

Dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, tiếng hát của Căn Giêng như vút cao hơn, trải lòng hơn và cũng từ đó thấm vào lòng người. Căn Giêng ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, năm nay đã 70 tuổi, vẫn hát rất hay các làn điệu dân ca dân tộc Pa Kô. Mấy mươi năm trước, tiếng hát của người phụ nữ này không chỉ làm xiêu lòng bao thanh niên tuấn tú của bản làng, mà còn là nguồn động viên lớn cho lớp lớp người theo Đảng, theo Bác Hồ đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bây giờ, giọng hát của Căn Giêng là sự khích lệ sâu sắc để cháu con ôn lại truyền thống anh hùng, vượt mọi khó khăn, vươn lên làm giàu trên quê hương mình.
- Tiếng hát siết chặt vòng tay
Anh em dân tộc ba miền/ Cùng nhau siết chặt nối liền vòng tay... Trong tiếng khèn dìu dặt, nghệ nhân Căn Giêng cất tiếng hát trước khi kể lại câu chuyện về mình. Gia đình bà không có ai theo âm nhạc, nhưng bà thì năm 16 tuổi không những biết hát, mà còn hát rất hay những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Với Căn Giêng, âm nhạc là nguồn động viên lớn trong lao động và chiến đấu.
Căn Giêng vẫn nhớ như in, những buổi lên nương rẫy trỉa hạt ngô, hạt lúa để nuôi sống bản làng và bộ đội Trường Sơn, bà cùng nhiều trai bản bao giờ cũng vừa làm vừa hát. Hay những đêm vừa im tiếng súng, bà liền kéo chị em trong bản tổ chức giao lưu văn nghệ với các anh bộ đội. Động viên các anh vượt qua gian khổ, đau thương mất mát, một lòng quyết tâm đi đến cùng lý tưởng của Bác Hồ kính yêu “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một...”, tất cả được bà làm bằng… tiếng hát. Những làn điệu dân ca Pa Kô và niềm đam mê âm nhạc đã giúp Căn Giêng có được giọng hát hay nhất vùng. Rồi bà có mặt khắp các chiến trường miền Trung, miền Nam, qua khắp dãy Trường Sơn… đem tiếng hát của mình làm niềm vui, niềm động viên cho đồng bào, cho bộ đội trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ-ngụy.
Bà kể: Hồi ấy vất vả nhưng vui lắm, cả ngày băng rừng, lội suối gùi lương thực, vũ khí nhưng cứ đêm đến là tụ tập dưới tán cổ thụ rừng Trường Sơn, đội văn nghệ hơn 20 người của xã Tà Rụt lại say sưa múa hát trong tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của các anh bộ đội. Có chuyến bà sang tận đất Tà Muồi bên nước bạn Lào. Đêm ở lại cùng dân bản, đồng bào yêu cầu góp vui, thế là bà hát, múa cho tới sáng trong ánh lửa bập bùng, thắm đượm nghĩa tình anh em Việt- Lào…
- Ta sống vui dưới ngôi nhà chung
Sau ngày đất nước thống nhất, dù vất vả với cuộc mưu sinh, nhưng chưa bao giờ tiếng hát mất đi trong trái tim yêu nghệ thuật truyền thống đến cháy lòng của Căn Giêng. Sau những lúc lên rẫy, bà tranh thủ học hát tất cả các làn điệu dân ca dân tộc Pa Kô, luyện giọng cùng các nghệ nhân âm nhạc tên tuổi trong vùng. Ngoài những làn điệu truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, gắn bó đùm bọc giữa các dân tộc anh em, bà còn hát rất thành công các làn điệu dân ca nổi tiếng của dân tộc Pa Kô như: Cà lơi - Cha chấp, Xiêng, A Un, Caraun, Terate’k, Kanake’t, Ra Zok, Caracadoi, T’rel... Đó là những bài ca ngợi tình yêu đôi lứa, sự lao động chân chính và ngợi ca núi rừng đã chở che con người khỏi tai ương, hiểm họa...
Tôi hỏi Căn Giêng: Mai này liệu có ai hát dân ca Pa Kô hay như bà? Bà bảo: “Lớp trẻ Pa Kô giờ thích nhạc trẻ nên không mặn mà với làn điệu dân ca. Nhưng tôi tin, nhờ sự giáo dục của Đảng, Nhà nước, bọn trẻ sẽ hiểu được giá trị đích thực của dân ca Pa Kô mà lưu giữ, bảo tồn chúng. Những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các xã Tà Rụt, A Ngo, A Bung... đều có đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, biểu diễn các làn điệu dân ca Pa Kô đó chứ”. |
Nhấp một tách trà, Căn Giêng lại cất giọng ngọt ngào, sâu lắng: “Anh ơi hãy đến ta cùng chung một lời ca/ Hãy đến đây cùng thức ngắm trăng/ Em mong mỏi chờ anh sao anh không đến”... Bà cho biết: “Đó lời hát Xiêng, thể hiện nỗi nhớ nhung da diết của cô gái Pa Kô với người yêu. Nhưng người con trai thấu hiểu nỗi lòng của người yêu, song vì mặc cảm với cái nghèo nên, “Em ơi, anh nghèo, anh không dám đến/ Áo vá mười lỗ, khố chắp mười đốt....”. Căn Giêng bảo, muốn hát Xiêng hay phải có khèn bè thổi đệm mới thể hiện hết cái hồn của câu hát, lời ca mới hòa quyện cùng gió núi bay qua nương rẫy đến với người mình yêu thương. “Lúc thằng Pháp, thằng Mỹ cướp phá quê hương, người Pa Kô nghèo lắm, không có nước sạch để uống, không có đất để làm nương rẫy nên áo vá mười lỗ, khố chắp mười đốt là vì vậy.
Nhưng giờ đã khác, Đảng là ngọn gió mát lành, là dãy núi Trường Sơn vững chãi và thiêng liêng giúp cho đồng bào hết đói, hết khổ”- bà nói say sưa và cất giọng hào sảng: “Đakrông đang vươn mình/ Đây màu xanh bao trái tim đang chờ mong/ Đây dòng sông Krông Klang ta cùng yêu/ Ruộng rẫy đang cho hạt no/ Đảng cho ta cuộc đời/ Ta quyết tâm theo Đảng ta/ Tay nắm tay hỡi người ơi/ Em đẹp làm sao giữa ánh trăng đang chờ anh/ Ôi nay đời ta về với nhau đang nở hoa/ Cùng nắm tay ta càng yêu/ Kinh, Pa Cô, Bru Vân Kiều/ Ta kết duyên thôi nàng ơi/ Ta sống vui dưới ngôi nhà chung”.
PHAN HÀ LINH