Kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 – 23-11-2012)

Người lãnh đạo cách mạng luôn hết lòng vì dân

Tối 22-11, tại quảng trường TP Vĩnh Long, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, lãnh đạo các quân khu, các tỉnh thành và đông đảo cán bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã về dự lễ.
Người lãnh đạo cách mạng luôn hết lòng vì dân

(SGGP).- Tối 22-11, tại quảng trường TP Vĩnh Long, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, lãnh đạo các quân khu, các tỉnh thành và đông đảo cán bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã về dự lễ.

Đồng chí Võ Văn Kiệt. Ảnh: Đồng Đức Thành

Đồng chí Võ Văn Kiệt. Ảnh: Đồng Đức Thành

Đọc diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ôn lại cuộc đời, thân thế sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người chiến sĩ kiên trung, người lãnh đạo cách mạng luôn hết lòng vì dân, cuộc đời gắn liền những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng, oanh liệt và vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí thường xuyên kiên trì học tập, nghiên cứu, thực hành tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người; luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn cách mạng, bằng tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đã có những đóng góp to lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn ngàn khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên phía trước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Hồng Anh đã nêu rõ: “Học tập tấm gương đạo đức, tư duy sáng tạo, bản lĩnh cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt, chúng ta nguyện dốc lòng dốc sức, tiếp tục thực hiện ước mơ, hoài bão của đồng chí Võ Văn Kiệt, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”.

Trước đó, tại TPHCM và Vĩnh Long đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt. Đó là hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam”; khánh thành công trình nâng cấp, cải tạo đường vào UBND xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, quê hương đồng chí Võ Văn Kiệt; lễ đặt tên đường Võ Văn Kiệt tại TP Vĩnh Long; tổng kết cuộc thi tìm hiểu thân thế sự nghiệp đồng chí Võ Văn Kiệt; Liên hoan đờn ca tài tử các tỉnh Nam bộ và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác.

Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt. Ảnh: Duy Khương

Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt. Ảnh: Duy Khương

Sáng nay 23-11, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và mít tinh kỷ niệm 72 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11- 2012) tại huyện Vũng Liêm.

Minh Trường


Rất nhớ chú Kiệt!

Ngày 23-11-2012 này, chú Kiệt tròn 90 tuổi. Mặc dù chú đã về với thế giới người hiền từ 11-6-2008 nhưng những người ở lại thì không nguôi nhớ chú, chân dung chú như được khắc họa thêm, dấu ấn của chú như được in sâu đậm hơn.

Vùng đất Trung Hiệp, Vũng Liêm, Vĩnh Long đã sản sinh ra một người con mà tên tuổi và sự nghiệp mang tầm vóc lớn - vừa cao đẹp - vừa lại quá đỗi gần gũi, thân thương.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư Liệu

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư Liệu

Trong suốt cuộc hành trình, từ tuổi thiếu thời tham gia phong trào Thanh niên phản đế, rồi vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938, lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ ở Vũng Liêm năm 1940, cướp chính quyền năm 1945 ở Rạch Giá, làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu 1950, Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định 11 năm trong kháng chiến, làm Bí thư Khu ủy Khu 9 (Tây Nam bộ), Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM… cho đến khi làm Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ nào cũng có những minh chứng sáng tạo, những cống hiến lớn và để lại dấu ấn.

Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, chú đã chỉ đạo thí điểm việc giao lưu kinh tế giữa hai vùng - vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng, đem lại lợi ích thiết thực cho cách mạng và người dân, góp phần làm thay đổi chủ trương bao vây kinh tế không phù hợp lúc bấy giờ.

Khi làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng địa bàn chiến lược, tạo thế trận, gắn kết chặt chẽ phong trào nội thị, ven đô và vùng nông thôn Đông Nam bộ; đã chỉ đạo phong trào, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, tạo nên “vành đai đỏ”, làm bàn đạp để các lực lượng biệt động đứng chân tiến hành hoạt động ở nội đô và sau này là nơi tập kết quân chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nơi triển khai 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn 1975.

Khi làm Bí thư Khu ủy Khu 9 đã có những chỉ đạo sắc bén trong việc “nhổ” đồn bót địch và sau Hiệp định Paris 1973 thì quyết chống địch lấn chiếm, bởi lẽ “để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”.

Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong thời xây dựng đất nước thì rất nhiều như những kỳ tích: “Xé rào” lo gạo cho dân, lo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, sản xuất “bung ra”, lo cứu ngành y tế và phát triển văn hóa, giáo dục…; các công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây 500kV Bắc - Nam; các công trình giao thông như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận; các dự án, chương trình lớn: khai thác, phát triển Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Nhiều người cho rằng chú Kiệt là một nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn - dấu ấn gắn với công việc được giao qua những chặng đường cách mạng, dấu ấn gắn với những công trình ích nước, lợi dân, dấu ấn của con người tiên phong, bất chấp hiểm nguy và những thử thách khốc liệt cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Chú Kiệt được xếp là một nhà cải cách, đổi mới mang tầm chiến lược, có những quyết sách có tính mở đường trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Các nhà ngoại giao của đất nước cho rằng chú Kiệt là người góp phần đưa Việt Nam ra thế giới, thể hiện tư tưởng vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, tranh thủ thời cơ đưa đất nước thoát nghèo, đuổi kịp các nước đi trước. Việc phá thế bị bao vây, cô lập, xúc tiến bình thường hóa với Mỹ, gia nhập ASEAN… có công lớn của chú. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon từng nhận xét: “Như một động lực chính cho những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng”.

Chú Kiệt được mệnh danh là một “tổng công trình sư” của thời kỳ đổi mới cùng với chú Nguyễn Văn Linh và các nhà lãnh đạo cùng thời, lớp học trò kế cận của Bác Hồ, khắc họa một thế hệ những nhà lãnh đạo một lòng, một dạ vì dân, luôn có niềm tin vững chắc vào những quyết sách của mình, bởi những quyết sách ấy có lợi ích nhân dân trước hết, trên hết và tất cả.

Chú Kiệt là người biết lắng nghe và dám quyết - bởi những quyết định có hàm lượng tri thức khoa học, có thực tiễn cuộc sống và còn có cả những ân tình, khát vọng của nhân dân.

Chú Kiệt luôn được nhắc, nhớ như một con người gần gũi, thân thương, quý trọng đối với mọi người thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, ở các dân tộc, tôn giáo khác nhau, ở mọi thành phần, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Một nhà lãnh đạo có sức cảm hóa, thu phục nhân tâm với tinh thần hòa hợp dân tộc sẽ tạo nên sự đồng thuận vì sự phát triển đi lên của đất nước. Điều mà chú Kiệt luôn tâm đắc là sức mạnh đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước.

Chú Kiệt đi vào cõi nhớ với hình ảnh một nhà lãnh đạo có đầu óc canh tân, nụ cười hồn hậu, tấm lòng vì con người, vì đất nước. Chú Kiệt đã đi xa nhưng trong tâm tưởng mọi người vẫn thấy như luôn có nguồn động viên, khích lệ của chú. Làm gì cũng sợ trách nhiệm, thiếu lửa nhiệt huyết, thiếu cảm hứng sáng tạo… thì khó có hiệu quả và thành công. Cần học và làm theo chú - một trong những học trò xuất sắc của Bác Hồ - một tấm gương - một cuộc đời dâng hiến.

Ngày nay, hệ thống pháp luật của đất nước khá đầy đủ nhưng còn có những cơ chế ràng buộc gây cản trở cho sự phát triển cần được tháo gỡ. Có những vấn đề cần có địa chỉ trách nhiệm. Có những điển hình, nhân tố mới, ý tưởng sáng tạo… cần được người lãnh đạo sâu sát cơ sở phát hiện, lắng nghe… Tất cả để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, tránh tụt hậu xa hơn. Và cũng để vun đắp thêm niềm tin của nhân dân.

Những ngày này, nghĩ về chú và thấy nhớ chú rất nhiều, chú Kiệt ơi!

Phạm Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục