hỏi về cái tên “Ba Nhất” nhiều xã viên đều tự hào chia sẻ Ba Nhất nghĩa là “Ba thương”: Thương nước, thương người nghèo, thương rác rưởi. Vâng, chính nhờ những người “Thương nước” như bà đã góp phần tạo nên một đất nước tươi đẹp đổi thay như ngày hôm nay. “Thương người” nên ở HTX Ba Nhất xã viên được hưởng không chỉ là một mức thu nhập tương xứng mà trên hết còn một bầu không khí gia đình thiêng liêng, ấm áp. Và vì “Thương rác” nên bà đã tìm mọi cách biến rác rưởi thành đô-la để nuôi người nghèo. Xin chúc cho bà chủ nhiệm luôn giữ vững con thuyền “Ba Nhất” để tinh thần “Ba thương” được nhân rộng nhiều hơn nữa trên đất nước này.

Tin cùng chuyên mục