Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một rõ nét, gần tới mùa hè rồi nhưng TPHCM vẫn có mưa, sương mù bao phủ… nên việc giữ gìn sức khỏe càng quan trọng hơn bao giờ hết. Hiện nay chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smart phone), người dân có thể tải phần mềm được cung cấp bởi các nhà điều hành để kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí trước khi quyết định có nên rời khỏi nhà vào một thời điểm nào đó hay không, cũng như sắp xếp lịch trình công việc một cách có lợi cho sức khỏe nhất. Ứng dụng mới này có tên Air Quality, được phát triển từ dự án World Air Quality Index (dự án doanh nghiệp xã hội, với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm không khí), chạy trên hệ điều hành IOS và Android. Ứng dụng này đang được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng như hiện nay.
Kiểm tra chất lượng không khí thông qua ứng dụng Air Quality
Cung cấp số liệu thời gian thực
Air Quality sử dụng số liệu từ khoảng 9.000 trạm đo không khí tự động của hơn 70 nước trên thế giới, cho số liệu thực đo tại thời điểm và liên tục 24/24 giờ. Từ đó, tính toán để đưa ra chỉ số về chất lượng không khí, đồng thời đưa ra những dự đoán về diễn biến chất lượng không khí trong tương lai gần. Người dùng cũng có thể truy cập lại số liệu chất lượng không khí trong lịch sử. Ngoài chỉ số chất lượng không khí, ứng dụng này cũng cung cấp số liệu thực đo về độ ẩm, sức gió, áp suất… Với người dân nhiều nước trên thế giới được sớm trang bị hệ thống quan trắc không khí tự động thì việc kiểm tra chất lượng không khí trước khi đi ra đường đã trở thành thói quen. Nhưng tại Việt Nam, ứng dụng Air Quality chỉ mới hỗ trợ được 3 thành phố là Hà Nội, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và TPHCM.
Tại TPHCM, số liệu về chất lượng không khí được cung cấp từ trạm đo tự động của Lãnh sự quán Hoa Kỳ, đặt tại số 4 Lê Duẩn, quận 1. Thiết bị này đo chỉ số PM 2.5 (bụi mịn có kích thước dưới 2,5 micromét) dựa theo công thức của Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ để tính ra chỉ số chất lượng không khí (air quality index). Tuy nhiên, Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng khuyến cáo rằng, việc phân tích số liệu trên toàn thành phố không thể được thực hiện chính xác nếu chỉ dựa trên số liệu từ thiết bị quan trắc duy nhất vì số liệu này chỉ cung cấp chỉ số chất lượng không khí chính xác tại khu vực gần Lãnh sự quán.
Theo ứng dụng Air Quality, chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe được xếp theo 6 mức độ:
Ứng dụng hữu ích
Đó là nhận xét của TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, về ứng dụng Air Quality. TS Khoa cho biết, năm 2002, được Chính phủ Na Uy tài trợ các trạm quan trắc không khí tự động, thành phố thuê một đơn vị quảng cáo chạy bảng thông báo điện tử tại công viên 23-9 cung cấp AQI (air quality index) cho người dân. Nhưng đáng tiếc là đến năm 2005, thành phố phải dừng chương trình này. Vì vậy, ứng dụng Air Quality hỗ trợ tại TPHCM là một kênh tham khảo hữu ích cho người dân và cả các cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu của thành phố, “Người dân có thể cân nhắc việc có nên ra đường vào lúc cao điểm ô nhiễm hay không, ngược lại việc người dân hạn chế ra đường lúc chỉ số ô nhiễm cao cũng giúp giảm bớt mức độ ô nhiễm môi trường không khí. Ứng dụng này cũng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân hơn khi họ được thông tin nhiều hơn về tình trạng chất lượng không khí”.
TS Lê Văn Khoa phân tích, so với mạng lưới quan trắc của thành phố vào năm 2002, thời điểm có 9 trạm quan trắc tự động thì 1 trạm hiện nay tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ là ít nên chưa thể dùng số liệu này để đánh giá tình hình ô nhiễm toàn thành phố mà chỉ có thể đánh giá được tình hình của những khu vực có tính chất như tuyến đường Lê Duẩn. Nhưng ưu điểm của Air Quality là cung cấp được số liệu thực đo tại thời điểm hiện tại và dự báo tương lai gần, trong khi hệ thống quan trắc năm 2002 chỉ cho số liệu của ngày hôm trước và chưa dự báo được gì. Hệ thống quan trắc năm 2002 chỉ đo được PM10 (nồng độ bụi mịn có kích thước dưới 10 micromét) trong khi trạm hiện nay đã đo được PM2.5 mà bụi có kích thước càng nhỏ thì càng nguy hiểm cho sức khỏe, trong khi chi phí đầu tư thiết bị đo nồng độ bụi rất đắt đỏ. Một tính năng nữa cũng được TS Khoa đánh giá cao là người sử dụng có thể truy cập chất lượng không khí tại nhiều thành phố khác trên thế giới để họ có những chuẩn bị về trang phục nếu có dự định đi đến nơi đó, hoặc để so sánh mức độ ô nhiễm giữa các thành phố với nhau…
Theo dõi chỉ số chất lượng không khí liên tục những ngày qua từ ứng dụng Air Quality, TS Khoa nhận xét chỉ số liên tục nằm ở mức “đỏ” trên 150 là mức không tốt cho sức khỏe. “Người dân thường xuyên lưu thông qua tuyến đường này hoặc lực lượng cảnh sát giao thông, những người bán hàng rong… sẽ bị phơi nhiễm cao, dễ mắc các chứng bệnh về hô hấp hoặc da liễu. Tuy nhiên, có một điều hạn chế là kết quả đo không thể hiện được đây là chất lượng không khí xung quanh (không khí chúng ta hít thở) hay không khí ven đường (phụ thuộc nhiều vào số lượng phương tiện giao thông). Nếu là không khí xung quanh thì rất nguy hại và tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có biện pháp giảm thiểu mức độ ô nhiễm. Nhìn chung, mức độ ô nhiễm không khí của thành phố đang ở mức đáng báo động, cần sớm khôi phục lại hệ thống quan trắc không khí tự động để hoàn chỉnh kế hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời cung cấp thường xuyên số liệu quan trắc ô nhiễm không khí cho người dân để họ có cách ứng xử phù hợp, giảm bớt phơi nhiễm”, TS Khoa khuyến cáo.
Khánh Lê