“Người hùng” trong mỗi trận chiến

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) được xem là “khắc tinh” của “giặc lửa”, là “thần cứu mạng” của dân khi phải đối mặt với các tình huống xấu, sự cố cháy, nổ, hiểm họa xảy ra.
“Người hùng” trong mỗi trận chiến

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) được xem là “khắc tinh” của “giặc lửa”, là “thần cứu mạng” của dân khi phải đối mặt với các tình huống xấu, sự cố cháy, nổ, hiểm họa xảy ra.

Để làm được những điều kỳ diệu ấy, mỗi cán bộ - chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH TP không chỉ giỏi chuyên môn, bản lĩnh, mà còn tỉnh táo trong mọi tình huống để đưa ra phương án chiến đấu sáng suốt nhất, trong đó Trung tâm chỉ huy (Cảnh sát PCCC TPHCM) luôn được biết đến là đơn vị giữ vai trò số 1.

“Chiếc la bàn” trong chiến đấu

Trưa, nhiều phòng ban ở trụ sở Cảnh sát PCCC TPHCM đóng cửa. Tại phòng tổng đài 114 của Trung tâm chỉ huy, cửa vẫn mở toang, ở bên trong, 5 cán bộ (3 nam, 2 nữ) vẫn trong tư thế tập trung, sẵn sàng để tiếp nhận tin báo sự cố từ người dân và các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu. Vừa cầm ly cà phê trên tay, chưa kịp uống, Trung úy Nguyễn Thanh Bình vội thả xuống bàn để nghe điện thoại khi chuông chưa reng hết hồi đầu tiên. “A lô, tổng đài 114 xin nghe”, giọng Trung úy Bình dõng dạc. “Một nhà dân trong hẻm 56 đường An Bình, quận 5 đang cháy lớn chú ơi”, đầu dây bên kia - một phụ nữ báo tin. Nghe vậy, Trung úy Bình nhanh miệng hỏi lại: “Xin chị cho biết cụ thể số nhà”.

Trực chiến tại Trung tâm chỉ huy

Trong lúc người báo tin lúng túng chưa trả lời được, Trung úy Bình tinh nhạy điện thoại hỏi ngay Công an phường 6, quận 5 để nắm cụ thể địa chỉ nhà bị cháy - 12/28B đường Nguyễn Văn Đừng. Lúc này, các cán bộ còn lại trong phòng trực liên tục thao tác trên máy, người điện báo cho đơn vị chữa cháy gần nhất, người thống kê và định vị các trụ nước chữa cháy xung quanh căn nhà bị cháy, người điện báo ban giám đốc để xin ý kiến triển khai phương án dập lửa tối ưu… Tích tắc, các thông tin cần thiết được Trung tâm chỉ huy chuyển đến các bộ phận trực tiếp chữa cháy. 20 phút sau, người phụ nữ báo tin ban đầu lại điện vào tổng đài 114, giọng không còn lúng túng mà hớn hở: “Cảm ơn chú cảnh sát, lính cứu hỏa đã dập tắt lửa, không có ai chết và bị thương. Cảm ơn nhiều lắm”. Nghe vậy, Trung úy Bình thở phào, quay sang cười tươi: “Hạnh phúc của tụi em chỉ có vậy thôi”.

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, tuy không trực tiếp chiến đấu nhưng Trung tâm chỉ huy (Cảnh sát PCCC TPHCM) lại giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ứng phó với các sự cố, tình huống xấu, nhất là cháy, nổ, CNCH. Bởi lẽ, nếu một trong số các nhiệm vụ của trung tâm (tiếp nhận tin, chỉ đường đi gần nhất, đưa phương án tác chiến…) bị chậm, chệch, thiếu, hoặc không chính xác thì tính hiệu quả trong chiến đấu giảm đi rất nhiều, thậm chí phản tác dụng, mà trong cháy nổ đôi khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng con người. Chính vì vậy, tại Trung tâm chỉ huy, các cán bộ chiến sĩ không cho phép mình thiếu chuẩn trong công việc dù chỉ 1 giây, hay một con số nhỏ nhất. Đó là trách nhiệm nghề nghiệp và còn là cái tâm của người cảnh sát PCCC đối với dân.

Trong hàng trăm câu chuyện cứu người của người lính cứu hỏa TP, Thượng úy Nguyễn Thị Sim kể lại câu chuyện cứu sống 2 cụ già 70 tuổi mắc kẹt trong nhà bị cháy nằm cuối hẻm 80 Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) vào tối 2-6: “Tối đó, tôi vừa nhấc điện thoại nghe, đầu dây bên kia - giọng một người nữ nói như hấp hối. Chị này cho biết sống cạnh căn nhà đang cháy, trong nhà có 2 cụ già chưa thoát được ra ngoài. Nghe vậy tôi cũng bị cuống theo”. Tuy nhiên, bằng tinh thần “thép” của người lính, Thượng úy Sim vẫn cố giữ bình tĩnh, điện cho đơn vị chữa cháy gần nhất và chỉ lộ trình tiếp cận căn nhà bị cháy một cách cụ thể để lực lượng chữa cháy và CNCH di chuyển nhanh. “15 phút sau, đang lúc lo lắng, bộ đàm của chỉ huy hiện trường báo về, đã cứu thành công hai người ra khỏi đám cháy và cho biết nếu báo cháy chậm khoảng 2 phút, tính mạng hai nạn nhân khó đảm bảo. Lúc đó, tôi như vỡ òa hạnh phúc”, Thượng úy Sim kể lại.

Sẵn sàng trước mọi sự cố

Không chỉ cứu người trong lửa, nạn nhân đuối nước trên sông, biển, cán bộ chiến sĩ Trung tâm chỉ huy còn góp sức mình cứu sống cả người bị tai nạn giao thông, bị đâm chém. Đầu năm 2015, ba tổng đài 113 (cảnh sát phản ứng nhanh) - 114 (cứu hỏa) - 115 (cấp cứu) sáp nhập, hỗ trợ thông tin. Điều này đồng nghĩa với việc trách nhiệm công việc của cán bộ chiến sĩ Trung tâm chỉ huy nặng nề hơn, vất vả hơn. Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi nụ cười tươi trong mỗi giờ làm việc, đặc biệt còn góp phần cứu sống nhiều nạn nhân khi làm tốt nhiệm vụ - báo tin sớm. Nói như Trung tá Nguyễn Mạnh Trưởng (Phó phòng Tham mưu, phụ trách Trung tâm chỉ huy) là “việc nhiều, giúp được nhiều người bị nạn thì hạnh phúc của mình sẽ tròn đầy hơn, cuộc sống này sẽ ý nghĩa hơn, mình sẽ mãi làm việc tích cực, hết mình để công việc luôn đạt được kết  quả tốt nhất”. Có lẽ sống và làm việc hết mình như vậy nên gần như tất cả các tin báo đến tổng đài tổng (113-114-115) đều được các cán bộ chiến sĩ Trung tâm chỉ huy can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

Một ngày tháng 5-2016, tổng đài tổng (113-114-115) tiếp nhận tin báo từ một phụ nữ báo tin con gái mình bị bắt cóc. Tuy nội dung tin báo không thuộc lĩnh vực chuyên trách của đơn vị, thế nhưng sau khi chuyển thông tin đến công an địa phương, Trung tâm chỉ huy cũng lập tức đề xuất đơn vị chữa cháy gần nhất triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận khu vực bé gái bị bắt cóc (công viên Lê Thị Riêng, quận 10), phối hợp cùng Công an quận 10, Phòng Cảnh sát Phản ứng nhanh Công an TPHCM tổ chức giải cứu bé gái. Kết quả, cuộc giải cứu thành công, bé gái được trở về với cha mẹ an toàn trước khi bị kẻ xấu xâm hại. Đây là một trong số hàng trăm lần hỗ trợ các đơn vị y tế, cảnh sát khác tổ chức cứu người thành công ở nội dung tin báo ngoài lĩnh vực chuyên trách của cán bộ chiến sĩ Trung tâm chỉ huy.

Công việc tại Trung tâm chỉ huy luôn vất vả, lịch trình làm việc xuyên suốt ngày đêm, tuy vậy mỗi cán bộ chiến sĩ Trung tâm chỉ huy (Cảnh sát PCCC TPHCM) chưa một lần chủ quan, có thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực với dân, hay vi phạm trong nghiệp vụ. Trung tá Nguyễn Mạnh Trưởng cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công việc, ngoài việc thường xuyên quán triệt tư tưởng, cung cách làm việc cho cán bộ, lãnh đạo Phòng Tham mưu còn kiến nghị Ban giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM trang bị, đưa vào sử dụng nhiều thiết bị, máy móc hiện đại. Trong đó, hệ thống cảnh báo cháy G-SAPE được kết nối rộng rãi từ trung tâm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhờ đó các nguy cơ cháy được xử lý ngay khi mới phát sinh, hạn chế cháy nổ xảy ra và hậu quả để lại.

Thực tế cho thấy, trong cuộc chiến chống “giặc lửa”, ứng phó với các tai nạn, sự cố của Cảnh sát PCCC TPHCM và các lực lượng nghiệp vụ ở TPHCM, các cán bộ chiến sĩ Trung tâm Trung tâm chỉ huy luôn giữ vài trò quan trọng, họ xứng đáng được mang tên gọi “Người hùng trong mỗi trận chiến”.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục