Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam vừa có văn bản gửi 3 cơ quan là Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT đề nghị cho áp dụng một chính sách mới trong việc thu và trả phí sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Theo đó, ngoài số tiền người dân phải trả cho dung lượng nước sử dụng (tính theo mét khối) theo đúng nhu cầu thực tế thì mỗi hộ dân còn phải trả thêm cho các doanh nghiệp kinh doanh cung ứng nước sạch số tiền là 15.000-20.000 đồng/tháng (đang chờ xem xét).
Tuy nhiên theo nhiều người dân, mức phí phải đóng thêm trên sẽ chẳng khác nào tiền thuê bao điện thoại cố định, điện thoại di động trả sau và nhiều khoản chi phí, lệ phí khác mà các hộ dân hiện nay đang phải chi trả.
Đây không phải là chính sách để khuyến khích tiết kiệm nước sạch, vì với giá nước sạch như hiện nay là 4.000 đồng/m³ (giá ban đầu và sẽ được tính lũy tiến) thì có những gia đình không có nhu cầu nhiều về nước sạch, gia đình đơn thân hoặc những gia đình nghèo, mỗi tháng chỉ có nhu cầu sử dụng 2-3m³ nước, tính ra hóa đơn của họ chỉ khoảng 8.000-12.000 đồng nhưng vẫn phải bỏ tiền “thuê bao” nước sạch. Thậm chí, những gia đình không sử dụng nước sinh hoạt trong tháng thì vẫn phải trả tiền “thuê bao”.
Chiều 4-1, trả lời về bất hợp lý trên, ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, theo Nghị định 117 năm 2007 về thu phí sử dụng nước sạch, Chính phủ đã quy định mức thu tối thiểu đối với một hộ dân là 4m³ nước/tháng. Hộ nào sử dụng không hết mức này cũng vẫn phải nộp. Quy định này có mặt tốt là thu dần chi phí để bảo trì sửa chữa đồng hồ, ống dẫn nước cho các hộ sử dụng nước, nhưng lại có mặt bất lợi về mối quan hệ khách hàng.
Ông Tôn cũng thừa nhận rằng, hầu hết khách hàng không đồng tình với quy định này. Và ông cũng khẳng định, những hộ sử dụng nước sạch dưới 4m³ nước/tháng là những hộ nghèo. Họ phải tìm mọi cách để tiết kiệm các chi phí tiêu dùng trong gia đình, trong đó có tiết kiệm sử dụng nước. Vì vậy, đồng hồ báo số lượng nước dùng chưa đến 4m³ mà ép họ phải trả số tiền 4m³ là điều bất hợp lý.
Chính sự bất cập này là nguyên nhân chính để hiệp hội đề nghị bỏ quy định mức thu tối thiểu 4m³/tháng hiện nay, thay vào đó là thu phí thuê bao như ngành bưu điện đã làm. Theo đó, mọi hộ dùng nước sạch đều nộp tiền thuê bao.
“Không kể hộ giàu hay hộ nghèo, đã lắp đồng hồ, có nước đến hộ sử dụng thì người sử dụng phải đóng tiền thuê bao với mức dự kiến 15.000-20.000 đồng/tháng. Có khoản tiền này, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thay đồng hồ khi bị hỏng, thay đường ống dẫn nước nếu bị nứt, vỡ…”- ông Tôn nói. Ông cũng nêu dẫn chứng một số tỉnh đã thí điểm thực hiện phương pháp thuê bao nước như Sơn La, Yên Bái.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với phương án của Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam vì cho rằng, phần lớn những hộ nghèo ở nông thôn không sử dụng tới 4m³/tháng mà bắt họ phải đóng cả tiền thuê bao và tiền sử dụng nước thì sẽ càng tốn tiền thêm, không phải là giúp họ đỡ bị thiệt thòi như lý lẽ của hiệp hội đã đưa ra. Bản thân người dân cho rằng, mức tiền thuê bao mỗi tháng không phải là nhiều song sẽ là một khoản đáng kể nếu cộng dồn cả một năm, và tính chung cả hàng chục khoản chi phí khác mà người dân đang chi trả.
Hiện tại, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT và Bộ Xây dựng vẫn chưa có quyết định về việc có chấp thuận đề xuất trên hay không.
Văn Phúc