Người đã chuyển đổi giới tính có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới

Người đã chuyển đổi giới tính có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới

(SGGPO).- Dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) đã được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong phiên họp sáng nay 24-10.

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) góp ý tại phiên họp sáng 24-10

Tại phiên họp, việc có nên coi hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể quan hệ dân sự hay không là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến tán thành dự thảo BLDS quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc thông qua người đại diện.

“Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì cho rằng, quan hệ dân sự của hộ gia đình đã có quá trình lịch sử được pháp luật thừa nhận và đã trở thành tập quán của người Việt Nam, nhất là giao dịch dân sự bằng tài sản chung và vì lợi ích chung của hộ gia đình cần được tiếp tục ghi nhận”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải trình thêm.

Bình luận về vấn đề này, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nói: “Không nên đưa chủ thể hộ gia đình là chủ thể pháp luật dân sự. Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng, nên theo thông lệ quốc tế. Dù pháp luật đất đai của chúng ta có đặc thù, nhưng có thể xử lý bằng cách quy định những vấn đề liên quan đến đất đai thì xử lý bằng Luật Đất đai”.

Tán thành quan điểm này, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nói thêm: “Quy định hộ gia đình/ tổ hợp tác là chủ thể pháp luật dân sự sẽ rất vướng”.

Liên quan đến thẩm quyền của Tòa án xử lý hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, ĐB Đinh Xuân Thảo đồng tình với quan điểm thể hiện tại dự thảo và nhận xét thêm, dự thảo đã làm rõ được thế nào là “hoàn cảnh đặc biệt”; tránh được sự tùy tiện trong áp dụng. 

Tuy cơ bản đồng ý với quy định Tòa án được xử lý, nhưng ĐB Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, “chỉ cho sửa trong một số trường hợp rất giới hạn, và thẩm phán phải có chuyên môn”.

Có quan điểm khác, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị không đưa Điều 419 dự thảo hiện nay vào luật và nhấn mạnh, các hợp đồng cần có điều khoản về trường hợp bất khả kháng.

Bày tỏ quan tâm đến các giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị làm rõ: “Giao dịch dân sự bằng điện tử có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết thì được coi như giao dịch bằng văn bản. Nếu ngôn từ được hiểu theo những nghĩa khác nhau thì phải chọn ngôn từ nào phù hợp với mục đích, tính chất của giao dịch, tập quán và nơi giao dịch”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) góp ý tại phiên họp sáng 24-10

Đề cập đến nhóm quyền nhân thân, ĐB - Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị cân nhắc kỹ Điều 23 trong Dự thảo, quy định về người gặp khó khăn trong nhận thức, hành vi vì cho rằng điều này có thể tạo ra kẽ hở, bị lợi dụng để hạn chế quyền của đương sự. Về việc yêu cầu cơ quan thông tin đại chúng đăng tải thông tin cải chính nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức, ĐB Trương Trọng Nghĩa yêu cầu cụ thể hóa quy định thông tin cải chính phải được đăng tải tại vị trí nào, nhấn mạnh đến mức nào để đảm bảo đến được với người đọc. Tuy nhiên, về quy định việc đăng tải thông tin riêng tư phải được cá nhân đó và “các thành viên trong gia đình đồng ý”, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho là quá chặt và dễ gây rắc rối. Chỉ cần cá nhân đó đồng ý thôi; trừ khi người đó mất năng lực hành vi.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng lưu ý đến một số trường hợp không áp dụng bản án do Tòa nước ngoài phán quyết tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng để tránh những phản ứng từ phía nước ngoài.

Vấn đề chuyển đổi giới tính cũng đã được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến. Theo ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An), ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số ý kiến khác, việc Dự thảo quy định theo hướng, không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi là “đảm bảo thận trọng, hợp lý”. ĐB Nguyễn Trung Thu đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra thông tin thêm tình hình và kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định.

Theo chương trình nghị sự kỳ họp, chiều nay 24-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Dân sự.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục