Kỷ niệm 35 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

Người giữ kho báu hình ảnh chiến tranh

Người giữ kho báu hình ảnh chiến tranh

Cụ Nguyễn Khắc Cần vừa kết thúc chuyến đi Mỹ dài hơn ba tháng. Với tuổi ngoài 75, tóc bạc như cước, cụ có gương mặt hiền, phúc hậu. Cụ như trẻ lại khi tiếp tôi tại phòng làm việc ở nhà riêng.

-Du lịch dài ngày như thế thật bổ ích, nhưng khoản kinh phí hẳn là tốn kém?

Người giữ kho báu hình ảnh chiến tranh ảnh 1
Cụ Nguyễn Khắc Cần tại nhà riêng

-Tôi không mất một đồng xu bởi Hội Những người yêu sách Hoa Kỳ mời tôi. Tôi cũng không ngờ, trong thư viện của Quốc hội Hoa Kỳ có đầy đủ những cuốn sách tôi đã thực hiện như: “Hình ảnh Việt Nam”, “Văn hóa Việt Nam qua 700 hình ảnh”, “Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ”, “Việt Nam qua tranh khắc Pháp”, “Việt Nam qua bưu ảnh Pháp” và đặc biệt là cuốn “Việt Nam cuộc chiến 1858 - 1975” dày 358 trang, in ba thứ tiếng (Việt - Anh - Pháp), do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản năm 2001...

Ngừng giây lát, cụ tiếp:

Có sang bên đó mới thấy họ quan tâm đến sách, trong đó có cuốn “Việt Nam cuộc chiến 1858 - 1975” của tôi. Trụ sở Quốc hội to và đẹp nhưng thư viện của Quốc hội cũng to đẹp không kém. Đặc biệt là các sách “trên trời dưới biển” họ đều có hết. Các nghị sĩ hay bất kỳ ai muốn đọc và nghiên cứu, xin cứ việc.

-Cụ có biết vì sao họ quan tâm không?

-Tôi cho rằng cuốn sách này nói về cuộc chiến tranh Việt Nam trong khoảng thời gian 117 năm nhưng quá nửa cuốn sách đề cập đến cuộc chiến tranh và sự có mặt của quân đội Mỹ ở Việt Nam, hình thành hai tuyến: Người Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam và dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Nước Mỹ là một cường quốc hàng đầu thế giới nhưng kết cục phải rút khỏi miền Nam không điều kiện và kết thúc bằng một “Điện Biên Phủ trên không” với chỉ 12 ngày đêm tại thủ đô Hà Nội.

Riêng phần nói về Điện Biên Phủ trên không, tôi cũng dành gần 30 trang sách để khắc họa cuộc chiến với những tư liệu khá kỹ, với hình ảnh về tình hình chiến sự diễn ra từng ngày giữa lực lượng phòng không Việt Nam và không quân Mỹ.

-Thời kỳ ấy cụ ở đâu và kho sách để ở đâu, trong khi có lệnh sơ tán triệt để, nhà lại sát ga Hàng Cỏ là mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ?

-Tôi chuyển sách về sơ tán ở một vùng quê, còn tôi thì khi đi khi về để sưu tầm hình ảnh và tư liệu diễn biến chiến sự từng ngày giữa ta và địch và tranh thủ ghi nhật ký bằng những dòng tin vắn tắt như: “Trong cuộc không tập 12 ngày đêm liên tục vào Hà Nội, Mỹ huy động tới 193 máy bay B.52 đánh phá miền Bắc. Trung bình một ngày có từ 300 đến 350 lượt máy bay đánh phá. Trong chiến dịch “Hà Nội, Điện Biên Phủ trên không”, quân dân miền Bắc đã hạ 77 chiếc, trong đó có 30 chiếc B.52. Riêng Hà Nội hạ 23 chiếc B.52, 2 chiếc F.111 “cánh cụp cánh xòe” và 5 chiếc  khác...”.

-Thưa cụ, trong cuốn “Hồ Chí Minh - nhà dự báo thiên tài” của tác giả Trần Đương công bố bắn rơi là 81 chiếc (có 34 máy bay B.52 và 5 máy bay F.111A “cánh cụp cánh xòe”), như vậy số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi không đồng nhất như trong sách của cụ?

-Đúng vậy. Số liệu của tôi là bám sát, khi kết thúc chiến sự trong “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội. Con số ông vừa nêu có nhỉnh hơn đôi chút cũng là dễ hiểu, bởi trong sách của tôi còn công bố thêm một chiếc bị bắn rơi nhưng khi ấy chưa xác định được chính xác điểm rơi. Vậy thôi.

Để khẳng định mức độ ác liệt và nguy hiểm đối với không quân Mỹ tôi đã “tóm” được đoạn hồi ký của viên đại úy phi công Giôn-mi-đơ kể lại: “... Từ trong máy bay, tôi nhìn thấy 15 quả tên lửa lần lượt bay lên vây quanh máy bay B.52 của tôi. Tôi cố sức tránh được 14 quả. Đến quả thứ 15 thì máy bay bị dính  tên lửa. Tôi cố điều khiển máy bay được thêm 48 phút nữa, qua Lào sang Thái Lan, chúng tôi nhẩy dù ra và thoát chết! Hà Nội quả thật là vùng “Tọa độ lửa”!

Sách “Việt Nam cuộc chiến 1858 - 1975” của cụ Cần được tiến hành bằng những lời chú dẫn khá kỹ lưỡng như vậy, minh họa bằng những tấm ảnh rất sinh động và hấp dẫn.

Có lẽ đó là nguyên nhân chính để họ mời cụ đi hầu khắp các bang của Hoa Kỳ để cụ nói chuyện về sách cũ, sách cổ, sách hôm nay và các chủ đề: lịch sử, chiến tranh, văn hóa xã hội, giáo dục... của Việt Nam.

Mặc dù sự kiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” diễn ra cách đây đã 35 năm nhưng cụ Cần vẫn nhớ như in trong óc.

Bằng giọng trầm tư, cụ nhớ lại: “Đêm ấy mùa đông, trời se lạnh. Gió bấc hun hút thổi, kèm theo những hạt mưa lâm thâm. Tiếng bom, đạn pháo, tên lửa thi nhau nổ. Bầu trời Hà Nội chớp giật liên hồi. Bỗng từ phía Tây Nam, một quả tên lửa đỏ lừ bay vun vút vào màn đêm, mấy giây sau một tiếng nổ ầm vang, bầu trời rực sáng. Một chiếc B.52 bị “cắt” làm hai khúc bốc cháy đùng đùng và rơi xuống đất... Lại một quả tên lửa khác bay vút lên, rồi một chiếc B.52 nữa vỡ tan thành nhiều mảnh và bốc cháy. Màn đêm ánh lên các tia lửa xanh, đỏ, tím vàng như pháo hoa. Qua ánh lửa của những đám cháy bùng lên, thấp thoáng vài chiếc dù phi công Mỹ treo lơ lửng trên bầu trời...”.

HOÀNG KIM ĐÁNG

Tin cùng chuyên mục