Người “chết” trở về

34 năm lập gian thờ
Người “chết” trở về

13 năm sau ngày con trai nhập ngũ, gia đình cụ Phạm Kiệu nhận được giấy báo tử của đơn vị nơi con trai ông tham gia chiến đấu. 34 năm sau, người con ấy bất ngờ trở về trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình lẫn chính quyền địa phương. Cuộc đoàn tụ thấm đẫm nước mắt sau gần nửa thế kỷ xa cách tưởng chừng chỉ có trong mơ đã xảy ra ở xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Cụ Kiệu và tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên Phạm Văn Hai.

Cụ Kiệu và tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên Phạm Văn Hai.

34 năm lập gian thờ

Biết được câu chuyện hy hữu này, chúng tôi tìm đến nhà cụ Phạm Kiệu ở thôn Thạnh Trung, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để xem thực hư. Mặc dù đã 102 tuổi nhưng trông cụ Kiệu còn khỏe mạnh, khuôn mặt già nua, khắc khổ của cụ vẫn rạng ngời.

Cụ Kiệu cho biết, trước 1975, gia đình cụ ở xã Đại Thạnh nhưng sau đó địch đánh bom quá dữ dội, nhà cửa bị sập nên gia đình chuyển lên ở Đại Chánh. “Thằng Hai (Phạm Văn Hai, SN 1944 - PV) là con trai duy nhất trong gia đình đông con của tôi. Tháng 4-1965, thằng Hai nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 1, Sư đoàn 2. Vài tháng đầu, thằng Hai còn viết thư về thăm, sau đó thì biệt tăm...” - cụ Kiệu bỏ lửng câu chuyện. 

Năm 1978, cụ Kiệu mới nhận được giấy báo tử của Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng báo tin ông Hai hy sinh ngày 21-5-1970 và mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Từ đó, gia đình lập gian thờ và hàng năm cứ lấy ngày ông Hai “hy sinh”, gia đình cúng giỗ.

Qua câu chuyện lúc nhớ, lúc không cụ Kiệu cho rằng, nhiều lần gia đình cũng có ý định di dời hài cốt của ông Hai về quê nhưng nghĩ đến chuyện con mình bao năm cận kề sống chết bên đồng đội nên không đành lòng... Thời gian gần đây, nhiều lần cụ mới cùng các con đi tìm mộ của ông Hai để đưa về quê mai táng nhưng không tìm được vì ở Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương có đến hàng trăm ngôi mộ vô danh.

Vào một ngày tháng 8-2012, khi cụ Kiệu đang nằm trên giường bệnh thì bất ngờ có tin báo của một người trong gia tộc rằng ông Hai vẫn còn sống.

Mọi việc bắt đầu từ người con thứ 5 của vợ chồng ông Hai là Phạm Văn Lý, làm việc cho một công ty viễn thông ở Gia Lai. Sau mỗi chuyến công tác dài ngày, Lý lại tranh thủ về thăm gia đình. Những lúc thấy cha tỉnh táo, Lý lân la trò chuyện, thăm dò quê hương thì nghe cha thường nhắc đến hai từ “Đại Thạnh” nên Lý nung nấu ý định phải tìm ra quê nội.

Cuối tháng 7-2012, khi nghe tin có đồng nghiệp là anh Phạm Văn Thời (quê Đại Thạnh) về quê lo việc tộc họ, Lý tâm sự: “Em cũng họ Phạm ở Đại Thạnh như anh nhưng chưa một lần về đó”. Anh Thời đem câu chuyện của Lý kể lại cho các cụ già trong tộc nghe và được xác nhận, ở xã giáp ranh Đại Chánh cũng có tộc Phạm; trong đó cụ Phạm Kiệu có người con trai là liệt sĩ. Không bỏ lỡ cơ hội, anh Thời tranh thủ qua Đại Chánh tìm và bất ngờ phát hiện bằng Tổ quốc ghi công của người con cụ Kiệu cũng mang tên Phạm Văn Hai như tên cha của Lý.

Thấy chuyện lạ lùng nhưng trong tim người cha như linh cảm điều hệ trọng, cụ Kiệu động viên con cháu khẩn trương dò tìm. Sau khi xác định địa chỉ cư trú của gia đình ông Hai và qua liên lạc điện thoại với Lý, sáng sớm hôm sau, người em kế ông Hai là bà Phạm Thị Ba cùng các con lên đường vào xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.

Cuộc sống hiện tại của ông Hai hết sức khó khăn do bị liệt nửa người.

Cuộc sống hiện tại của ông Hai hết sức khó khăn do bị liệt nửa người.

Bạc đầu rơi lệ

Đến nơi, bà Ba nhận ra ngay người anh của mình và gục khóc trên thân thể yếu ớt của ông Hai. Ngay sáng hôm sau, bà Ba đưa cả gia đình ông Hai về thăm cha già ở quê hương đang ngóng đợi.

Hai cha con cụ Kiệu gặp nhau sau 47 năm xa cách, nước mắt thấm đẫm trên mắt của những con người bạc đầu làm không khí xung quanh như nín lặng. Vỡ òa hạnh phúc ngày đoàn tụ, cụ Kiệu sau nửa tháng nằm viện bỗng nhiên khỏe mạnh, cụ ôm người con trai mình vào lòng khóc nức nở. Ông Hai giờ đây chân tay đã bị liệt, không thể cử động được, cố lắm ông mới có thể gọi một tiếng “cha” nghẹn ngào.

Ngày về thăm gia đình, phải có người bồng bế ông Hai vào nhà, ăn uống phải có người đút; thậm chí ông cũng không gượng nổi người để thắp hương trên bàn thờ mẹ. Ở lại với cha chỉ được 2 ngày, gia đình nhỏ của ông Hai cũng phải ra về để tiếp tục cuộc mưu sinh. Trước khi tạm biệt về lại Tam Lãnh, ông Hai nhờ cha mang hết giấy tờ liên quan đến việc công nhận liệt sĩ cho anh bàn giao lại địa phương và đề nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục cắt chế độ thân nhân liệt sĩ theo quy định của Nhà nước.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND xã Đại Chánh, cho biết sau khi có tin ông Phạm Văn Hai trở về, xã đã đến chia vui với gia đình cụ Kiệu. “Gia đình cụ Kiệu sau đó đã tự nguyện mang các giấy tờ liên quan, giấy báo tử nộp lại cho chính quyền. Chúng tôi đã trình báo vụ việc lên UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo để xóa tên ông Hai trong danh sách liệt sỹ của xã” - ông Long cho hay.

Gian nan đời “liệt sĩ”!

Để tìm hiểu về thời gian ông Hai “bị” phong liệt sĩ, cuộc sống của ông thế nào và vì sao biết gia đình vẫn còn nhưng ông Hai không về tìm gặp cha mẹ, anh chị em, chúng tôi tìm đến thôn 7, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Ngồi trên chiếc giường trong ngôi nhà tình thương được xây từ năm 2010, tay chân run run, ông Hai kể tiếng được tiếng mất. Năm 1970, ông cùng đồng đội truy đánh địch ở thôn 2 Bình Dương (huyện Thăng Bình) thì bất ngờ bị địch phục kích. Trận đánh đó, mười mấy đồng đội của ông đều hy sinh. Riêng ông Hai bị thương nặng ở chân, lưng và đầu. Ông bất tỉnh, ngất lịm và sau khi tỉnh lại đã thấy mình được cứu nằm ở một bệnh xá. Sau đó, ông được đưa vào dưỡng thương ở trại thương binh Ông Trì (ở Tam Kỳ).

Sau ngày hòa bình lặp lại, trại thương binh giải thể, ông đi học bổ túc và gặp bà Trịnh Thị Kim Chi (SN 1948) là thanh niên xung phong của tỉnh Quảng Nam rồi kết đôi vợ chồng. Hai người về sống ở xã Tam Lãnh đến nay. Sau khi vết thương phục hồi, nhiều lần ông Hai quay lại xã Đại Thạnh tìm cha và các em nhưng vì gia đình cụ Kiệu bị bom giặc phá tan đã chuyển lên xã Đại Chánh nên ông không hỏi thăm được tung tích.

Lên vùng núi Tam Lãnh khai hoang trồng trọt, vợ chồng ông Hai sống hạnh phúc, sinh được 5 người con và hiện đã lập gia đình, tuy nhiên cuộc sống hết sức khó khăn. Trong 3 người con trai, có đến 2 người thuộc hộ nghèo. Còn với ông Hai, vào năm 2007, trong lúc chặt tre về sửa nhà thì bị té ngã, liệt nửa người. Mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều do người vợ già chăm sóc.

Bà Trần Thị Lê, hàng xóm của ông Hai cho biết, cuộc sống vợ chồng ông Hai xưa nay hết sức vất vả. Hai vợ chồng đều là thương binh, lao động rất khó khăn lại thường xuyên bệnh tật nhưng gia đình sống với hàng xóm hết sức nghĩa tình.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục