Người lính già với nghĩa tình đồng đội

Người lính già với nghĩa tình đồng đội

Từ 16 năm nay, có một người lính già ngày ngày cần mẫn gửi những bức thư báo thông tin về phần mộ cho gia đình và thân nhân liệt sĩ, đưa họ đi tìm hài cốt liệt sĩ. Nhờ vậy mà gần 60 gia đình đã tìm thấy hài cốt của người thân, đưa về quê nhà.

Hành quân khắp nẻo Trường Sơn

Người lính già với nghĩa tình đồng đội ảnh 1

Ông Mai Lệ với tấm bản đồ đánh dấu những địa điểm đi tìm hài cốt đồng đội

Ông là trung tá quân đội Mai Lệ, sinh năm 1937, ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Năm 1959, ông Lệ nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường khu B. Đơn vị ông luôn có mặt trong những trận đánh ác liệt tại các điểm nóng trên chiến trường. Mỗi trận đánh, ông lại phải chứng kiến nhiều đồng đội của mình hy sinh anh dũng. Tự tay ông chôn cất biết bao đồng đội với nhiều kỷ niệm gắn bó. Giấy tờ, tư trang của người ngã xuống được ông cất giữ cẩn thận, phần mộ của các liệt sĩ ông Lệ cũng đánh dấu kỹ để sau này, khi có điều kiện, ông sẽ báo tin cho người thân của họ.

Hơn mười năm chiến đấu tại các chiến trường Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam… cuốn sổ tay ông Lệ dùng ghi chép những thông tin về phần mộ, quê quán của những đồng đội hy sinh đã kín một nửa.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần theo địa chỉ, ông Lệ tìm đến gia đình của đồng đội đã hy sinh, an ủi, động viên, trao cho họ những kỷ vật của người đã mất và thông tin về mộ phần của các liệt sĩ. Ông vẽ sơ đồ chỉ cho họ nơi chôn cất liệt sĩ để họ đưa hài cốt về.

Gian nan nhất là những ngôi mộ nằm sâu trong rừng già, ông phải dẫn thân nhân liệt sĩ đi đến tận nơi, nghiên cứu lại sổ tay, có trường hợp phải lặn lội cả tháng trời mới tìm ra. “Nhiều năm rồi, cây cối mọc um tùm khiến tôi khó xác định vị trí. Các ngôi mộ nằm trong rừng sâu, tự tay tôi chôn mà giờ còn khó tìm ra thì huống gì là người nhà đi tìm. Thế nên mình phải đi giúp họ” – ông Lệ cho biết.

Trách nhiệm với đồng đội

Chuyến đi khiến ông Lệ nhớ nhất đó là lần tìm hài cốt liệt sĩ Lưu Quang Chương, mất năm 1969. Mộ phần của liệt sĩ nằm gần Đá Chồng, thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là khu vực rừng núi hiểm trở ở độ cao 1.026m. Đoàn đi có năm người, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ như một cuộc hành quân: ba lô, gạo, võng, dù, bạt… Cảnh quan nơi đây đã thay đổi nhiều quá, những lối mòn đã bị cỏ dại phủ kín, ông Lệ dựa trên bản đồ dẫn mọi người xé rừng để đi.

Suốt bảy ngày trong rừng, gạo và lương khô mang theo đã hết, trong lúc mọi người chuẩn bị quay lại thì may mắn gặp được một người thợ săn… Cuối cùng hài cốt liệt sĩ Quang Chương cũng được tìm thấy, mang về chôn cất ở quê nhà Quảng Trị.

Ngoài các chuyến dẫn thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện, ông Lệ còn đứng ra xin trợ cấp của địa phương, tổ chức đưa hài cốt về. 16 năm qua, nhờ các thông tin thu thập của ông, đã có 59 gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt thân nhân, riêng ông Lệ đã có 24 chuyến đi trực tiếp, đưa các gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Tranh thủ những chuyến đi của mình, ông Lệ thường xuyên ghé vào các nghĩa trang liệt sĩ, tìm thông tin của những liệt sĩ quê ở các tỉnh phía Bắc ghi nhận thông tin, để về báo cho thân nhân của họ. “Có lần ghé viếng nghĩa trang Quế Phong (Quảng Nam), thấy tôi cứ lê la ghi những thông tin trên bia mộ giữa trưa, người của ủy ban xã biết chuyện, họ liền in cho tôi một bảng danh sách đầy đủ tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ nằm ở nghĩa trang xã.

Nhờ vậy, tôi đỡ phải mất thời gian” – ông Lệ kể. Hiện giờ, ông Lệ đang có bảng danh sách hơn 300 mộ liệt sĩ quê các tỉnh phía Bắc hy sinh trên chiến trường khu B. Hàng ngày, bằng nhiều cách khác nhau, ông tìm cách báo tin cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Cảm động với tấm lòng và nghĩa cử của ông Lệ, nhiều người đã biếu ông quà và tiền nhưng ông dứt khoát từ chối. Ông Lệ nói: “So với những gì mà đồng đội tôi đã làm, việc này có là gì đâu. Đây chỉ là trách nhiệm của tôi với những đồng đội đã hy sinh”.

HOÀI LAM

Tin cùng chuyên mục