Người Pygmies sẽ tuyệt chủng?

Vấn nạn phá rừng
Người Pygmies sẽ tuyệt chủng?

Ngày 15-10, một đoàn đại biểu 12 người của bộ tộc Pygmie ở Cộng hòa Dân chủ Congo đến Washington (Mỹ). Những người chỉ cao trung bình 1,5m này sẽ yêu cầu tân lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick bảo vệ 60.000 km2 rừng nguyên thủy ở miền Trung Congo khỏi sự tàn phá của những công ty khai thác rừng đến từ châu Âu. 
 
Vấn nạn phá rừng

Người Pygmies sẽ tuyệt chủng? ảnh 1

Người Pygmies lo lắng trước nạn khai thác rừng bừa bãi

Trưởng đoàn Adrian Sinafasi muốn báo động thế giới về nguy cơ tuyệt chủng của bộ tộc Pygmies Mbendjele Yaka sinh sống trong những cánh rừng nhiệt đới miền Trung và miền Tây châu Phi từ thời kỳ đồ đá đến nay. Nguy cơ tuyệt chủng là do nạn phá rừng của các công ty mà họ cho là được WB “bật đèn xanh”.

Ông Sinafasi cho biết, tiếng máy cưa ầm ì suốt ngày đêm của những thợ cưa cũng là tiếng chuông báo động nạn đói và hủy diệt cuộc sống của người Pygmies: “Họ đem những cỗ máy khổng lồ vào sâu trong rừng và làm ồn đến độ các loài thú đều hoảng sợ phải trốn đi nơi khác. Những thợ cưa cũng cần ăn để sống nên bắt đầu săn bắn, nhưng thay vì sử dụng các vũ khí truyền thống như chúng tôi, họ lại sử dụng súng để săn bừa bãi mà chẳng quan tâm có đang là mùa săn hay không”. 

Việc đốn hạ tiếp tục gây ra bạo lực trong khu vực vốn vừa trải qua nhiều năm nội chiến khiến hơn 4 triệu người chết. Mới đây đã có 6 người chết trong một cuộc ẩu đả giữa người địa phương với các thợ cưa. Hiện 40 triệu dân Congo sống lệ thuộc vào khu rừng già, trong số đó có khoảng 600.000 người Pygmies dấn thân vào một “cuộc chiến giữa bé hạt tiêu David với khổng lồ Goliath” về kế hoạch đốn chặt hàng triệu cây gỗ cứng để biến chúng thành đồ nội thất, sàn nhà cho người châu Âu.

Ngoài việc là nguồn hấp thụ gần 8% khí carbonic của thế giới, khu rừng này còn là “nhà” của một quần thể đa dạng sinh học lớn. Ông Sinafasi hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với WB để bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn thứ nhì thế giới này. Đoàn của ông cũng hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. 

Thắng lợi ban đầu

Ông Sinafasi nói đồng bào ông chỉ biết chuyện “nhà” của họ trở thành khu khai thác rừng khi các xe ủi đất tiến vào làng và từ đó quyền sống của người Pygmies bị tước đoạt: “Quyền khai thác rừng của chúng tôi bị hạn chế khi họ cấm chúng tôi tiếp cận những cánh rừng lớn. Họ không quan tâm đến chuyện chúng tôi cần thức ăn như nấm hoặc mật ong. Chúng tôi cũng không có được tiếng nói về cây nào nên giữ, cây nào nên trồng”.

Hiện người Pygmie không biết chữ nhưng cũng sử dụng những thiết bị hiện đại, như máy định vị toàn cầu qua vệ tinh (GPS), để bảo vệ những vị trí linh thiêng và vùng săn của họ trong rừng khỏi những chiếc xe ủi của các công ty khai thác rừng. Địa điểm được họ xác định được tải lên vệ tinh, truyền thông tin vào một bản đồ của công ty quản lý khai thác rừng là Congolaise Industrielle des Bois (CIB). 

Hồi tháng 9, cộng đồng Pygmies cũng đã có được một thắng lợi, khi sự phàn nàn chuyện đốn chặt cây của họ được các chuyên gia độc lập của WB ủng hộ. Các nhà quan sát cho rằng hội đồng lãnh đạo WB về nguyên tắc sẽ chấp thuận người sống ở các khu rừng phải có tiếng nói sau cùng trong bất kỳ sự phát triển nào. Hội đồng đã đến Congo xem xét lời phàn nàn của người Pygmies, chấp nhận một sự thật là giá trị kinh tế của khu rừng đã bị thổi phồng quá đáng và các quan chức đã không xét các lợi ích bền vững khác của rừng. Hội đồng cũng kết luận người địa phương đã không được tư vấn và việc kiểm tra chất lượng bảo vệ môi trường không được thực hiện triệt để trước khi tiếng máy cưa bắt đầu vang lên. 

Từ khi WB trở lại Congo năm 2002, kế hoạch cho phép đốn rừng đã được vẽ, nhằm biến nó thành khu xuất khẩu gỗ chủ lực của châu Phi. Khi cuộc nội chiến đẫm máu cướp đi hàng triệu mạng người, nền hòa bình lại bị đe dọa từ lúc các công ty phương Tây trở lại khai thác Congo vừa tìm lại sự ổn định. Những nhà bảo vệ môi trường đã phải đánh động sự phát triển ồ ạt, cộng thêm nạn tham nhũng tràn lan đang phát tín hiệu bắt đầu sự tận diệt khu rừng già. Simon Counsell của Quỹ Rừng -một tổ chức từ thiện Anh ủng hộ người Pygmies trong cuộc phòng chống các tay thợ cưa - nói hội đồng lãnh đạo WB đang có cơ hội tránh được một thảm họa môi trường và nhân đạo. Họ cần phải chấm dứt nạn phá rừng ở Congo và làm việc với Chính phủ Congo để tìm cách quản lý rừng vì lợi ích của nhân dân Congo.

  Trần Trí (theo Independent)

Tin cùng chuyên mục