Người mẹ của những đứa trẻ da cam

Lớp học đặc biệt
Người mẹ của những đứa trẻ da cam

Cứ đúng 7g sáng mỗi ngày, trong ngôi trường tình thương được dựng bên thành Cổ Loa lại văng vẳng lên những tiếng bi ba, bi bô đánh vần của đám học trò khuyết tật. Đó là những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Người đứng trên bục giảng lại là cô giáo chưa từng qua một lớp đào tạo về sư phạm, cô Đỗ Thị Kiên, ở xóm Mít, xã Cổ Loa (Đông Anh-Hà Nội).  

Lớp học đặc biệt

Trong một lớp học đông vui của cô Đỗ Thị Kiên
Trong một lớp học đông vui của cô Đỗ Thị Kiên

Cổ Loa là một vùng đất cổ của Hà Nội, có bề dày lịch sử và gắn với nhiều truyền thuyết. Hiện ở đây đang có 195 gia đình với 318 đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam. Di chứng của cuộc chiến tranh đã làm cho chúng không thể đến trường như bao đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh. Vả lại, trường mầm non và trường tiểu học trong xã cũng không đủ điều kiện để đón nhận chúng.

Trong hoàn cảnh đó, cách đây 17 năm, cô Đỗ Thị Kiên đã lặng lẽ mở một lớp học dành cho những trẻ em như vậy. “Hàng ngày, mỗi khi đi làm về, tôi lại bắt gặp những đứa trẻ bị dị tật đi lại vật vờ ngoài đường. Có đứa nằm co quắp bên thành Cổâ Loa. Tôi không thể cầm lòng được”, cô tâm sự. Cô Kiên còn cho biết thêm: “Chính đứa em trai của tôi cũng bị qua đời sớm vì nhiễm chất độc da cam. Bởi vậy, tôi thấu hiểu nỗi đau và nỗi mất mát lớn của chúng”.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng cô quyết định mở lớp dạy học ngay tại nhà mình.
Phần lớn các em đến lớp đều mắc bệnh thần kinh do di chứng của chất độc da cam. “Bảo chúng đến nhà còn dễ chứ bảo chúng ngồi học là điều không dễ. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là ép buộc chúng mà phải tìm hiểu tính nết và quy luật hoạt động của từng đứa trẻ để dạy dỗ và chăm sóc”, cô giãi bày.

Đó là một lớp học luôn bị ngắt quãng bởi tiếng gào thét của học sinh. Nhiều em đang ngồi học bỗng lên cơn động kinh. Có em còn “bậy” ngay trong lớp học… Mỗi lần như thế, cô Kiên lại một mình rửa, thay quần áo cho chúng. Có em đang học còn bỗng ngã•ngửa ra, đập phá, bút vở vứt lung tung. Có những hôm học sinh đến lớp không mang theo sách bút. Có những hôm tan học, chúng bỏ đi lang thang, thậm chí còn đi qua đêm không về. Chính cô lại phải đi tìm. Có lần, cô còn tìm được một đứa trẻ đi lạc xuống tận vườn hoa Gia Lâm (Hà Nội).

Gặt hái những mùa hương

Ngày lại ngày, cô gần như phải “đánh vật” với hàng chục đứa trẻ. Thời gian đầu cô phải cầm tay từng em một. Do bị thiểu năng trí tuệ, có đứa học cả tuần mà không nhớ nổi một chữ cái. Nhiều người cho rằng, những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ khó mà đọc nổi một câu thơ, viết tròn vành một chữ cái và lớp học trẻ da cam khó mà tồn tại lâu dài. Nhưng cô Kiên không nản, không chịu bỏ cuộc. Bằng tất cả nghị lực và sự nhẫn nại, cô đã đưa lớp học đặc biệt này trở thành một đốm sáng trong phong trào chăm sóc trẻ em hoàn cảnh khó khăn, dị tật ở Hà Nội. Cuối cùng, những đứa trẻ da cam cũng biết viết và biết đọc. “Niềm sung sướng nhất của tôi sau nhiều ngày tháng là những đứa trẻ đã có thể viết được từng chữ cái, đánh vần được các từ đơn, từ ghép và nhận thức được ngữ nghĩa của từng từ”.

Sự kiện những đứa trẻ bị thần kinh, thiểu năng trí tuệ trong lớp học của cô Kiên có thể đọc và viết chữ, được rèn tập tính kỷ luật và gắn kết trong tập thể khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Thế là, nhiều gia đình bắt đầu kéo con em của họ đến góp mặt.

Thêm một học sinh đến lớp là điều đáng mừng, nhưng cũng thêm một nỗi lo. Đặc biệt là càng học lên cao thì việc giảng dạy cho chúng càng khó khăn hơn. Bởi vì cô chưa từng qua một trường lớp nào về sư phạm.

Thật may. Sau đó, Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh và Bệnh viện Tâm thần Mai Hương đã giúp đỡ bằng cách mời cô Kiên tham gia một lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Để khích lệ và chia sẻ những thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của cô, Phòng GD-ĐT huyện Đông Anh đã quyết định hỗ trợ cô 40.000đ/tháng và bây giờ tăng lên mức 100.000đ.

Việc làm của cô Kiên không chỉ làm cho nhiều người ở Hà Nội phải cảm phục mà các tổ chức từ thiện ở nước ngoài cũng biết đến. Họ đã quyên tiền giúp đỡ. Từ một lớp học sơ sài, nhỏ bé, giờ đây lớp học ấy đã được xây dựng lại  thành một ngôi trường tình thương với 4 phòng học khang trang, bề thế, tọa lạc giữa vùng đất cổ. Điều cô Kiên mong ước là ngày càng có nhiều người dám hy sinh và giúp đỡ nhiều hơn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Cô bảo rằng việc làm của mình chỉ là góp một cánh tay nhỏ trong ngàn cánh tay nâng đỡ trẻ em bất hạnh. 
 

Tin cùng chuyên mục