Người tiêu dùng Mỹ và Anh đổ nợ vì thị trường địa ốc

Người tiêu dùng Mỹ và Anh đổ nợ vì thị trường địa ốc

Tại Mỹ, 21.000 chỗ làm bị cắt trong tháng này, gần bằng cả năm 2006. Tại Anh, nợ cá nhân lần đầu tiên vượt GDP cả nước. Hàng ngàn gia đình ở cả 2 nước giàu này phải trả lại nhà do không thể trả nợ vay thế chấp, nợ tín dụng...

Khủng hoảng!

Người tiêu dùng Mỹ và Anh đổ nợ vì thị trường địa ốc ảnh 1

Bảng rao bán nhà tại Anh

Ngành kinh doanh địa ốc Mỹ đang lao đao. Mới vài năm trước, người bán hàng thế chấp còn rất phát đạt khi việc kinh doanh của ngành địa ốc phát triển mạnh. Còn bây giờ, Công ty tài chính First Magus, một công ty cho vay thế chấp, phải cho 6.000 nhân viên nghỉ việc. Trong ngành kinh doanh địa ốc, xây dựng và cho vay thế chấp, khoảng 21.000 người đã mất việc kể từ đầu tháng này. Giới bán xe hơi, bán lẻ trước đây làm ăn khấm khá nay cũng mất nhiều khách sộp.

Không giống các ngành công nghiệp khác, ngành kinh doanh địa ốc có mặt khắp nơi, ảnh hưởng rộng khắp. Việc trong vài tháng gần đây, dân nghèo không trả được nợ vay mua nhà đã thực sự gây khủng hoảng. Một giao dịch địa ốc đơn giản có thể liên quan đến 20 người. Một viên chức làm khế ước có thể kiếm 1.000 USD, người ghi sổ địa bạ ở địa phương được vài trăm USD, người định giá kiếm 300-400 USD, người mối lái được 50-100 USD, còn người dọn nhà, làm vườn, trang trí nhà cửa... Thường một nhân viên địa ốc kiếm được 200.000 USD/năm nhưng nay giảm còn... 15.000 USD.

Kinh doanh sa sút, nhiều doanh nghiệp giảm người, nhiều trường hợp không phải một số người phải ra đi mà là toàn thể một bộ phận hoặc thậm chí cả công ty phải đóng cửa. Ngày 20-8, Công ty Capital One Financial ở McLean, bang Virginia, thông báo cho nghỉ việc toàn bộ phòng kinh doanh thế chấp gồm 1.900 người. Ngày 22-8, thêm hàng ngàn chỗ làm bị cắt: HSBC cắt giảm 600 chỗ làm tại bộ phận cho vay tại Mỹ; Lehman Brothers đóng cửa toàn bộ bộ phận tương tự với 1.200 chỗ làm; Accredited Home Lenders cắt 1.600 nhân viên... Con số 21.000 người bị mất việc mà ngành kinh doanh địa ốc và các ngành liên quan thông báo từ đầu tháng tới nay gần bằng con số mất việc cả năm ngoái: 22.814 người.

2 tỷ USD cứu nguy

Công ty cho vay thế chấp lớn nhất Mỹ, Countrywide Financial, tối 23-8 được cho biết sẽ nhận được món bảo lãnh 2 tỷ USD của Ngân hàng Mỹ (BoA), nhằm giảm nhẹ nguy cơ phá sản có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính Mỹ. BoA cũng là một trong số 4 ngân hàng lớn xông vào hỗ trợ nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang (Fed) để khôi phục thị trường nợ vay. Mỗi ngân hàng cho mượn 500 triệu USD tại “cửa sổ chiết khấu” của Fed, nơi Fed cho các ngân hàng vay tiền mặt.

BoA đang trả 2 tỷ USD cho trái phiếu có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu của Countrywide. Countrywide sẽ trả lãi 7,25%/trái phiếu, và họ có thể đổi sang cổ phiếu với giá 18 USD/cổ phiếu. Countrywide là nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, và các nhà đầu tư đã cho rằng nó “quá lớn để bị đổ”.

Tại Anh, người dân cũng đổ nợ rất nhiều từ vay mượn và thẻ tín dụng khiến tổng vay mượn đến nay đã vượt toàn bộ giá trị nền kinh tế. Hãng tư vấn tài chính Grant Thornton dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ đạt 1.330 tỷ bảng trong năm nay, thấp hơn con số 1.350 tỷ bảng nợ chưa trả với nợ thế chấp, nợ thẻ tín dụng và các khoản vay mượn cá nhân trong tháng 6. Có khả năng vay mượn cá nhân đã vượt xa kiểm soát và thêm nhiều người nữa sẽ bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng tài chính.

Nợ của người tiêu dùng tăng liên tục, tình trạng mất nhà (do không trả được nợ) tăng cao, người vay mượn vất vả xoay xở để đối phó với ảnh hưởng của 5 lần tăng lãi suất trong năm. Hiện có khoảng 2,5 triệu người đang rất lo lắng về tình trạng tài chính cá nhân của họ.

Lệ Thư (theo CMS, Independent)

Tin cùng chuyên mục