Người trẻ đọc gì?

Ngày nay, không ít phụ huynh khi thấy con mình ôm một cuốn sách văn học để nghiền ngẫm thì đã mừng rỡ coi đó như là một … kỳ tích. Bởi thời nay, thế giới mạng khổng lồ và hỗn độn đang gần như chiếm trọn thế giới tinh thần cũng như tâm trí của đám trẻ.

Theo con số thống kê của ngành xuất bản Việt Nam, trong năm 2012 đã có gần 300 triệu bản sách được xuất xưởng. Số lượng sách xuất bản vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng trong số đó đã có tới 80% là sách giáo khoa, sách phục vụ giáo dục, số sách khác chỉ chiếm 20%. Tính bình quân người Việt Nam chỉ đọc khoảng 0,8 cuốn sách/người/năm, trong khi đó ở các nước như Nhật Bản, Malaysia con số này là 20 cuốn/người/năm và ở các nước khác còn cao hơn…

Lý giải về điều này, có khá nhiều lý do: vì bị internet cạnh tranh, vì bạn đọc không có thời gian, trong đó có cả lý do vì giá sách ở Việt Nam hiện nay quá cao, đến người giàu cũng phải… lắc đầu.

Rất nhiều bạn trẻ đang biện minh rằng, họ vẫn đang đọc và đọc nhiều. Thời của điện thoại thông minh, của internet, người trẻ đang đọc ở mọi lúc, mọi nơi bằng các phương tiện điện tử, nhưng thực chất của cái sự đọc ấy chỉ là “lướt” để tìm kiếm thông tin, để nắm bắt nội dung một câu chuyện, một tình tiết… chứ với một tốc độ đọc như vậy, thật khó có thể nghiền ngẫm, để cảm nhận, để thẩm thấu một tác phẩm.

Chính vì vậy, trong thực tế, dù bị cạnh tranh nhưng sách vẫn tồn tại và có một chỗ đứng nhất định trong lòng bạn đọc. Chỉ có điều, người đọc hôm nay đã khác xưa, đã có một sự chuyển dịch nhất định. Ngoài yếu tố giải trí, bạn đọc thời nay còn tìm kiếm ở những trang sách những thông tin có tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng vào trong đời sống. Một thời, giới trẻ đua nhau đọc các loại sách dạy làm giàu, các loại sách công cụ để học nghề … khiến cho thị trường sôi động và các loại sách này trở thành bestseller chi phối hầu hết các kệ sách ở thành phố.

Những năm gần đây, các loại sách trang bị kỹ năng sống lại bất ngờ lên ngôi. Trong cuộc bình chọn sách của bạn đọc mới đây nhất do Công ty Phát hành sách TPHCM (FAHASA) tổ chức, số phiếu bầu cao nhất (trong tổng số 15.000 phiếu bình chọn) lại dành cho một cuốn hướng dẫn kỹ năng sống, giúp bạn trẻ làm chủ bản thân để thành đạt. Thể loại truyện tranh đứng thứ hai và các tác phẩm văn học thuộc hàng ăn khách chỉ đứng thứ ba.

Bạn đọc đã khác xưa, bắt buộc những người viết hôm nay cũng phải có bước chuyển trong sáng tạo của mình. Bạn đọc hôm nay tìm kiếm những tác phẩm không chỉ có giá trị về định hướng tư tưởng, nhân văn, hướng thiện mà còn phải sinh động, hấp dẫn, cuốn hút… Trong thực tiễn, có nhiều tác phẩm được giải thưởng cao trong một số cuộc thi sáng tác, nhưng lại không tiếp cận được với thị trường, vì thế ít có tác động đến bạn đọc.

Nhiều bạn đọc trẻ chia sẻ, chúng ta thiếu những tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn. Các câu chuyện sử không chỉ có những sự kiện mà còn có những con người cụ thể, có yêu, ghét, hận thù… Thuộc loại sách đề tài chiến tranh cách mạng nhưng Nhật ký Đặng Thùy Trâm hấp dẫn bạn trẻ bởi đó là câu chuyện về một con người thật với tình yêu và khát vọng.

Để bạn trẻ luôn có một niềm hứng khởi với đọc sách, việc tư vấn, hướng dẫn chọn sách cũng là một vấn đề quan trọng. Không ít bạn trẻ cảm thấy lúng túng, phân vân khi đứng trước một rừng sách. Lâu nay, trong làng sách, những cây viết phê bình sách có bản lĩnh ngày càng thưa thớt, những trang báo dành cho việc giới thiệu sách lại đang mất dần đi.

Nhìn lại toàn cảnh văn hóa đọc ở nước ta, lại thấy còn quá nhiều nghịch lý. Ở các đô thị lớn, nhà sách mọc san sát đang cạnh tranh cùng các phương tiện thông tin đại chúng, còn ở các vùng xa thì thiếu thốn trăm bề và đám trẻ luôn khát sách.

Đọc hay không đọc. Thừa hay thiếu sách… trách nhiệm chính thuộc về những người làm công tác quản lý văn hóa chúng ta.

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục