Gần 30 năm chuyển từ phương Bắc vào phương Nam lập nghiệp, dù trước kia ở Đồng Nai và bây giờ ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngày tôi gặp gỡ, trò chuyện và làm việc với người Nam bộ đủ mọi thành phần. Quãng thời gian gần nửa đời người, mà là nửa đời người phải có trách nhiệm với gia đình, xã hội ấy đã đủ để cho tôi có cảm nhận đúng đắn, sâu sắc về bản chất những con người sinh ra, lớn lên ở miền đất phương Nam này. Họ có sự đôn hậu, có lòng bao dung, có tính năng động…
Anh hùng giữa công trường
Tôi gặp anh Trần Lễ, người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngay đợt đầu tiên vào tháng 4 -1986 tại công trường xây dựng tuyến năng lượng Nhà máy thủy điện Trị An - Đồng Nai.
Nhà máy thủy điện Trị An, nơi Anh hùng lao động Trần Lễ đã làm việc nhiều năm.
Thú thực, khi ấy đã xấp xỉ tuổi 40 rồi, nhưng tôi chưa một lần được gặp gỡ, trò chuyện với một người Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nào. Nên tôi vừa háo hức, vừa tò mò mong được gặp anh Trần Lễ sớm nhất. Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe từ làng công nhân ra công trường làm việc. Có một người đàn ông cao lớn, tuổi ngoài 50, nước da sạm nâu, điếu thuốc rê gắn chặt vào môi, cười rất vui vẻ đứng đón. Tôi nhận ra đó là anh Trần Lễ, bởi qua mô tả trước đó của đồng nghiệp nên tôi đã phần nào vẽ ra dáng vóc của anh trong đầu mình. Lúc này, tôi tập trung quan sát người Anh hùng lao động kỹ càng hơn. Gương mặt anh đậm màu nắng gió, hơi khắc khổ nhưng vẫn không mất đi bản chất thật thà, chất phác trong đôi mắt chứa chan đôn hậu. Sau một thời gian ngắn tìm hiểu, tôi biết anh sinh ra trong một gia đình lao động nghèo. Tuổi thơ sống giữa phố thị Sài Gòn nhưng anh không được cắp sách đến trường như những đứa trẻ khác. Năm 16 tuổi anh phải xin vào làm thợ ở hãng Eiffel Asia, một chi nhánh của Eiffel - Cộng hòa Pháp ở Sài Gòn để phụ giúp ba má. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chính quyền mới tiếp quản Eiffel Asia và lập nghiệp ra Xí nghiệp Lắp máy Chương Dương. Anh Trần Lễ tiếp tục ở lại làm việc, với tinh thần tất cả vì lợi ích xã hội, lợi ích đơn vị, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc, hết mình cho đồng đội, bạn bè…Người công nhân của chế độ cũ, sau 5 năm thống nhất đất nước, anh Trần Lễ đã được tôn vinh Anh hùng lao động vào năm 1986, đợt đầu tiên Đảng, Chính phủ phong tặng danh hiệu này khi thống nhất đất nước.
Trở lại ngày làm việc đầu tiên trên công trường xây dựng thủy điện Trị An của dân biệt phái chúng tôi dưới sự chỉ đạo của Anh hùng Trần Lễ. Sau khi đã sắp xếp, bố trí cho các đội làm việc đâu vào đấy, anh đến với dân biệt phái chi viện cho công trường vào giờ nghỉ giải lao giữa ca. Vài lời ngắn ngủi giới thiệu về mình, anh xúc động giãi bày tâm tư: “Cảm ơn các bạn đã tạm biệt gia đình, quê hương ở các tỉnh phía Bắc vào chi viện cho thủy điện Trị An, để dòng sông Đồng Nai sớm làm ra điện phục vụ nhân dân TPHCM nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung. Có gì khó khăn trong đời sống hàng ngày, các bạn cứ đề xuất, tôi sẽ bàn với các anh lãnh đạo xí nghiệp tận tình lo toan”. Sự quan tâm của ông trưởng ca đã giúp dân chi viện chúng tôi quên đi những cơn mưa cuối mùa vẫn ầm ầm trút xuống, đoạn đường ống áp lực chúng tôi đang thi công nhanh chóng đổ bê tông hết mẻ này đến mẻ khác…
Khi tôi viết những dòng chữ này, Anh hùng Trần Lễ đã về với cõi vĩnh hằng gần 10 năm rồi. Nhưng bạn bè làm việc ở công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An ngày ấy, mỗi lần gặp nhau chuyện trò đều nhắc đến anh Lễ bằng tình cảm trân trọng, khâm phục.
Paven của nhà máy
Người Nam bộ thứ hai tôi muốn nhắc đến là kỹ sư Trần Bá Thượng quê ở Bến Cát, Long An, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tàu thủy Việt Nam, đã nghỉ hưu cuối năm 2006. Do được tháp tùng anh Thượng trong nhiều chuyến công tác ngược Nha Trang, xuôi Cần Thơ, nên tôi biết khá nhiều về anh: Năm 1954, khi mới tròn 8 tuổi cậu bé Thượng phải gạt nước mắt chia tay ba má, tạm biệt quê hương theo các cô các chú tập kết ra Bắc. Sống ở hậu phương trong sự đùm bọc, chở che của quê hương mới, chàng trai Trần Bá Thượng đã cùng nhiều học sinh miền Nam trên đất Bắc trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản, anh về công tác tại một doanh nghiệp Nhà nước, chuyên ngành khai thác thủy hải sản ở TP Hải Phòng. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tháng 4-1975 thì tháng 8 cùng năm, anh đã được Vụ Tổ chức Trung ương Đảng điều động vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới ở Ban Quân quản. Sau đó anh được điều về làm việc tại một công ty vận tải đường sông và tham gia tiếp nhận ụ Nam Chành, một cơ sở sửa chữa và đóng mới ghe thuyền ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Rồi anh Thượng được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ sở này để đầu tư xây dựng thành xí nghiệp rồi đến Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn. Năm 1996, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy được thành lập, giám đốc Trần Bá Thượng được điều lên đảm nhận chức vụ Phó Tổng giám đốc, phụ trách các đơn vị phía Nam cho đến ngày về hưu.
Ông Trần Bá Thượng khi đã về hưu.
Suốt quá trình 40 năm cống hiến, đảm trách nhiều công việc ở các đơn vị khác nhau, nhưng theo anh quãng thời gian gần 20 năm gắn bó với ngành công nghiệp tàu thủy là những năm tháng gian lao, vất vả và cũng hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Anh Thượng không kể nhiều về quá trình biến ụ Nam Chành nhỏ nhoi, chỉ sửa chữa, đóng mới ghe thuyền trọng tải vài chục tấn đến đủ sức đóng và sửa chữa tàu vạn tấn, nhưng qua những lần về đây công tác, tôi nghe những người thợ già, những cán bộ đã từng làm việc với anh kể lại về người lãnh đạo của mình bằng những lời trân trọng, yêu mến và cả biết ơn nữa. Một người thợ già bộc bạch: “Ông Thượng là Paven của nhà máy chúng tôi đấy. Gần 20 năm làm việc dưới sự lãnh đạo của ông Thượng, ngày nào tôi cũng thấy ông ấy đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật với mọi người để mở mang, nâng cấp nhà máy. Cần lội xuống bùn để kiểm tra cầu tàu ông ấy lội xuống ngay, cần vào hầm tàu xem máy móc hư, ông ấy vào ngay. Đặc biệt, giám đốc của chúng tôi hết sức quan tâm đến đời sống của người lao động. Ai có khó khăn gì cần giúp đỡ, ông ấy đến thăm hỏi, động viên và sẵn sàng móc tiền túi của mình ra giúp để giải quyết khó khăn trước mắt… Chính vì vậy, những người thợ già chúng tôi có tay nghề cao, rất nhiều nơi mời gọi với những ưu đãi kèm theo, nhưng cảm cái tình, cái nghĩa của anh Thượng, chúng tôi vẫn bám trụ dù sau này nhà máy có gặp khó khăn về công ăn việc làm…”. Không chỉ những người thợ già, lớp trẻ chỉ mới làm quân ông Thượng vài ba năm thôi cũng hồ hởi khi gọi người lãnh đạo cũ của mình là ông Paven (Paven Coócsơghin nhân vật chính trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga, đã làm say đắm nhiều thế hệ trẻ Việt Nam).
Mới đây, tôi ghé thăm ông Trần Bá Thượng tại một chung cư ở quận Phú Nhuận. Tuổi đã xấp xỉ 70 nhưng ông vẫn còn phong độ lắm. Từ ngày về hưu đến nay, ông sắm cho mình cái xe đạp cuộc và hàng ngày, mưa cũng như nắng, đều chạy vài chục cây số để rèn luyện thể lực. Ông già Nam bộ vẫn cười đôn hậu khi nghe tôi nói đến tận bây giờ, anh em ở công ty vẫn nhớ và nhắc về một Paven ngày nào…
PHẠM MINH DŨNG