Nhiều người ví Trần Thị Ngọc Hiếu như cây xương rồng luôn vươn lên với một sức sống mãnh liệt giữa sa mạc cằn khô, cũng có người gọi Hiếu là “ngọc trong đá”!
Vượt lên số phận
Hiếu là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Cuộc đời của Hiếu có lẽ sẽ bình yên nếu như không có cơn sốt bại liệt năm 1987, lúc Hiếu 4 tuổi. Trận dịch khiến hơn chục người trong ấp tử vong. Chỉ mình Hiếu sống. Nhưng Hiếu vĩnh viễn không đi được trên đôi chân ngày trước. “Nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy mình may mắn, còn được sống và quan trọng là mình sống như thế nào mà thôi…”, Hiếu chia sẻ.
Trong căn phòng trọ nhỏ, Trần Thị Ngọc Hiếu miệt mài làm tranh.
Ngày đó, Hiếu sốt cao, mê man nên gia đình đưa vào bệnh viện. Bác sĩ lấy dụng cụ gõ vào chân để thử cảm giác nhưng không có phản ứng… Bác sĩ “chê” và yêu cầu gia đình đưa Hiếu về nhà. Hiếu nhớ lại: “Mới đầu chỉ bị chân phải, sau đó liệt luôn chân trái, tay phải cũng yếu, chỉ còn mỗi tay trái khỏe mạnh… Tuổi thơ của tôi phần nhiều là những ngày theo ba mẹ đi chữa bệnh khắp nơi, với đủ phương pháp Tây y, Đông y, châm cứu, bấm huyệt…”.
Hồi nhỏ, việc bị chúng bạn trêu ghẹo là chuyện thường ngày của Hiếu, nhất là những năm cấp 1, cấp 2. Về nhà, Hiếu hỏi mẹ rằng tại sao tụi nó cứ chọc con hoài vậy? Ba mẹ thấy tội nên khuyên “thôi con nên ở nhà”, nhưng Hiếu không chịu. Quá trình học của Hiếu cũng bị ngắt quãng vì phải đi chữa bệnh liên tục. Bước vào trung học phổ thông, các bạn học đã hiểu và thương Hiếu nhiều hơn. Thời áo trắng, Hiếu chưa một ngày được mặc áo dài. Học chưa hết lớp 12, Hiếu buộc phải nghỉ học vì sức khỏe không cho phép.
Sau khi nghỉ học, Hiếu giữ trẻ tại nhà và rất thích công việc này. Bé nào cũng lên cân, gọi Hiếu là mẹ. Được vài năm, người ta bảo muốn trông trẻ phải đăng ký mà Hiếu thì không đủ điều kiện. Đúng lúc này, một người quen cho biết trên Sài Gòn dạy làm tranh đá quý, có nhận người khuyết tật. Giấu bố mẹ, Hiếu một mình thuê xe ôm lên thành phố. Đó là bước ngoặt lớn trong đời Hiếu.
Tại công ty mà Hiếu xin vào, nhiều người ái ngại bởi Hiếu chỉ có một tay khỏe mạnh. “Sau khi “test” thấy tay trái cầm máng, tay phải cầm dao nhưng không cầm được, cứ rớt lên rớt xuống, giám đốc công ty thở dài nói không nghĩ là tôi làm được. Mấy người trong công ty cũng khuyên tôi đừng nên học vì đóng học phí rồi mà làm không được thì… uổng”, Hiếu nhớ lại ngày đầu tiên đến công ty.
Say mê nhìn những bức tranh thủ công bằng đá quý độc đáo, Hiếu biết đây là công việc mà mình có thể làm đến cùng. Sau khi ra sức năn nỉ, Hiếu được giám đốc công ty cho thử tay nghề trong 1 tuần.
Trời không phụ lòng người
Trong tuần đó, Hiếu rất vất vả với con dao trên tay. Bình thường mọi người làm việc theo giờ hành chính rồi về nhưng Hiếu xin bảo vệ cho ở lại xưởng rèn thêm, chủ yếu tập cầm dao. Hiếu vẫn nhớ như in những ngày đó, chỉ là một con dao Thái Lan nhỏ nhưng đôi tay yếu ớt của Hiếu không giữ nổi. Mỗi lần con dao mình cầm rớt xuống là mỗi lần Hiếu quệt nước mắt cố hết sức cầm lên. “Cầm dao không được sẽ không được học nghề và phải về nhà. Dường như với tôi việc trở về nhà đồng nghĩa với thất bại. Việc không có đường lùi càng khiến tôi quyết tâm hơn”, Hiếu tâm sự.
Một tuần sau đó Hiếu cầm được dao, khắc phục được nhược điểm của mình và được công ty cho ở lại học nghề. Đầu tiên Hiếu chỉ tập làm những chữ đơn giản. Hiếu nhớ tác phẩm đầu tiên làm ra chỉ là chữ “Nhân” ở giữa ô vuông trên khung nền màu trắng, giản đơn nhất nhưng Hiếu ngắm mãi và thích vô cùng. Cùng những nỗ lực vượt bậc, học nhiều, tập nhiều, làm nhiều hơn mỗi ngày, cố gắng gấp 3-4 lần người bình thường, lại được công ty tin tưởng dạy nghề, chỉ 2 tháng sau, Hiếu đã có thể tự tay hoàn thiện một bức tranh phong cảnh và sau này tự mình làm ra được những bức tranh chân dung sống động đến không ngờ.
Làm việc ở đây hơn 4 năm, Hiếu xin nghỉ việc để đi làm bên ngoài. Nhưng mọi thứ dường như bắt đầu từ số 0. Hiếu vừa phải tìm chỗ ở trọ, vừa lo nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm mà cả tháng trời không có một đơn hàng, không thu nhập… “Ra ngoài mới biết rằng mọi thứ đều quá sức đối với mình. Làm một người thợ trong công ty thì dễ, nguyên vật liệu có sẵn, đá đã có máy nghiền, chà rửa, sấy... Bây giờ, mọi việc phải tự làm mà sức tôi quá yếu. Việc đi kiếm đơn hàng càng khó, không ai biết đến mình cả…”, Hiếu kể.
Muốn làm ra được một bức tranh đá quý đẹp phải trải qua nhiều công đoạn: lựa đá, phân chia đá theo tông màu đậm nhạt, giã đá nát vụn, rửa đá, sấy khô, rang đá, rắc đá xuống tấm mica, tạo hình cho những hạt đá… Trong những khâu đó, khâu giã đá khá khó khăn với Hiếu vì để giã được 1kg đá, người bình thường đã phải mất khoảng 4 giờ giã liên tục. Phải mất hơn một năm sau, thông qua những người bạn mua tranh, giới thiệu, khách hàng bắt đầu đón nhận sản phẩm. Hiếu cũng tập tành sử dụng máy tính, biết cách lên mạng, đưa thông tin giới thiệu sản phẩm.
Là người tỉ mỉ, cẩn thận, Hiếu tự mình lặn lội khắp nơi tìm mua đá thiên nhiên. Ngoài ra, Hiếu nghiên cứu kỹ đặc tính từng loại để làm sao tăng tính thẩm mỹ và độ bền cho tranh. Tranh Hiếu làm giá không quá cao so với các cửa hàng khác. Hiếu mất từ 1 tuần đến 1 tháng để hoàn thành một bức tranh tùy kích cỡ, độ phức tạp của mẫu. Hiếu không muốn ai khi nhận sản phẩm mà không hài lòng nên tất cả những gì Hiếu làm ra đều rất tâm huyết.
Nhiều người ngỡ ngàng và khâm phục khi nhìn thấy bức tranh của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, bức tranh chân dung Nick Vujicic… làm bằng đá độc đáo và sống động do Hiếu làm. Tranh của Hiếu không chỉ ghi dấu đam mê mà còn có hồn của đá. “Nhiều lúc cũng không biết nhờ sức mạnh nào mà tôi từng bước, từng bước đi qua khó khăn được như vậy. Thật ra bây giờ mục tiêu trước mắt vẫn còn rất nhiều, tôi muốn trở thành nghệ nhân, một doanh nhân…”, Hiếu thổ lộ.
Trần Thị Ngọc Hiếu trong buổi trao bức tranh của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Hiếu cũng là người đầu tiên làm ra những bức tranh làm từ ốc. Có một doanh nhân người Anh tìm Hiếu hợp tác để thực hiện những mẫu tranh làm từ ốc, vỏ sò… Tin tưởng và đưa cho Hiếu những mẫu ốc hiếm, ông không quên để Hiếu tự sáng tác theo ý tưởng riêng trên một số sản phẩm. Đến nay, Hiếu đã thực hiện được 10 mẫu tranh ốc độc đáo sẽ được đưa ra nước ngoài.
32 tuổi, Hiếu bảo kinh nghiệm về công việc thì có nhưng trải nghiệm về cuộc sống bên ngoài vẫn chưa nhiều. Trong căn phòng trọ chật hẹp, ngoài việc miệt mài chế tác tranh đá, Hiếu còn dạy nghề làm tranh cho người khuyết tật và trẻ nhiễm HIV.
Hiếu luôn tin vào cuộc sống, và tin sống tốt hay không đều do mình. Hiếu nghĩ dù là người khuyết tật vẫn không nên có suy nghĩ ỷ lại, rằng sẽ có người đem đến cho mình cơ hội việc làm chứ không phải tự mình tìm lấy.*
VÕ THẮM