Người dân cần chủ động phòng ngừa tín dụng đen

(SGGP).- Ngày 25-10, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành công an trong 9 tháng đầu năm nay có 60 vụ vay mượn dẫn đến vỡ nợ. Một trong các nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư vào các thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán, vàng...

Do vậy, khi những thị trường này “đóng băng” thì các khoản đầu tư đó cũng bị mất trắng. Các hoạt động vay mượn như thế, theo quy định của luật hiện hành phải cho vay với lãi suất gấp 10 lần so với mức trần của ngân hàng mới bị xử lý hình sự. Tức nếu trần lãi suất ngân hàng cho vay 14%/năm, thì đối tượng nào cho vay lấy lãi 140%/năm mới bị xử lý hình sự, dưới mức đó chỉ xử lý hành chính.

Chính vì vậy trong thời gian tới, ngành công an đang tập hợp tài liệu, kiến nghị với liên ngành trung ương. Liên ngành cũng đang nghiên cứu xây dựng một thông tư hướng dẫn việc giải quyết điều tra, kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm để chủ động phòng ngừa. Vì thật ra các vụ việc lâu nay thường gọi là “tín dụng đen” gây hậu quả rất lớn, có những vụ lên tới cả 500 tỷ đồng. Trong khi khả năng thu hồi không nhiều lắm. Những vụ xử lý hình sự được đều phải quy vào các tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chính vì vậy, người dân khi cho vay dân sự cần hết sức chú ý để chủ động phòng ngừa. Nếu như cứ tin tưởng cho vay như thế thì rất khó cho cơ quan chức năng khi xử lý hậu quả.


H.MY

Tin cùng chuyên mục