Người bước qua dòng sông thiêng

Người bước qua dòng sông thiêng

Cách đây nửa thế kỷ, đồng bào Vân Kiều ở các bản làng của xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa gọi dòng Sê Păng Hiêng là dòng sông thiêng, bởi con sông là nơi duy nhất mang nước về cho dân bản. Tương truyền, bất kể ai làm bẩn dòng nước sẽ bị Giàng phạt tội chết, nên trải qua bao đời, người Vân Kiều dù mưu sinh bằng cách nào cũng không được “đụng” đến dòng sông...

  • Người bước qua lời nguyền
Người bước qua dòng sông thiêng ảnh 1

Mẹ Hồ Thị Oi, “bà tổ” của cây lúa nước ở vùng cao Quảng Trị

Vậy mà năm 1961, tại bản Cù Bai (Hướng Lập) có một phụ nữ Vân Kiều đã dũng cảm bước qua lời nguyền ấy mặc bao lời thị phi nghiệt ngã. Bà là Hồ Thị Oi, ở bản Cà Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa.

Vượt qua bao núi non hiểm trở, cuối cùng tôi cũng tìm đến được ngôi nhà của mẹ Hồ Thị Oi ở bản Cà Tiêng. Khi tôi đến, mẹ đang cùng lũ trẻ ngồi ngắm cơn mưa qua ô cửa sổ của căn nhà lợp bằng lá cọ, hướng vào vách núi.

Mẹ xởi lởi nắm tay tôi với nụ cười hiếu khách cùng hàm răng đen đều đặn. Tôi nói lý do tìm gặp, mẹ bày ra sàn nhà ấm trà nóng rồi thong thả bắt đầu câu chuyện.

Từ ngàn năm trước, dòng Sê Păng Hiêng chảy qua bản Cù Bai (cách bản Cà Tiêng chừng 3 giờ đi bộ) trong xanh và êm đềm. Người Vân Kiều ở đó đặt ra luật lệ, không ai được phép làm vấy bẩn dòng sông. Đặc biệt, đối với việc sản xuất, cây cối không được bón phân, bởi  hạt thóc là hạt ngọc của trời, hạt ngọc ấy có được là nhờ vào dòng nước nuôi dưỡng; việc bón phân vì thế sẽ bị coi là xúc phạm cả trời và thần nước Sê Păng Hiêng.

Người Vân Kiều thuở ấy sống du canh du cư, lấy việc đốt rừng làm nương rẫy kiếm cái ăn qua ngày. Nhưng cây lúa, hoa màu do không được bón phân, trong khi đất đai ngày một trở nên cằn cỗi, cuộc sống vì thế mãi cứ quẩn quanh trong cái đói cái nghèo.

Những năm 1960, cùng với việc mở đường Trường Sơn vào các cửa ngõ rừng núi phía Nam, quân và dân Quảng Trị, đặc biệt là lực lượng công an vũ trang còn chú trọng giúp dân bản phát triển kinh tế, xây dựng các căn cứ cách mạng quan trọng.

Trong những cuộc tiếp xúc với các anh, nữ dân quân du kích Hồ Thị Oi, ngày ấy vừa 18 tuổi, đặc biệt chú ý đến kỹ thuật trồng cây lúa nước. Thế nhưng, suốt một thời gian dài kiên trì vận động vẫn không mang lại kết quả, người Vân Kiều ở đây không những không nghe lời mà còn nghiêm cấm, thậm chí phỉ báng rằng, chị Oi là… con nít, làm sao lãnh đạo được người già, rằng Giàng sẽ bắt tội chết nếu dám bước qua lời nguyền đã có từ muôn đời trước.

Mặc bao lời thị phi nghiệt ngã, thậm chí có lúc còn bị dân làng đánh dã man, nữ du kích Oi vẫn quyết tâm làm đúng theo cách các anh đã chỉ bảo.

  • Và “bà tổ” của cây lúa nước

Mùa thu năm 1961, bên dòng sông Sê Păng Hiêng, thửa ruộng lúa nước đầu tiên do Oi tự cày bừa, gieo cấy đã đến kỳ thu hoạch. Hạt lúa nhờ có phân bón nên nẩy nà, vàng óng, trông đến sướng mắt. Dẫn người dân ở cả mấy bản của xã Hướng Lập ra xem, Oi vừa mừng vừa tủi…

Năm 1962, chị được cấp trên trao tặng một phần thưởng đặc biệt: ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Gặp được Bác, chị cảm động đến khóc và cho tới bây giờ, chị không sao quên được lời Bác động viên và căn dặn.

Trở về với bản làng, nữ du kích Hồ Thị Oi được bà con tin yêu, kính trọng bầu làm Chủ tịch UBND xã Hướng Lập. Lúc này, chị có điều kiện hơn trong việc vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng lúa nước. Liên tiếp nhiều năm sau đó, cây lúa nước trên địa bàn xã Hướng Lập đạt năng suất đến mức kỷ lục: 2 tấn/hécta. Nhờ đó, dân bản không những có cái ăn, cái mặc mà còn tích cóp lúa gạo để nuôi bộ đội… Ghi nhớ công ơn của chị, Đảng và Nhà nước đã trao tặng chị nhiều huân chương, huy chương và bằng khen cao quý...

Giờ đây, nữ du kích Hồ Thị Oi đã ngoài 80 tuổi, nhưng đầu óc của mẹ còn rất minh mẫn, giọng nói của mẹ vẫn còn rất trong. Đứng trưa, cơn mưa rừng vừa tạnh, dẫn tôi ra thửa ruộng lúa phía trước nhà, mẹ bảo: “Già yếu rồi nhưng mạ vẫn rất thích trồng cây lúa. Thỉnh thoảng, mạ vẫn tự tay trồng để truyền lại những kinh nghiệm cho bà con”.

Ông Hồ Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập không giấu nỗi xúc động khi kể về mẹ Oi: “Người dân Vân Kiều biết trồng được cây lúa nước và có được hơn 40ha ruộng lúa nước hôm nay tất cả là nhờ vào công lao của mẹ Oi và những cán bộ công an vũ trang đồn Cù Bai năm xưa”.

Ông Lành cũng cho biết thêm, để ghi nhớ công ơn của mẹ Oi, hàng năm, bà con Vân Kiều tổ chức khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước ở vùng cao. “Riêng trong năm 2007, phong trào này sẽ càng lớn mạnh, chắc chắn tổng diện tích ruộng lúa nước trên địa bàn toàn xã sẽ không dừng lại ở con số 40ha”- ông chủ tịch khẳng định.

PHAN HÀ LINH  

Tin cùng chuyên mục