Người dân đau đáu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt

Cùng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của giới chuyên gia, bạn đọc. Nhiều bạn đọc mong muốn TP có biện pháp mạnh, nói là làm, thực hiện được mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt.
Người dân đau đáu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt

Cùng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của giới chuyên gia, bạn đọc. Nhiều bạn đọc mong muốn TP có biện pháp mạnh, nói là làm, thực hiện được mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt.

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam KHƯƠNG VĂN MƯỜI:

Bắt đầu từ xóa nhà “ổ Chuột”, nhà trên kênh rạch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã định hướng tương lai cho TP này khi xác định thực hiện mục tiêu xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình và có chất lượng sống tốt. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu rất chính xác và đúng đắn, mang tính mấu chốt quan trọng. Tôi nghĩ, bất cứ TP nào trong quá trình phát triển cũng đều đáng sống hết. Tuy nhiên, ở đây, lãnh đạo TPHCM mong muốn rằng cuộc sống người dân phải được tốt hơn trước. Một TP sống tốt bao gồm nhiều tiêu chí. Thứ nhất, mọi hỗ trợ về tiện nghi công ích phải đảm bảo đầy đủ, gồm giáo dục, y tế, các hoạt động vui chơi giải trí… Thứ hai là phải đảm bảo an sinh, nghĩa là người dân phải được sống trong an bình, giảm bớt tối đa tệ nạn xã hội, cuộc sống người dân phải được hạnh phúc với các mối quan hệ xã hội tốt; các sinh hoạt động đồng phải được phát triển để con người cảm thấy mình đang sống hạnh phúc trong TP này. TPHCM có chất lượng sống tốt là khi tất cả người dân trong nước đều muốn đưa con mình về đây sinh sống, học tập, làm việc - nghĩa là họ thấy được triển vọng tương lai cho con cái mình.

Xây dựng hệ thống Metro Bến Thành - Suối Tiên, góp phần giảm tình trạng kẹt xe hiện nay. Ảnh: Việt Dũng

Thời gian qua, TPHCM đã làm được nhiều thứ. TP đã ổn định được hệ thống giáo dục, y tế, chỉnh trang môi trường, cảnh quan đô thị. TPHCM cũng đã hình thành một số không gian tổ chức cộng đồng công cộng… Tuy nhiên, vẫn còn đó những ngổn ngang liên quan đến môi trường, đô thị, an ninh trật tự… làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân và cần tiếp tục quan tâm giải quyết.

Theo tôi, phải bắt đầu từ việc chỉnh trang đô thị mà cụ thể là xóa các khu nhà “ổ chuột”, nhà trên kênh rạch. Việc cải tạo, chỉnh trang các khu nhà “ổ chuột”, nhà trên kênh rạch hiện nay sẽ góp phần giải quyết được nhiều tồn tại xã hội. Một khi TP chậm chỉnh trang thì những tồn tại xã hội này vẫn còn đó mà không thể kiểm soát được. Tôi dẫn chứng địa bàn quận 4 trước đây có nhiều khu nhà “ổ chuột”, nhà trên kênh rạch. Sau khi chính quyền chỉnh trang, cải tạo các khu này thì không chỉ mang lại nét đẹp trong mỹ quan đô thị mà tệ nạn xã hội cũng không còn nữa. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP cũng đã tính toán đến vấn đề giải tỏa nhà “ổ chuột”, nhà ven kênh rạch. Nếu TP làm rốt ráo, chắc chắn chất lượng sống của một bộ phận không nhỏ của người dân sẽ được cải thiện.  

Để giải quyết những tồn tại hiện nay, điều quan trọng nhất theo tôi nghĩ, đó là tài chính. Nguồn tài chính chỉ riêng cho lĩnh vực chỉnh trang đô thị đã rất nặng. Đơn cử như chỉ riêng việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc đã tốn cả chục ngàn tỷ đồng và phải đầu tư từng giai đoạn. Do vậy, để có nguồn lực đầu tư thì phải tạo điều kiện cho xã hội tham gia, nghĩa là ngoài ngân sách. Cần phải có cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội hóa theo hướng doanh nghiệp tham gia đầu tư phải đảm bảo có lợi nhuận, bản thân cộng đồng dân cư khu vực thực hiện dự án được hưởng phúc lợi từ các công trình này. Điều cần nhấn mạnh, đừng để người dân thấy họ bị mất khi Nhà nước thực hiện các dự án thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Như vậy, lãnh đạo TP sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Chính quyền phải làm thế nào để người dân cảm thấy được rằng họ chính là thành viên, là nhân tố của TP và những việc chính quyền TPHCM làm là để phục vụ người dân. Khi ấy, người dân sẽ thấy có trách nhiệm để cùng đóng góp xây dựng TP này.     

PHẠM HUY DU, Ban công tác Mặt trận khu phố 4, phường Bình An, quận 2:

Cán bộ công chức phải mang lại lợi ích cho dân nhiều nhất

Để có thể xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, cần phải có một chương trình dài hơi, trước mắt phải đi vào từng lĩnh vực cụ thể. Nói cụ thể là mỗi một cơ quan, đơn vị sở ngành đều phải vào cuộc. Trước hết, các cơ quan phải quyết liệt cải cách các thủ tục hành chính, tinh giản biên chế tiến tới xây dựng đội ngũ công nhân viên chức tận tụy, trách nhiệm và chất lượng. 

Cuộc sống bây giờ sao có nhiều cái đáng sợ quá, bởi vì sao? Vì kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, nhiều tệ nạn lộng hành, cái hay cái đẹp không được tôn vinh rộng rãi, mặc nhiên cái xấu có đất để sinh sôi nảy nở, thậm chí có nơi có lúc người làm việc tốt còn bị coi là… có vấn đề!

Muốn có một TP có chất lượng sống tốt, phải có những ngôi nhà có chất lượng sống tốt, những khu dân cư có chất lượng sống tốt, những địa bàn (phường, xã, quận, huyện) có chất lượng sống tốt. Không còn cách nào khác là phải xây ngôi nhà có chất lượng sống tốt từ các ngóc ngách tận cùng trong TP và ngay từ những việc nhỏ nhất. Tôi chỉ đơn cử một việc nhỏ nhất thôi: đó là việc không xả rác ra đường. Cần phải vận động tuyên truyền, phát động thành một phong trào rộng khắp từ nhà trường, công sở, nơi vui chơi, đến tất cả các con đường, con hẻm trong TP  và phải duy trì cho đến khi nào không còn người xả rác ra đường, lúc đó mới hy vọng tiêu chí sạch, đẹp có cơ may thành công.

NGUYỄN HOÀI NAM, Namivc@yahoo.com.vn:

Sống còn lo lắng thì chưa ổn

Đọc gợi ý bộ tiêu chí TPHCM có chất lượng sống tốt, tôi thấy có 2 điểm sau chưa thấy nêu: Giá cả sinh hoạt tăng không có quy luật nào và nỗi lo lắng của người dân thường trực trong nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, giá cả sinh hoạt tăng không có quy luật nào, làm lo lắng cho những người làm công ăn lương, hưu trí, sinh viên nghèo... Nếu giá cả cứ tăng như thế, thì không bao giờ thành phố này gọi là có chất lượng sống tốt được. Vì thế, tiêu chí phải nêu cho được là “giá cả sinh hoạt luôn luôn ổn định”, nếu không muốn nói là không tăng giá trong vòng bao nhiêu năm.

Hiện nay, nỗi lo lắng trong dân thường trực trong bất cứ lĩnh vực nào. Mưa nước có ngập không? Năm nay con đi học có bị tăng học phí không? Bãi rác trước nhà không biết bao giờ được dọn vì bay mùi khó chịu quá! Buổi trưa hay ban đêm liệu có nghỉ ngơi được không vì tiếng ồn ào từ cơ sở sản xuất, tiếng karaoke nhà hàng xóm hét vang trời, còi xe bấm đinh tai nhức óc? Còn hàng ngàn chuyện khác nữa. Tiêu chí cần phải nêu rằng “dân sống trong trạng thái không còn phải lo lắng gì về cuộc sống xung quanh”, chứ nếu nói gì cũng tốt mà sống còn lo lắng thì chưa ổn.

NGUYỄN VĂN THƯỞNG, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức:

Thành phố sống tốt cần giảm tối đa khu dân cư sống kém

Chúng ta đang thực hiện mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại không ít khu dân cư sống trong cảnh ngập nước triền miên, đường sá chật hẹp, lầy lội, nhà cửa lụp xụp không được phép xây dựng vì vướng quy hoạch treo. Tổ dân phố 54A, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức là ví dụ điển hình. Người dân ở hẻm 28 Tam Bình đã góp tiền làm cống thoát nước, bê tông hóa đường hẻm, nâng mặt đường nhiều lần rồi nhưng năm sau lại ngập nhiều hơn năm trước. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản vẫn do cống thoát nước qua đê rạch Võ quá nhỏ, mà cống này lại do Nhà nước đầu tư và quản lý. Đường hẻm 28 Tam Bình bị thắt “cổ chai” ngay đoạn đầu đường nên xe cứu thương, cứu hỏa không thể vào được, khiến hàng trăm hộ dân cảm thấy bất an khi có người đau ốm phải đi viện hoặc không may xảy ra hỏa hoạn. Điều đáng nói là tình trạng trên đã được người dân phản ánh qua nhiều cuộc họp, qua các cấp phường và quận, nhưng rồi cũng chỉ nhận được sự ghi nhận chứ chưa giải quyết được gì.

Việc tháo gỡ khó khăn cho khu dân cư này nằm trong tầm tay của phường và quận, vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp. Giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo cho dân có cuộc sống khá hơn cũng là góp phần tích cực thực hiện mục tiêu “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt”.

Bài vở cho chuyên trang “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt” xin gửi về email: thanhphosongtot@sggp.org.vn hoặc địa chỉ 432 - 434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM (xin ghi rõ: Bài tham gia chương trình “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt”). Chúng tôi sẽ chọn lọc, biên tập và lần lượt đăng tải các bài viết có chất lượng trên chuyên trang ra thứ năm hàng tuần. 

Tin cùng chuyên mục