
Anh 56 tuổi, tuổi thìn, tên Long (Nguyễn Thanh Long) nên nhiều người vẫn nói vui: thằng cha này là “ngọa hổ tàng long” đấy. Nhưng với các xã viên HTX Nông nghiệp và Xây dựng Phú Lợi thì anh vẫn là gã Út Gàn. Cái tên Út Gàn gắn liền với anh bởi anh hay làm chuyện “ngược đời”...
Từ người thích làm gàn
Nằm ven quốc lộ 1, gần ngã ba Cái Tắc, HTX Nông nghiệp và Xây dựng Phú Lợi (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) - gọi tắt là HTX Phú Lợi - giờ đây mang dáng vóc của một trung tâm sản xuất cây giống. Gã gàn thì độc chiếc quần đùi đang lui cui cắt, tỉa cây giống bên trong nhà lưới.

Tôi chợt nhớ hơn 10 năm trước, Út Long vẫn với chiếc quần đùi ngày ngày chăm bón cả trăm gốc xoài cát Hòa Lộc. Xoài người ta cho trái chiếng, cũng từng ấy cây, thu nhập cả chục triệu, Út Long lại đi… chiết cành, ghép bo làm cây giống. Người ta bảo Út Long chơi gàn! Rồi cái độ heo hơi rớt giá, Út Long không bán heo giống mà vỗ nuôi thịt, người ta lại nói gàn!
Cả xóm đang nuôi cá trê lai, từ đâu Út Long mang về cả chục ngàn con cá sặt rằn, người ta cũng bảo gàn… Nhưng cứ mỗi lần gàn như thế, Út Long lại kiếm từ 20 – 50 triệu đồng. Và cái biệt danh Út Gàn cũng từ đó mà ra. Gần đây, không ít người săn tìm cá điêu hồng, Út Long lại nuôi… cá rô đồng, nhưng lần này nhiều người trong HTX cũng “làm gàn” như anh.
Năm 2006, Út Long được kết nạp Đảng. Tháng 2-2007, chi bộ Đảng HTX Phú Lợi được thành lập, với 7 đảng viên là “nông dân nòi”. Út Long được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Trong HTX, có hai xã viên sắm xe du lịch từ 300 đến 500 triệu đồng/chiếc thì người đàn ông này lại chọn cách cơi nới vườn cây giống 1,5ha lên 200.000 đầu cây giống với các loại đang được chuộng: mít nghệ Thái, ổi không hạt, ổi tím, vú sữa Lò Rèn... Mới đây, Bộ NN - PTNT gởi thư mời anh đem cây giống dự Hội nghị Giống và thiết bị – Vật tư nông nghiệp ĐBSCL (dự kiến tổ chức ngày 26-4-2007 tới), đã khiến nhiều HTX ở Châu Thành A phải nhìn anh “ganh tị”.
Cái gàn đầu tiên khi Út Long chiết nhánh xoài cát đầu dòng làm cây giống đã “đẻ ra” Câu lạc bộ (CLB) Khuyến nông Phú Lợi, đó là năm 1993. Từ vườn ươm này, không chỉ 7 thành viên trong CLB mà có thêm cả chục người trong xóm nhận làm gia công. Mỗi hộ nhận sơ sơ 1.000 hột xoài, giá 100đ/hột, ươm thành cây giống bán 1.100đ/nhánh, mỗi tháng kiếm cả triệu bạc. Ông Năm Ô, người hàng xóm của Út Long bảo có lẽ gọi HTX là “vườn ươm Phú Lợi” cũng không sai!
Chơi gàn nhưng rất bài bản, Út Long đã chọn được hậu duệ. Sau 12 tháng khăn gói vào Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thọ giáo các “ngón nghề”, Lĩnh- hậu duệ của Út Long- giờ đã là “thủ lĩnh” trại cung cấp cây giống của HTX Phú Lợi ở tỉnh Bình Dương, mỗi năm có thể cung ứng trên 80.000 cây giống cho khắp vùng miền Đông Nam bộ. Có những người tận Phú Quốc (Kiên Giang) cũng tìm đến đây mua cây giống. Năm 1995, 15 loại cây giống như xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò, sầu riêng, vú sữa… đã mang đến cho Út Long 100 triệu đồng thu nhập.
Đến HTX “ăn nên làm ra”
Út Long mang cá sặt rằn về nuôi là cái gàn thứ hai, vậy mà đã tạo nên HTX Phú Lợi, đó là năm 1997. 20 xã viên với 126 triệu đồng vốn (trong đó có 100 triệu đồng là đóng góp bằng hiện vật: cá giống, cây giống), ai mới nghe cũng cười, còn anh Gàn thì nói gọn lỏn: “Một mình tôi không gánh vác hết công việc, liên kết lại thì nhiều người có việc làm.
Nhiệm kỳ đầu, ban chủ nhiệm không hưởng thù lao”. Tưởng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cây giống, con giống, Út Long lại chơi “hổng giống ai”: lấy 20 triệu đồng vốn lưu động đầu tư xây cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc. Anh Út Tiện, một trong 20 xã viên từng là hộ nghèo, khi ấy nghe Út Long nói cũng đồng ý mà… thót tim! Vậy mà, cửa hàng thức ăn này đã giúp nhiều người có việc làm: người mua đầu cá biển, người làm phụ phẩm chế biến thức ăn, người nhận cá về nuôi…
Cuối năm đó, từ 1.300m2 ao nuôi cá rô đồng, Út Tiện bán được 109 triệu đồng, lãi ròng trên 60 triệu đồng. Út Tiện cười khà khà: “Cá rô đồng loại 1 hiện được thương lái “ăn hàng” đến 45.000đ/ký, loại 3 cũng được 20.000đ/ký”… Giờ thì xã viên ở Phú Lợi không còn ai trong diện nghèo, người thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng như Út Tiện có gần chục người, thu nhập 45-50 triệu đồng có 10 hộ, còn lại cũng trên 20 triệu đồng/năm/hộ. Đó cũng là thành công ngay từ đầu mà ban chủ nhiệm HTX xác định: VACB (vườn-ao-chuồng-bioga) và VACR (vườn-ao-chuồng-rẫy).
Cái gàn thứ ba của Út Long là đang làm ăn ngon lành, lại muốn đá “luân canh” bằng việc mở thêm ngành nghề xây dựng năm 2001. Trước tiên là nâng mức huy động vốn trong xã viên, đại hội “ô kê”, HTX huy động được 600 triệu đồng. Cũng từ lúc này, doanh thu HTX ngày càng tăng, từ 3,6 tỷ đồng năm 2002 đã lên 5,2 tỷ đồng năm 2004; lợi nhuận bình quân của HTX đạt trên 52%/năm.
Nói gàn là vậy nhưng Út Long tổ chức rất bài bản. Dù có một trung cấp kế toán, nhưng năm 2000, Út Long vẫn thuê thêm một người có trình độ đại học kế toán hẳn hoi để xử lý sổ sách của HTX. Khâu sản xuất kinh doanh được cam kết: HTX lo kỹ thuật, đầu vào, đầu ra, xã viên dùng lao động, đất đai tại nhà và cùng HTX lo đầu ra cho sản phẩm; vốn tối thiểu mỗi xã viên góp 1 triệu đồng, tối đa 150 triệu đồng/hộ; việc quản lý thu chi được giám sát chặt chẽ, với thu nhập bình quân 1,1 triệu đồng/người/tháng. Út Long cũng vừa trích 10 triệu đồng tặng máy vi tính cho học sinh Trường Tầm Vu II, huyện Châu Thành.
Chia tay, Út Gàn khoe: “Vừa mở thêm đại lý độc quyền cây giống ở Hà Nội. Chưa hết, gần 1.200 cá tra bố mẹ và 10.000 cá trê phi bố mẹ đã bắt đầu cho trứng, đây sẽ là “ngón mới” của vườn ươm Phú Lợi”. Tôi nhủ thầm, lại thêm một chuyện gàn nữa đây!.
CAO HOÀNG PHONG