(SGGP).- Ngày 21-1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2013” với nhận định: sau 4 năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn đang trong xu hướng bất ổn và tăng trưởng chậm.
Khảo sát của WB với khoảng 500.000 người dân Việt Nam cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là vấn đề được người dân Việt Nam quan tâm lớn nhất, xu hướng khá khác biệt so với nhiều quốc gia khác. Đa số người dân không quan tâm tới con số tăng trưởng mà người dân chỉ muốn giá cả phải ổn định, chi phí sinh hoạt hợp lý. Bởi có tới 44% người dân được khảo sát bày tỏ sự lo ngại lớn nhất là lạm phát, thay vì việc làm và thu nhập.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra, nhận định: Trước đây, Chính phủ Việt Nam có vẻ như chỉ chú trọng tốc độ tăng trưởng nhưng vài năm gần đây, Chính phủ đã chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, với việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ thận trọng. Đây là một hướng đi đúng đắn!. Dù lạc quan là vậy song, các chuyên gia nghiên cứu của WB vẫn cảnh báo vẫn còn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Đó là lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, dự trữ ngoại tệ dù đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua nhưng vẫn ở mức thấp so với các quốc gia khác trong khu vực: Sức ép về nới lỏng tiền tệ và tài khóa sớm có thể khiến cho lạm phát bùng trở lại, trong khi chất lượng tài sản của hệ thống tín dụng suy giảm...
B.Minh