
Festival Hoa Đà Lạt là sự kiện kinh tế, văn hóa, du lịch khá hoành tráng của tỉnh Lâm Đồng, được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Một trong những nội dung quan trọng của Festival Hoa năm nay (từ 15-12 – 22-12) là “Tôn vinh nghề hoa và người trồng hoa”. Thế nhưng, câu hỏi lớn mà người dân đang quan tâm là “Festival Hoa mang lại lợi ích gì cho những người trồng hoa?” vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.
Khát vọng từ ruộng vườn
Qua nhiều thế hệ - người làm vườn phố núi đã tích lũy cho mình những bí quyết trồng hoa, chăm hoa. Họ đã xây dựng nên một thương hiệu nổi tiếng về hoa Đà Lạt, tập trung tại 6 làng hoa Thái Phiên, Nguyên Tử Lực, Hà Đông, Vạn Thành, Xuân Thọ và An Sơn. Hoa ở đây không chỉ đẹp về hình thức, phong phú về chủng loại mà còn đảm bảo về chất lượng. Thương hiệu hoa Đà Lạt đã có từ lâu đời, còn Festival Hoa là cái mới, có sau nhằm tôn vinh và khẳng định cho thương hiệu hoa Đà Lạt.

Nghề trồng hoa là nguồn sống của hàng trăm hộ gia đình ở làng hoa Vạn Thành
Điều mà người trồng hoa Đà Lạt chờ đợi là cơ hội để thương hiệu hoa Đà Lạt cất cánh một cách ổn định hơn, tránh nỗi ám ảnh ế hàng, dội chợ. Sau Festival Hoa lần đầu tiên vào hai năm trước vẫn chưa có những tín hiệu vui và xem ra sau Festival Hoa 2007 vẫn tiếp tục là những kỳ vọng…
Ông Bùi Minh Thìn, khu phố trưởng Làng hoa Vạn Thành nhận định: “Festival lần này có chiều sâu hơn, nhưng lợi ích kinh tế mà người dân được hưởng thì chưa thấy”. Ông nói tiếp: “Người dân không có cơ hội để tiếp cận các đơn vị, doanh nghiệp, nên rất cần đến các cấp chính quyền làm cầu nối để tìm thị trường có giá cả ổn định, đảm bảo đời sống cho người dân.
Thế nhưng, qua nhiều lần lễ hội đến nay người dân phải một mình xoay xở…”. Vạn Thành là một trong 6 làng hoa ở Đà Lạt có truyền thống từ lâu đời, được mệnh danh là “Kinh đô của hoa hồng”, các giống hoa khác cũng rất phát triển ở đây như hoa đồng tiền, hoa lys… với tổng diện tích trồng hoa khoảng 300ha. Thế nhưng, làng hoa Vạn Thành đang nằm trong nguy cơ bị “xóa sổ”, 250/300ha “bỗng dưng” nằm trong dự án quy hoạch để xây dựng khu du lịch sinh thái và biệt thự cho thuê…Rồi đây, người dân trồng hoa biết làm gì để sống?
Ngắm thôi, chưa đủ!
Thực tế này không chỉ diễn ra ở “Kinh đô hoa hồng Vạn Thành” mà các làng hoa còn lại cũng chẳng có gì khả quan hơn. Ông Trần Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ - Làng hoa Xuân Thọ cho biết: “Ở đây người dân vẫn tự thân vận động. Muốn cho đời sống người làm vườn ổn định đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng và bền vững giữa nhà nước – doanh nghiệp - người dân…
Điều này chúng ta chưa làm được!”. Bác Võ Đình Tài, một người dân Vạn Thành nói: “Nghe nói Festival Hoa, mọi người dân Đà Lạt đều nhiệt tình hưởng ứng, họ đóng góp thời gian và công sức để làm xe hoa, nhiều gia đình còn mang biếu không cả trăm cành hoa. Festival sẽ có nhiều người biết đến hoa Đà Lạt hơn, nhưng chỉ biết và chỉ để ngắm thôi thì chưa đủ.
Festival Hoa 2005 đã qua nhưng thị trường hoa vẫn chưa có chuyển biến mới, người dân cũng phải hồi hộp vì sợ rớt giá… Chúng tôi quan tâm và hy vọng, qua Festival Hoa này tỉnh có biện pháp nào giúp dân tìm những đối tác, hợp tác với người dân tiêu thụ sản phẩm hay hỗ trợ dân hay không?”, ông nói.
Còn anh Nguyễn Hùng Châu, người có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc và cấy ghép các giống hoa ở Đà Lạt, nói: “Muốn nâng cao chất lượng hoa đòi hỏi phải có vốn lớn, nhiều gia đình đã không ngần ngại đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm nhà kính trồng hoa, thế nhưng đến mùa thu hoạch lại bị rớt giá. Thường thì chỉ vào những dịp lễ, Tết như 8-3, 20-10.... thì giá hoa cao hơn (hoa đồng tiền từ 1.000 – 1.200đ/bông, hoa hồng 1.500 – 2.000đ/bông).
Chi phí đầu tư khoảng 200-300 triệu đồng/ha, sẽ cho lợi nhuận khoảng gần 100 triệu đồng/ha/năm nếu thuận lợi , nhưng nếu “xui xẻo” thì lỗ lớn, tay trắng là chuyện thường. Có những năm giá hoa xuống rất thấp (hoa đồng tiền 100 đến 200đ/bông, hoa hồng 300đ/bông). Người dân không cần giá phải cao nhưng mong muốn có “cái giá” vừa phải và ổn định.
Đã nhiều năm nay người dân trồng hoa vẫn phải tự “ôm” sản phẩm đi tìm đầu ra cho mình, hoặc phải chấp nhận qua một lớp trung gian khác để buôn bán và cuối cùng người được hưởng lợi chính là các thương lái. Điều này có lẽ là vấn đề mà mỗi lần “nghị sự” chuẩn bị cho các Festival Hoa sắp tới, các cơ quan chức năng tại Lâm Đồng cần phải quan tâm thích đáng hơn. Nông dân các làng hoa vẫn còn kỳ vọng nhiều lắm!.
Minh Tú
Rút kinh nghiệm từ năm trước, tại Festival Hoa Đà Lạt 2007, ban tổ chức đã đưa vào nội dung “cụ thể hơn, gần gũi hơn” là “tôn vinh nghề hoa và người trồng hoa”. 12 nghệ nhân trồng hoa đại diện cho 6 làng hoa được tôn vinh và được nhận bằng khen trong ngay lễ hội. Mỗi làng hoa được chỉ định làm một chiếc xe hoa và đuợc hỗ trợ 45 triệu đồng nhưng đến cận ngày khai cuộc Festival Hoa, các làng hoa vẫn mới chỉ nhận được 30 triệu đồng. Trong khi để có một chiếc xe hoa diễu hành trong Festival như yêu cầu của ban tổ chức thì mỗi làng hoa đã phải đầu tư từ 80 - 100 triệu đồng… Khi được hỏi tại sao bà con vẫn chưa nhận được 15 triệu còn lại, ông Vũ Anh Dũng, làng hoa Hà Đông cho biết: Lúc đầu cấp trên chỉ hỗ trợ mỗi làng hoa 30 triệu, nhưng do chi phí làm xe hoa quá cao, UBND thành phố Đà Lạt, các phường có làng hoa và trung tâm lễ hội hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Thế nhưng khi bà con lên phường để nhận tiền thì phường bảo chưa có văn bản của thành phố, hỏi trung tâm lễ hội thì được trả lời là cứ xuống phường nhận trước... Như thế số tiền chưa về tay các làng hoa ngay cả khi giờ khai cuộc đã điểm. Để giải quyết tình thế này, cán bộ xã, khu phố phải đến tận nhà dân xin ủng hộ và họ đã không ngần ngại đóng góp để công trình được hoàn thành. |