Người giữ hồn Tây Nguyên

Trong quan niệm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, mọi vật đều có linh hồn. Vì thế, những ai đang lưu giữ những hiện vật văn hóa Tây Nguyên cũng chính là người đang giữ hồn Tây Nguyên. Chị Ngô Thị Kim Cúc (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắc Nông) là một trong những người như thế. Hơn 30 năm qua, bước chân của chị đã đi khắp các buôn làng Đắc Lắc - Đắc Nông sưu tầm những những hiện vật để thực hiện ước mong lập một bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa Tây Nguyên.
Người giữ hồn Tây Nguyên

Trong quan niệm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, mọi vật đều có linh hồn. Vì thế, những ai đang lưu giữ những hiện vật văn hóa Tây Nguyên cũng chính là người đang giữ hồn Tây Nguyên. Chị Ngô Thị Kim Cúc (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắc Nông) là một trong những người như thế. Hơn 30 năm qua, bước chân của chị đã đi khắp các buôn làng Đắc Lắc - Đắc Nông sưu tầm những những hiện vật để thực hiện ước mong lập một bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa Tây Nguyên.

Say mê sưu tầm

“Từ lúc đi làm, mình đã sưu tầm những đồ dùng quen thuộc của người Tây Nguyên. Trong những chuyến đi về các buôn làng, đồng bào thường tặng mình quả bầu, ống tre, chiếc vòng tay… Mình đem về cất giữ và ghi lại xuất xứ những đồ vật đó”, chị Cúc bắt đầu câu chuyện sưu tầm văn hóa Tây Nguyên của mình như thế. Nhưng thực ra, ý tưởng sưu tầm văn hóa Tây Nguyên của chị đã có từ thời sinh viên. Năm 1977, khi chị xuống TPHCM học Trường Lý luận và Nghiệp vụ 2 (trực thuộc Bộ Thông tin - Văn hóa cũ), bạn bè trong lớp ai cũng hỏi về Tây Nguyên. Chị nghĩ: Làm cách nào để mọi người hiểu về Tây Nguyên? Cuối cùng, chị cũng được câu trả lời đó là văn hóa. Từ đó, ý tưởng lập một bảo tàng văn hóa Tây Nguyên chợt lóe trong đầu chị.

Chị Cúc và chiếc thuyền độc mộc từng chở bộ đội vượt sông đánh Mỹ

Chị Cúc và chiếc thuyền độc mộc từng chở bộ đội vượt sông đánh Mỹ

Sau khi ra trường, về làm việc ở Phòng Bảo tàng và bảo tồn của Ty Thông tin - Văn hóa tỉnh Đắc Lắc. Công việc của chị thường phải đi đến tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Vì thế, chị có điều kiện tiếp cận và sưu tầm hiện vật văn hóa các dân tộc M’nông, Êđê, Xê Đăng… và thường hay được những chàng trai và già làng Tây Nguyên tặng kỷ vật văn hóa dân tộc mình. Mỗi kỷ vật được tặng, chị cất giữ cẩn thận và ghi lại xuất xứ của nó. Cũng có khi phải chắt chiu tiền lương để mua lại những hiện vật mà đồng bào không dùng nữa.

Đồng bào Tây Nguyên quan niệm mọi vật quanh họ đều có linh hồn. Cho nên muốn bán cái gì trong nhà mình, họ phải cúng Yàng (trời) và mổ trâu đãi làng. Như chiếc thuyền độc mộc của người Êđê ở huyện Ea H’leo, họ bán cho chị không bao nhiêu tiền nhưng chị phải mua 2 con trâu để gia chủ đãi cả làng ăn uống suốt 2 ngày liền. Tuy vậy, không phải lúc nào có tiền cũng mua được vì đồng bào chỉ bán cho những người biết quý trọng hiện vật văn hóa dân tộc mình. Cho nên đôi bông tai bằng ngà voi đã “lên nước” như ngọc của một cụ già M’nông, chị phải năn nỉ cả năm trời cụ mới nể tình nhượng lại.

Võ sư mê trống

Sau khi lấy võ sư karatedo Lê Tuấn vào năm 1985, chị Cúc lại có thêm “đồng minh” về tinh thần cũng như vật chất trên con đường sưu tầm hiện vật văn hóa Tây Nguyên. “Lúc đầu, mình cũng chẳng biết gì về văn hóa Tây Nguyên. Nhưng thấy vợ cứ miệt mài đi sưu tầm như vậy, mình thấy thương nên cũng mày mò đọc sách, nghiên cứu và đi sưu tầm cùng vợ”, anh Tuấn chia sẻ. Lúc đầu anh chỉ làm vì yêu vợ và thương vợ, nhưng lâu dần cũng trở thành niềm đam mê của anh. Đến bây giờ, anh tự nhận rằng mình đã bị “bảo tàng hóa” từ lúc nào không biết!

Là người dạy võ karatedo, anh Tuấn có nhiều môn đệ trong khắp cả tỉnh. Biết sư phụ thường hay sưu tầm hiện vật văn hóa các dân tộc, cho nên khi thấy có người bán, các môn đệ liền báo cho anh biết. “Có những lúc mình bận quá chưa xuống mua được, phải bảo học trò đặt cọc để gia chủ khỏi bán mất. Còn những học trò tốt bụng thì bỏ tiền mua tặng lại cho mình”, anh Tuấn tươi cười. Những lúc rảnh rỗi và dư được chút tiền, anh lại lặn lội vào các buôn làng để sưu tầm. Những hiện vật anh sưu tầm được nhiều nhất và thích nhất là các loại trống. Trong những năm qua, anh đã sưu tầm được hơn 100 cái trống, trong đó đặc biệt nhất là chiếc trống H’gơr (của dân tộc Êđê) có đường kính mặt trống gần 1m, với tuổi đời trên 200 năm. Bây giờ, ở những buôn làng anh hay đặt chân đến, họ thường gọi anh với cái tên: Vua trống!

Năm 2004, khi chia tách tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông, chị Cúc được phân về làm Giám đốc Bảo tàng Đắc Nông. Vì thế, mỗi tuần chị chỉ có mặt ở nhà 2 ngày cuối tuần. Một tay anh Tuấn vừa lo việc gia đình, vừa đi sưu tầm cho vợ. Chị Cúc ví von: “Người ta nói: Đằng sau sự thành công của một người đàn ông bao giờ cũng có hình bóng người phụ nữ. Nhưng đối với tôi, đằng sau sự thành công của mình bao giờ cũng có hình bóng của chồng”.

Ước mơ bảo tàng văn hóa Tây Nguyên

Sau hơn 30 năm sưu tầm, hiện bộ sưu tập hiện vật văn hóa Tây Nguyên của vợ chồng chị Cúc đã đủ để thành lập một bảo tàng tư nhân. Bộ sưu tập gồm 3 nhóm chính: dụng cụ sinh hoạt, vật trang sức và các loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên. Về dụng cụ sinh hoạt, chị đã sưu tầm được tương đối đầy đủ các vật dụng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như: ghế K’pan, gùi, bát, xà gạc, ché, thuyền độc mộc, dụng cụ săn bắt trên cạn, dưới nước… Về trang phục, có đầy đủ các loại áo quần thường ngày của nam, nữ, già trẻ các dân tộc, trang phục lễ hội và các đồ trang sức: vòng bạc, vòng đồng, khuyên tai bằng ngà voi… Nhưng có lẽ độc đáo nhất là bộ sưu tập nhạc cụ. Ngoài những bộ cồng chiêng truyền thống, chị đang lưu giữ một bộ trống trên 130 chiếc của các dân tộc Tây Nguyên.

Phần lớn những hiện vật chị sưu tầm đã có tuổi đời hơn 100 năm. Thậm chí, nhiều hiện vật ngay cả những bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên cũng không có được như: Chiếc áo bằng vỏ cây rừng dùng để mặc khi đi săn voi của các thợ săn M’nông xưa, chiếc thuyền độc mộc dài hơn 10m của đồng bào M’nông, đôi bông tai bằng ngà voi đã “lên nước” như ngọc, chiếc lao săn cá sấu của một thợ săn M’nông ở huyện Krông Nô... Ngoài ra, có nhiều hiện vật mang giá trị về lịch sử như chiếc thuyền độc mộc chị đã mua lại của một gia đình M’nông ở vùng giáp ranh giữa 2 huyện Ea H’leo, Buôn Đôn (Đắc Lắc) với nước bạn Campuchia. Vào những năm 1970, bà con buôn làng ở đây đã dùng chiếc thuyền này chở nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng vượt sông đánh Mỹ - ngụy. Chị Cúc cho biết, nếu sau này tỉnh Đắc Nông xây dựng xong bảo tàng thì sẽ để lại cho tỉnh một số hiện vật quý của đồng bào M’nông để trưng bày. Trước đây, hầu hết những hiện vật của chị sưu tầm đều phải cất giữ trong kho vì chưa có điều kiện giới thiệu đến mọi người.

Cách đây 2 năm, vợ chồng chị đã mở quán cà phê Tây Nguyên điểm hẹn ngay cạnh nhà (ở số 45Bis Phạm Hồng Thái, TP Buôn Ma Thuột) và đem một số hiện vật ra trưng bày phục vụ thực khách uống cà phê cùng thưởng thức văn hóa Tây Nguyên. Biết tiếng, nhiều người đã đến đây tham quan, tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên. Tháng 2 vừa rồi, chị Cúc được nghỉ hưu và chị đang thực hiện ước mơ xây dựng một bảo tàng văn hóa Tây Nguyên của mình.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục