(SGGPO).– Ngày 27-10, Quốc hội nghe Chính phủ trình và sau đó thảo luận về Luật quản lý ngoại thương, Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Trong số này, các ĐBQH quan tâm nhiều về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong ba lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Tuy nhiên, thẩm tra luật này, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định lại phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bảo đảm tính bao quát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp. Bởi vì Hiến pháp năm 2013 nêu rõ quyền được bồi thường là quyền Hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi hay một trường hợp cụ thể nào.
Tờ trình của Chính phủ xin ý kiến về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường theo 2 phương án: Phương án 1 cơ bản giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành, theo đó chỉ có 1 loại cơ quan là Cơ quan giải quyết bồi thường (tương tự như Cơ quan có trách nhiệm bồi thường của Luật hiện hành). Phương án 2 quy định 2 loại cơ quan liên quan đến giải quyết bồi thường là Cơ quan gây thiệt hại và Cơ quan giải quyết bồi thường. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 1 của Dự thảo Luật.
Qua 4 lần thương lượng, Tòa án và ông Huỳnh Văn Nén - người bị tù oan 17 năm vẫn chưa đạt được thỏa thuận bồi thường oan sai. Ảnh minh họa: T.L
Về thiệt hại được bồi thường, Ủy ban Pháp luật tán thành việc tăng mức bồi thường cho các thiệt hại, bổ sung một số thiệt hại được bồi thường và quy định về việc xác định thiệt hại để góp phần khắc phục những vướng mắc của việc giải quyết các vụ việc bồi thường hiện nay. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Trong thực tiễn, có những vụ việc yêu cầu bồi thường mà một số thiệt hại và mức bồi thường đã được pháp luật xác định tương đối rõ, có thể tính toán được ngay thì việc ứng trước cho người bị thiệt hại sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho họ. Tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể trường hợp nào được tạm ứng, điều kiện được tạm ứng để bảo đảm chặt chẽ, tránh việc lạm dụng quy định này.
Về phục hồi danh dự, Ủy ban Pháp luật tán thành việc mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự. Tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể trình tự, thủ tục xin lỗi, cải chính công khai ngay trong Luật này để khắc phục tình trạng “tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất”. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trong các thiệt hại được bồi thường có thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm nhưng Dự thảo Luật chỉ quy định việc phục hồi danh dự. Vì vậy, có ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự.
Về trách nhiệm hoàn trả, Ủy ban Pháp luật tán thành quy định tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định hợp lý về mức hoàn trả cụ thể để một mặt bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ, mặt khác không tạo tâm lý e ngại của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; đồng thời, đề nghị cân nhắc không nên quy định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp họ không có lỗi.
Góp ý về Luật này, đại biểu Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TPHCM cho rằng, phải theo nguyên tắc: gây oan sai phải bồi thường. Vì vậy, luật cần mở rộng phạm vi bồi thường chứ không chỉ là 3 lĩnh vực như Dự thảo nêu. Về cơ quan giải quyết bồi thường, Chính phủ đưa ra 2 phương án. Đại biểu Dương Ngọc Hải ủng hộ phương án 1, cơ quan có cán bộ công chức, người thực thi công vụ sai phải bồi thường để việc bồi thường diễn ra thuận lợi, cũng nhằm để người thực thi công vụ gây oan sai biết trách nhiệm của mình. Người gây oan sai ngoài bồi thường còn phải bị xử lý kỷ luật.
Về nguyên tắc bồi thường, Dự thảo nêu, trong quá trình giải quyết bồi thường mà có khiếu nại thì ngưng giải quyết bồi thường để giải quyết khiếu nại tố cáo, nhưng theo đại biểu Dương Ngọc Hải, quy định như vậy là không hợp lý, mà phải giải quyết song song, để việc bồi thường, xin lỗi người bị oan sai diễn ra kịp thời.
Về trách nhiệm bồi hoàn, Dự thảo có 2 trường hợp: người gây oan sai phải bồi hoàn ngay cả khi vô ý gây ra oan sai. Theo đại biểu Dương Ngọc Hải, điều này không phù hợp, vô ý gây oan sai vẫn phải bồi thường, nhưng không nên bắt người vô ý gây oan sai phải bồi hoàn. Ngoài ra, trong trường hợp cộng đồng trách nhiệm gây oan sai thì trách nhiệm bồi hoàn ra sao luật quy định chưa rõ.
Vẫn theo đại biểu Dương Ngọc Hải, thực tế, có người không chấp nhận bồi thường, đòi nâng giá bồi thường dù các cơ quan nhà nước đã chuyển tiền; hoặc có người đã chấp nhận bồi thường bằng tiền, nhưng đến khi chuyển tiền về lại đòi bồi thường bằng tài sản.. Luật cần có quy định trong những trường hợp này. Ngoài ra, luật cần bổ sung quy định bồi thường oan sai trong trường hợp người gây thiệt hại là pháp nhân thương mại. “Trường hợp bị tạm giam dài hơn thời gian bị tòa án phán quyết thì người bị tạm giam đó có bị bồi thường không cần cũng quy định trong luật”, ông Hải nêu.
|